Bỏ cấp phép 'ca khúc trước 1975': Lợi cả đôi đường

Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) cho biết, Nghị định số 144/2020/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành thay Nghị định 79 trước đây với những điểm mới. Trong đó, Nghị định 144 bỏ quy định cấp phép phổ biến ca khúc miền Nam trước 1975, được xem là một đòn bẩy để đời sống âm nhạc nước ta phát triển hơn trong tương lai, giúp cho ca khúc ra đời trước 1975 có giá trị thực thụ được “cởi trói” kiểm duyệt.

Trước đó, theo Nghị định 79, việc cấp phép biểu diễn nghệ thuật được tách thành 2 nhóm với tác phẩm sáng tác trước năm 1975 hoặc của người Việt Nam sinh sống, định cư ở nước ngoài và tác phẩm sau năm 1975. Với tác phẩm sáng tác sau năm 1975 sẽ không cần phải cấp phép phổ biến mà chỉ cần cấp phép biểu diễn theo từng chương trình cụ thể. Tuy nhiên, với tác phẩm sáng tác trước năm 1975 và của người Việt Nam ở hải ngoại phải được cấp phép phổ biến, sau đó mới được đưa vào các chương trình biểu diễn nghệ thuật.

Từ tháng 2/2021, quy định cấp phép ca khúc sáng tác trước 1975 được bãi bỏ.

Chưa kể, vào năm 2017, giới nghệ sĩ và người yêu nhạc ngỡ ngàng khi những ca khúc sáng tác trước 1975 đã trở nên quen thuộc với công chúng như Cánh thiệp đầu xuân (sáng tác Lê Dinh - Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương) bị cấm lưu hành. Cùng thời điểm trên, cơ quan quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn còn cho biết 4 bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Nối vòng tay lớn, Huế - Sài Gòn - Hà Nội, Ca dao mẹ Đêm thấy ta là thác đổ không có trong “danh mục các bài hát trước 1975 được phép phổ biến”.

Việc cấp phép, phổ biến ca khúc trước 1975 đã chiếm sự quan tâm của báo giới, nhiều nhạc sĩ, ca sĩ lên tiếng phản đối vì sự cứng nhắc và chưa thấu tình đạt lý. Rất đáng hoan nghênh bởi ngay sau đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã thu hồi lệnh cấm 5 ca khúc và bổ sung 4 ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào danh mục trước 1975.

Theo ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, tại Nghị định 144, mọi tổ chức cá nhân sử dụng tác phẩm âm nhạc và sân khấu không vi phạm Điều 3 và phải thực thi đúng quyền tác giả và quyền liên quan. Quy định tại Điều 3 Nghị định 144 chỉ rõ 4 điều cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Thứ nhất, cấm chống Nhà nước. Thứ hai, cấm xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Việt Nam; xâm phạm an ninh quốc gia; phủ nhận thành tựu cách mạng, anh hùng dân tộc, danh nhân; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; phân biệt chủng tộc; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, Nghị định 144 cấm kích động bạo lực, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại. Cuối cùng, cấm sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.

Với những quy định mới, cơ quan quản lý nhà nước sẽ chuyển từ kiểm tra trước sự kiện (tiền kiểm) sang kiểm tra sau sự kiện (hậu kiểm). Tuy nhiên, việc hậu kiểm không nhằm bắt lỗi mà để tạo điều kiện cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn và những đơn vị, cá nhân vi phạm các điều cấm sẽ bị xử lý nghiêm. Nhiều ý kiến đánh giá, điểm mới này sẽ góp phần để công chúng được thưởng thức đầy đủ nhất những tác phẩm hay, có ý nghĩa, lành mạnh. Đồng thời, việc bãi bỏ quy định cấp phép ca khúc trước 1975 là đúng tình hình thực tiễn, thúc đẩy sự sáng tạo trong lĩnh vực sáng tác cũng như hoạt động biểu diễn, như chia sẻ của nhạc sĩ Vinh Sử: Bỏ cấp phép ca khúc trước 1975 sẽ tạo nên nguồn cảm xúc tốt cho ca sĩ khi trình diễn, càng làm nhạc sĩ và ca sĩ thoải mái tinh thần hơn để có thêm tác phẩm chất lượng.


Nguồn: Báo