Chỉ trích người khác, có gì hay!: Đừng dùng lời nói để 'giết người'!

Bạn đọc Lê Hồng Phước: Tôn trọng sự bất đồng quan điểm

Trong xã hội, cần lắm sự tự do để mọi người có thể nói lên quan điểm của mình và người ta cũng thường kêu đòi sự tự do như vậy. Ấy thế mà khi có ý kiến nào đó bất đồng quan điểm, lập tức có người phản ứng theo kiểu "ném đá", sỉ nhục, chửi phủ đầu... Thậm chí có rất nhiều người chưa tìm hiểu kỹ vấn đề, đôi khi chỉ cần đọc cái tựa hay nhìn cái hình thấy chướng mắt hoặc thấy nhiều người phản ứng là tham gia vào "ném đá", "chửi" ngay.

Ai cũng có quyền phản bác nếu không đồng ý một ý kiến, sáng kiến hay quan điểm trái với mình. Nhưng phản bác, tranh luận phải đi kèm với lý lẽ và sự tôn trọng lẫn nhau bởi cái ta nghĩ chưa chắc gì đúng hơn cái của người khác nghĩ. Trước một sự vật hiện tượng sẽ có nhiều suy nghĩ, ý kiến khác nhau được đưa ra và cái nào phù hợp với thực tiễn cuộc sống thì tự nhiên sẽ được chấp nhận. Ngày nay, con người được tiếp cận nhiều thông tin. Đó là thuận lợi mà cũng là khó khăn, vì trong rất nhiều thông tin đó đòi hỏi người ta phải biết đối chiếu, kiểm chứng, lựa chọn để có thể hiểu đúng vấn đề. Sau khi hiểu đúng rồi thì mới có thể phản ứng và khi đó lại là câu chuyện chọn cách phản ứng như thế nào cho phù hợp và hiệu quả nhất.

Những con chữ bạn viết trên mạng xã hội có thể khiến người khác tổn thương sâu sắc. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: Hoàng Triều

Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1789 đề cao quyền tự do, trong đó điều số 4 nêu rõ: "Tự do tức là có thể làm tất cả những gì không gây hại cho người khác". Nghĩa là không phải muốn làm gì thì làm, mà phải là tự do trong khi biết trân trọng tự do của người khác.

Tóm lại, hãy để cho mọi người được tự do đưa ra ý kiến, được nói lên cái mà mình cho là đúng. Nếu thấy không hợp, chúng ta phản đối bằng cách tranh luận với những lý lẽ của bản thân trong sự tôn trọng lý lẽ của người khác để chúng ta cùng nhau xây dựng một xã hội tương kính. Để người nước ngoài nhìn vào văn hóa tranh luận của Việt Nam một cách thiện cảm. Bởi văn minh không phải ở mức độ nổi tiếng hay giàu có của một người, cũng không phải ở học hàm học vị. Văn minh không chỉ được thể hiện qua sự yêu thương nhau, cùng quan điểm với nhau, mà văn minh còn được thể hiện qua sự ghét nhau, qua cách phản đối nhau.

Ông bà ta có câu: "Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng". Chúng ta có quyền phản đối, tranh luận nhưng sự phản đối khác với sự chỉ trích càng không phải là hại người khác. Mục đích của tranh luận, phản biện là để góp phần giúp người khác được tốt hơn, xã hội tiến bộ, văn minh. Trước một sự việc mà chúng ta cho là sai trái, chúng ta có quyền phản ứng. Chúng ta không bị cấm "ném đá" nhưng phải biết cách "ném đá". Một xã hội văn minh là xã hội biết thể hiện sự tương kính, biết tôn trọng sự bất đồng quan điểm. Hãy xây dựng một xã hội mà ở đó con người biết góp ý cho nhau để trở nên tốt hơn, để cùng nhau hướng đến sự hoàn thiện.

Bạn đọc Nguyễn Thanh: Phản biện cũng cần phải tử tế

Văn hóa phản biện của người Việt ta thật sự đang có vấn đề khi nhiều người lợi dụng sự tiện lợi của mạng xã hội để thỏa sức "bung lụa", chỉ trích, đả kích vào một vài cá nhân mỗi khi thấy chướng tai gai mắt, không vừa lòng vừa dạ với phát ngôn, hành động của ai đó.

Chửi bất chấp đúng - sai, tốt - xấu, nên - không nên đang biến văn hóa phản biện của người Việt trở nên vô cùng xấu xí. Ai cũng có quyền tự do ngôn luận, quyền phát biểu chính kiến của bản thân trước các vấn đề của đời sống nhưng không có nghĩa là có quyền dè bỉu ý kiến, ý tưởng của người khác rồi moi móc đời tư của họ.

Tiếc là trong thời buổi công nghệ số, người ta dễ dàng bị "dắt mũi" bởi xu hướng đám đông để bài xích, đả kích bất kỳ ai dám đi ngược số đông. "Đá" trên mạng ném đi dễ dàng quá, không cần ló mặt ra, không bị quy kết trách nhiệm nên người ta ném ầm ầm, ào ào. Có biết đâu rằng mạng ảo nhưng tổn thương trong tinh thần của con người là thật. Dần dà người ta co mình lại trong thế thủ, không lên tiếng để bị "mắng oan", không đề xuất ý tưởng kẻo bị "ăn chửi", thấy sai không dám phản biện, thấy đúng không dám vỗ tay tán thưởng.

Ông bà xưa răn dạy "Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói" để nhắc nhở mỗi người phải cẩn trọng với lời ăn tiếng nói, chịu trách nhiệm với phát ngôn của mình. Bởi đơn giản một lời thốt ra có thể xoa dịu nỗi đau nhưng có khi lại khoét sâu hơn vết thương lòng của người ta. Lời nói đúng lúc có thể cứu rỗi một linh hồn đang tuyệt vọng nhưng có khi lại nhấn chìm người ta vào hố sâu không lối thoát. Lời nói hay có thể kéo người và người xích lại gần nhau nhưng lời nói dở lại nhân lên thù hằn, mâu thuẫn, bạo lực. Vậy nên dân gian mới đúc kết "lời nói đọi máu".

Giữa lúc mạng xã hội nở rộ với hàng triệu triệu tài khoản hữu danh lẫn vô danh, một chữ gõ ra lại càng cần cẩn trọng. Phản biện, lên tiếng phản đối những cái chưa được, không đẹp hoặc xấu xí để góp phần cải thiện xã hội là cần thiết cho sự phát triển nhưng cái cần hơn, chính là sự tử tế.


Nguồn: Báo NLĐ