Chất vấn tại Quốc hội: Quy hoạch thiếu tầm nhìn, dự án treo, người dân chịu ảnh hưởng

Ba nguyên nhân khiến phải hủy hơn 38% dự toán ngân sách chi cho tài nguyên môi trường

Trả lời chất vấn của đại biểu Mai Sỹ Diến (Đoàn Thanh Hóa) về trách nhiệm của Bộ trưởng và giải pháp khắc phục trong việc lập dự toán và thực hiện chi cho lĩnh vực tài nguyên môi trường cho giai đoạn vừa qua để phải hủy hơn 38% dự toán ngân sách chi cho tài nguyên môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết có 3 nguyên nhân chính của trình trạng trên. Đó là: Theo quy định đến tháng 10 hằng năm khi Chính phủ báo cáo Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước, các bộ, ngành, địa phương phải phê duyệt nhiệm vụ về môi trường để làm cơ sở phân bổ dự toán. Tuy nhiên, trên thực tế việc phê duyệt nhiệm vụ này chậm, thường đến tháng 10 chỉ đạt 50-60%, số còn lại có trường hợp đến cuối năm mới phân bổ, có năm không phân bổ hết; chi cho hoạt động sự nghiệp môi trường có tính chất đầu tư, theo Luật Bảo vệ môi trường thì không cho phép nên trong dự toán 2020 Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường chi cho cải tạo, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị và Quốc hội đã cho phép; quy định về hỗ trợ các địa phương xử lý điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trung ương hỗ trợ 50%, địa phương bỏ ra 50% kinh phí nhưng thực tế nhiều địa phương có những điểm ô nhiễm môi trường không bố trí được kinh phí đối ứng nên không đề nghị trung ương hỗ trợ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Bộ trưởng Bộ Tài chính đưa ra 3 giải pháp chính: Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị sử dụng dự toán tăng tiến độ phê duyệt nhiệm vụ môi trường bảo đảm đến ngày 30-10 hằng năm có quyết định phê duyệt; đề nghị nghiên cứu sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường; Bộ Tài nguyên và Môi trường có thể báo cáo thêm vì theo quy định, Bộ Tài nguyên và Môi trường là đơn vị phân bổ dự toán, Bộ Tài chính tổng hợp và báo cáo Thủ tướng nên Bộ Tài nguyên và Môi trường có thể báo cáo thêm.

Đại biểu Lê Công Nhường (Đoàn Bình Định) đặt câu hỏi: Giải pháp nào để tăng thu, sử dụng chi có hiệu quả, giảm nợ công, giảm bội chi nhằm bảo đảm an toàn ngân sách nếu năm 2021 tăng trưởng kinh tế dưới 6%?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ sẽ tập trung vào một số giải pháp. Trước hết, cùng với các bộ, ngành, địa phương tăng cường tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

Cùng với đó, cùng các bộ, ngành, đặc biệt là địa phương tăng cường quản lý thuế, thanh, kiểm tra để chống chuyển giá, trốn thuế và đẩy mạnh thu hồi nợ đọng thuế.

Bám sát dự toán được Quốc hội thông qua, phấn đấu đạt dự toán. Trường hợp có biến động như đại biểu nêu thì phải dựa vào nguyên tắc quy định tại Luật Ngân sách nhà nước để báo cáo Quốc hội theo thẩm quyền.

60-90% nước thải sinh hoạt chưa được xử lý trước khi thải ra môi trường

Trả lời đại biểu Trần Tất Thế (Đoàn Hà Nam) về tình trạng ô nhiễm môi trường tại lưu vực sông Đáy, sông Nhuệ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, tình trạng ô nhiễm là thực trạng chung không chỉ đối với hai lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy mà còn của nhiều lưu vực sông hiện nay do nước thải chưa được xử lý trước khi thải ra môi trường.

Để khắc phục, Chính phủ đã đầu tư hơn 20 nghìn tỷ đồng vào các trạm quan trắc môi trường tại Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình... Song để xử lý triệt để, bài toán hiện nay là làm thế nào để kiểm soát được lượng nước thải trước khi thải ra môi trường. Theo Bộ trưởng, hiện các làng nghề tại Hà Nội đã đầu tư trạm xử lý nước thải. Tỉnh Hà Nam đã có 3 trạm xử lý, tỉnh Nam Định cũng đã đầu tư trạm xử lý chất thải rắn và xử lý nước thải. Tuy nhiên, đến nay, 60-90% nước thải sinh hoạt vẫn chưa được xử lý trước khi ra môi trường.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất điều tiết trạm bơm Yên Sở để xử lý nước thải tại sông Tô Lịch. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ là phải xử lý nước thải sản xuất và sinh hoạt trước khi thải ra môi trường.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Quy hoạch thiếu tầm nhìn, dự án treo, người dân chịu ảnh hưởng

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đinh Duy Vượt (Đoàn Gia Lai) về quy hoạch treo và giải pháp khắc phục của Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, quy hoạch treo là quy hoạch được lập, đã được phê duyệt nhưng chậm triển khai hoặc không thực hiện được một phần trong quy hoạch làm ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi hợp pháp của người dân đồng thời làm giảm hiệu quả chất lượng đô thị, gây lãng phí tài nguyên.

Nguyên nhân của tình trạng này là do quy hoạch thiếu tầm nhìn; các đơn vị chức năng không lập đầy đủ các quy hoạch có liên quan theo quy định; không xác định được đầy đủ nguồn lực đầu tư để thực hiện đồng bộ các dự án theo quy hoạch; nhất là việc thực hiện công khai và đánh giá quy hoạch. Bên cạnh đó, một số địa phương đã nóng vội trong việc mở rộng quy hoạch đô thị mà chưa cân nhắc đầy đủ nguồn lực. Thêm vào đó, năng lực của các chủ đầu tư yếu kém, không đủ để thực hiện dự án cũng dẫn đến tình trạng quy hoạch treo gây lãng phí.

Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, Thủ tướng đã ban hành chỉ thị về chấn chỉnh quy hoạch đô thị theo quy hoạch đã được phê duyệt. Trong đó, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành. Với Bộ Xây dựng, Bộ đã ban hành nhiều quy chuẩn phục vụ công tác quy hoạch nhằm bảo đảm chất lượng quy hoạch. Bộ cũng đã hoàn thành cổng thông tin quy hoạch quốc gia; sửa đổi một số điều luật có liên quan nhằm bảo đảm quy định lập, điều chỉnh quy hoạch và bãi bỏ những quy hoạch không còn phù hợp.

Để bảo đảm quyền về nhà ở của người dân trong vùng quy hoạch treo, Bộ Xây dựng đã có quy định, nếu quy hoạch 3 năm không thực hiện, sẽ cho phép người dân cải tạo và xây mới nhà ở. Hết thời hạn này mà dự án vẫn tiếp tục chậm thực hiện, giấy phép xây dựng đã được cấp vẫn tiếp tục có hiệu lực.

Để hạn chế tình trạng quy hoạch treo, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, các địa phương cần tập trung điều chỉnh quy hoạch chung và trực tiếp; rà soát quy hoạch, qua đó giải quyết một phần các vướng mắc tồn đọng.

Bộ trưởng cũng nêu một số giải pháp để khắc phục tình trạng quy hoạch treo, bảo đảm quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch. Đó là, các địa phương cần rà soát, đánh giá, điều chỉnh kịp thời, tránh quy hoạch tùy tiện, quy hoạch treo. Khi lập kế hoạch quy hoạch hằng năm phải cân đối điều kiện thực tế để thực hiện kịp thời theo đúng quy hoạch. Cùng với đó, cần bổ sung các công cụ quản lý quy hoạch đô thị, thực hiện đầy đủ việc lấy ý kiến của người dân, nhà khoa học và công khai minh bạch quy hoạch để người dân giám sát.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.

Chậm cấp quyền sử dụng đất và sở hữu nhà, cần thiết sẽ xử lý chủ đầu tư theo luật hình sự

Trả lời đại biểu về tình trạng chủ đầu tư chậm cấp quyền sử dụng đất và sở hữu nhà, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, theo quy định, sau 50 ngày kể từ khi bàn giao nhà cho khách hàng, chủ đầu tư phải làm thủ tục bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà.

Pháp luật cũng đã quy định, nếu chủ đầu tư vi phạm việc thực hiện bàn giao này, mức phạt có thể lên đến 1 tỷ đồng. Thực tế đã xảy ra tình trạng chủ đầu tư có vi phạm, dù không nhiều. Đối với việc cấp quyền sử dụng đất và sở hữu nhà chung cư, vi phạm dạng này chỉ chiếm 2%. Tuy nhiên, số dân bị ảnh hưởng lại rất lớn.

Nguyên nhân là do chủ đầu tư chưa thực hiện đủ thủ tục việc cấp quyền sử dụng đất và sở hữu nhà. Hiện Bộ Xây dựng đã đề xuất giải pháp: Với dự án đã thực hiện xong thủ tục nhưng chủ đầu tư cố tình chây ì, sẽ xử phạt vi phạm hành chính. Nếu chủ đầu tư cố tình không thực hiện cấp quyền sử dụng đất và sở hữu nhà cho khách hàng, sẽ chuyển cơ quan điều tra xử theo luật hình sự. Với những dự án thiếu thủ tục pháp lý, cần giải quyết đồng thời song song hai việc.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, mỗi địa phương và dự án có một điều kiện và hoàn cảnh khác nhau nên các địa phương cần chủ động rà soát, đánh giá cụ thể để trao đổi với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Xây dựng nhằm giải quyết kịp thời những vướng mắc. Thực tế cho thấy, các bộ đã cùng với thành phố Hà Nội thực hiện rà soát, đánh giá và giải quyết nhiều dự án dạng này. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng sẽ rà soát quy trình nghiệm thu nhà ở, nghiệm thu công trình xây dựng và sửa đổi luật Kinh doanh bất động sản để khắc phục những bất cập.

Chắc chắn ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng trong năm 2020

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tháng 4-2020, Bộ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Chính phủ đã họp, đồng ý về nội dung và đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cân nhắc thêm thẩm quyền ban hành. Trong tuần này, Bộ sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ về thẩm quyền ban hành và chắc chắn trong năm 2020, Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng sẽ được ban hành.

Vấn đề bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng được Bộ quan tâm lồng ghép trong bộ quy tắc ứng xử với các quy định yêu cầu người sử dụng mạng và nhà cung cấp hướng dẫn trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng an toàn, lành mạnh.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì đề án bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác, sáng tạo lành mạnh trên môi trường mạng. Đề án đã đưa ra giải pháp cơ bản để giải quyết vấn đề như ứng dụng trí tuệ nhân tạo và chủ động ngăn, gỡ bỏ nội dung xấu, độc hại trên môi trường mạng; trang bị bộ kỹ năng số cơ bản cho trẻ em, kỹ năng để trẻ có thể tự bảo vệ mình, tự nhận diện các nguy cơ trên môi trường mạng. Đề án đã được trình Thủ tướng Chính phủ và chắc chắn sẽ ban hành trong năm 2020.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Sẽ có sàn giao dịch điện tử để người dân vùng sâu, vùng xa bán nải chuối, quả cam

Trả lời đại biểu về nội dung chuyển đổi số cho người dân khu vực miền núi, trong đề án chuyển đổi số được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, chuyển đổi số cho vùng sâu, vùng xa được coi là ưu tiên vì với chuyển đổi số, chỗ nào càng khó khăn, chỗ đó chuyển đổi số càng phát huy hiệu quả. Chuyển đổi số nên bắt đầu từ nơi khó.

Về hạ tầng viễn thông, Bộ đang chỉ đạo phải phủ sóng để cho tất cả người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa phải có sóng 3G, 4G, 5G truy cập internet. Về hạ tầng thanh toán điện tử, trong năm nay, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng nhà nước cho thí điểm ứng dụng “Mobile money” để người dân không có thẻ ngân hàng có thể thanh toán điện tử được. Với người dân vùng sâu, vùng xa có khó khăn là không có điện thoại thông minh, hiện đã có chương trình hợp tác giữa nhà sản xuất và nhà mạng Việt Nam để bán điện thoại cho người dân với giá 600.000 – 700.000 đồng.

Chuyển đổi số ở vùng sâu, vùng xa sẽ ưu tiên về giáo dục trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa và thương mại điện tử; sẽ có sàn giao dịch để người dân bán được nải chuối, quả cam. Bộ đã triển khai thí điểm và cuối năm 2020 sẽ sơ kết mô hình xã thông minh.

Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong ngày thứ hai

Sáng 9-11, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ mười Quốc hội khóa XIV bước sang ngày làm việc thứ hai. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, cuối giờ sáng nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam sẽ trả lời một số chất vấn của đại biểu.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trong ngày chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên (6-11), có 48 đại biểu đặt câu hỏi, 43 đại biểu được các thành viên Chính phủ và các cơ quan trả lời trực tiếp; còn 5 đại biểu đặt câu hỏi cuối giờ sẽ được trả lời trong hôm nay.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Cũng trong ngày 6-11, đã có 17 đại biểu tranh luận về nhiều lĩnh vực khác nhau, tập trung vào các lĩnh vực: Tư pháp, nông nghiệp phát triển nông thôn, tài nguyên môi trường, thông tin truyền thông, nội vụ, giáo dục; nhiều nội dung gắn với vấn đề đang được xã hội quan tâm. Các Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí và 12 bộ trưởng đã trả lời hầu hết các câu hỏi đặt ra và giải trình thêm các vấn đề thuộc lĩnh vực điều hành của mình.

Dự kiến cuối giờ sáng nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ trả lời các chất vấn được đại biểu đặt ra trong ngày đầu tiên. Cuối giờ chiều nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng sẽ tiếp tục đăng đàn làm rõ một số nội dung.


Nguồn: Báo Hà Nội Mới