Đầu tư bất động sản ra nước ngoài: Có đáng lo?

Mới đây, Bộ KH&ĐT lấy ý kiến về Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), trong đó có nội dung không khuyến khích đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản. Việc không khuyến khích là do lo ngại dịch chuyển tài sản hoặc để được cư trú dài hạn ở nước ngoài, tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng như thất thoát nguồn lực đất nước.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng bộ phận Tư vấn & Định giá Savills Hà Nội, cho rằng các e ngại này là có cơ sở. Đầu tư BĐS là ngành nghề đòi hỏi vốn lớn và có mức độ rủi ro cao. Trong khi nguồn lực kinh tế xã hội của đất nước khá hạn chế, việc đầu tư ra nước ngoài sẽ làm suy giảm nguồn lực dành cho đầu tư, phát triển kinh tế xã hội trong nước.

Tuy nhiên, ở một mặt khác, việc hạn chế này chưa thực sự tạo quyền tự do cho doanh nghiệp, cá nhân đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản.

Nhiều người lo ngại đầu tư bất động sản ra nước ngoài để rửa tiền.

Theo ông Sơn, đầu tư bất động sản là lĩnh vực có mức rủi ro rất cao, đặc biệt là còn mang tính cá biệt rất lớn, nên việc duy trì kiểm soát đối với một số khía cạnh nhất định là cần thiết.

Tuy nhiên, cũng nên xem xét và gỡ bỏ hạn chế đối với việc đầu tư bất động sản trong những phân khúc, thị trường doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ về mặt công nghệ, kinh nghiệm và nguồn vốn.

Ở góc nhìn khác, một số chuyên gia và doanh nghiệp lại khẳng định việc hạn chế này đi ngược thị trường và không cần thiết.

Theo các chuyên gia, Bộ KH&ĐT cho rằng đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản sẽ dịch chuyển tài sản hoặc để được cư trú dài hạn ở nước ngoài, tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng như thất thoát nguồn lực đất nước là lo quá xa.

Các chuyên gia phân tích: khi người dân, doanh nghiệp đã đầu tư ra nước ngoài bằng con đường “chính ngạch” thì có thể dễ dàng kiểm soát dòng tiền. Chỉ có những trường hợp chuyển tiền lậu ra nước ngoài để đầu tư, mua bất động sản mới tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng như thất thoát nguồn lực đất nước là “kênh” cần phải kiểm soát chặt.

Việc đầu tư ra nước ngoài, trong đó có lĩnh vực bất động sản là chuyện bình thường trong cơ chế thị trường nói chung, bởi đây là cơ hội kinh doanh, cơ hội phát triển của doanh nghiệp.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch CenGroup, cho rằng việc đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản nên phù hợp với thông lệ quốc tế, công bằng với các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong mọi lĩnh vực.

Đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản nên theo đường chính ngạch để quản lý dòng tiền tốt hơn. Lấy ví dụ về đầu tư bất động sản ở nước ngoài, ông Hưng cho biết cách đây 2 năm, người Việt mua nhà ở Mỹ lên đến 3 tỷ USD. Riêng năm 2018, thống kê có khoảng 1,5 tỷ USD tiền của người Việt mua bất động sản tại Úc.

“Nếu chặn tiền thì sẽ không rõ tiền đi bằng cách nào, như vậy càng không kiểm soát được. Nếu chúng ta có được một cơ chế minh bạch và rõ ràng cho việc đầu tư này sẽ tốt hơn là việc họ chuyển tiền không chính ngạch để đầu tư”, ông Hưng nói.

Đồng thời, các nhà quản lý nên có cái nhìn toàn cầu vì Việt Nam đã tham gia kinh tế quốc tế, phải nhìn nhận theo xu hướng cởi mở hơn. Các cơ quan có thể điều hành bằng những chính sách như thuế, phí. Vì vậy, không nên đưa ra chính sách cực đoan như không khuyến khích, hạn chế, ngăn cấm.

Ông Hưng cho rằng nếu cứ muốn nước ngoài đầu tư vào nước mình, nhưng nước mình lại không muốn cởi mở đầu tư ra nước ngoài thì rõ ràng là không bình đẳng trong cuộc chơi của toàn cầu.

Liên quan đến vấn đề các cơ quan quản lý lo ngại rửa tiền thông qua đầu tư bất động sản ra nước ngoài, theo ông Hưng, nếu đã chủ đích rửa tiền thì ở trong nước cũng rửa tiền thông qua bất động sản. Do đó, không nên nhìn vấn đề ở một khía cạnh cực đoan, hãy nhìn tích cực hơn, dòng tiền đó rồi sẽ quay trở về đất nước.

“Đừng nghĩ rằng cứ đầu tư ra nước ngoài là mất tiền. Nói như vậy có nghĩa các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thì đất nước họ cũng bị mất tiền? Họ vẫn đầu tư, nộp thuế, quay về đầu tư nước họ mà”, ông Hưng nhấn mạnh.


Nguồn: Báo VTC