Chương trình Tin học khuyến khích nhà trường chọn ngôn ngữ lập trình phù hợp

Ngay từ năm 2006, Sách giáo viên Tin học lớp 11 đã ghi rõ: ủng hộ phương án tùy chọn ngôn ngữ lập trình cụ thể, cho phép địa phương, các trường tùy thuộc điều kiện cụ thể của mình lựa chọn ngôn ngữ lập trình bậc cao thích hợp, thuận tiện cho giáo viên, học sinh của địa phương, nhà trường.

Tùy điều kiện cụ thể lựa chọn ngôn ngữ lập trình thích hợp

Trước ý kiến cho rằng Việt Nam vẫn dạy cái thế giới không còn dạy, liên quan đến ngôn ngữ lập trình Pascal trong môn Tin học, PGS.TS Hồ Sĩ Đàm - chủ biên chương trình mới môn Tin học – cho biết: Công nghệ thông tin luôn thay đổi nhanh chóng (nhất là về phần mềm), nên trong SGK có thể có nội dung nào đó có tính lạc hậu là khó tránh khỏi. Do vậy cần phải cập nhật thường xuyên mới đảm bảo tính thời sự.

Với chương trình hiện hành môn Tin học lớp 11, trong sách giáo viên đã nêu rõ: mục tiêu chính không phải dạy học sinh một ngôn ngữ lập trình cụ thể. Tuy nhiên, khi trình bày các khái niệm lập trình và ngôn ngữ lập trình thì cách tốt nhất là thông qua một ngôn ngữ lập trình cụ thể để minh họa, giải thích. Hơn nữa, việc rèn luyện các kĩ năng lập trình và giải bài toán cụ thể trên máy tính đòi hỏi phải viết được chương trình bằng ngôn ngữ lập trình bậc cao cụ thể.

Việc lựa chọn Pascal vào năm 2006 có tính phù hợp, lý do: Trong phạm vi văn hóa tin học phổ thông, lập trình để giải bài toàn trên máy tính được hiểu theo nghĩa chuyển đổi thuật toán đã có sang chương trình viết trên ngôn ngữ lập trình bậc cao. Kĩ thuật lập trình rất phong phú, đa dạng, trong đó lập trình có cấu trúc là kiến thức cần chuyển tải cho học sinh cấp phổ thông. Pascal là ngôn ngữ thích hợp cho cả 2 yêu cầu đó.

Ngoài ra, có một thực tế là phần lớn giáo viên tin học thời điểm đó được học và thực hành ngôn ngữ lập trình Pascal là chính, lựa chọn của sách giáo khoa phát huy lợi thế này của giáo viên.

“Khó có thể lựa chọn một ngôn ngữ lập trình cụ thể đáp ứng đầy đủ mọi tiêu chí. Mặt khác, để giải các bài toán đơn giản trên máy tính có thể sử dụng các ngôn ngữ lập trình bậc cao khác nhau. Không có ngôn ngữ nào có ưu thế vượt trội. Do vậy, chúng tôi rất ủng hộ phương án tùy chọn ngôn ngữ lập trình cụ thể, cho phép địa phương, các trường tùy thuộc điều kiện cụ thể của mình lựa chọn ngôn ngữ lập trình bậc cao thích hợp, thuận tiện cho giáo viên, học sinh của địa phương, nhà trường” - PGS.TS Hồ Sĩ Đàm dẫn nội dung trong sách giáo viên Tin học.

Từ ý kiến về môn Tin học nói trên, PGS.TS Hồ Sĩ Đàm cho rằng: để triển khai thành công chương trình mới, yếu tố then chốt có tính quyết định tiên quyết là  phải có nhận thức đúng, hiểu đúng và đầy đủ, nhất quán về bản chất cốt lõi của Chương trình môn Tin học để bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên và CBQL giáo dục các cấp; tránh cách hiểu cảm tính cá nhân, bất cập và phương hại đến các định hướng trọng yệu các cách tiếp cận mới, các nội dung mới được quy định trong văn bản chương trình.

Trường chủ động điều chỉnh nội dung dạy học

Liên quan đến nội dung này, PGS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) chia sẻ:

Năm 2011, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 5842/BGDĐT-VP về hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông. Theo công văn này, căn cứ kết quả các đợt rà soát, đánh giá định kỳ về chương trình, SGK của các môn học, hoạt động giáo dục phổ thông và đề xuất của các sở GD&ĐT, sau khi chỉnh sửa qua tiếp thu ý kiến góp ý của các tập thể, cá nhân, Bộ GD&ĐT ban hành tài liệu “Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học” các môn học để dạy và học phù hợp với chuẩn kiến thức, kĩ năng, phù hợp với thời lượng dạy học và điều kiện thực tế các nhà trường.

Việc điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng cắt giảm các nội dung quá khó, trùng lặp, chưa thật sự cần thiết với học sinh; các câu hỏi, bài tập đòi hỏi phải khai thác quá sâu kiến thức lí thuyết, để giáo viên, học sinh dành thời gian cho các nội dung khác, tạo thêm điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông. Theo đó, nội dung liên quan đến kĩ thuật chuyên sâu về ngôn ngữ Pascal đã được giảm tải

Tiếp đó, năm 2017, Bộ GD&ĐT đã giao cho các tác giả phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nâng cấp sách bộ sách giáo khoa hiện hành trước thực tế nhiều nội dung đã lạc hậu trong sách tin học cấp THCS. Nội dung lập trình Pascal đã được thay bằng ngôn ngữ lập trình Free Pascal hoặc lập trình kéo thả SCRATCH.

Cũng trong năm 2017, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản số 4612/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018.

Trong văn bản này, Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường tiếp tục rà soát nội dung dạy học trong sách giáo khoa hiện hành, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu; không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong sách giáo khoa vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

“Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, tiếp tục tăng cường chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công văn 4612 trong thời gian tới” – PGS Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh.

Nguồn GDTĐ