Bác sĩ chuyên khoa lý giải vụ trẻ sơ sinh tử vong với vết đứt trên cổ

Ca đỡ đẻ kinh hoàng

Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ đã báo cáo lên Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh vụ việc thai nhi 35 tuần của sản phụ Nguyễn Thị Tình (37 tuổi, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) đã tử vong với tình trạng có “vết đứt xung quanh cổ đã được khâu lại”.

Báo cáo nêu cụ thể, lúc 18h35 ngày 30/6, cổ tử cung sản phụ mở hết; ối vỡ, nước ối có màu xanh; đầu trẻ lọt, nữ hộ sinh tiến hành đỡ đẻ ngôi đầu nhưng thế không xoay; ngay sau đó báo cáo trực lãnh đạo và bác sĩ chuyên khoa sản trực thường trú đến xử trí. Đến 19h6 phút, bác sĩ xuống đỡ đẻ ngôi đầu, kéo đầu trẻ ra thì đầu bị đứt lìa, phần da nổi phỏng nước, lầy da, các phần chi tím. Chẩn đoán sau khi sinh: Thai 35 tuần chết lưu trên 7 ngày.

BVĐK huyện Đức Thọ - nơi diễn ra ca đỡ đẻ kinh hoàng.

Thông tin báo chí đăng tải về vụ việc này đã gây chấn động dư luận. Nhiều câu hỏi được đặt ra về việc hai nữ hộ sinh nghe nhầm mạch tử cung thành tim thai; việc thai nhi đã chết lưu 7 ngày mà không được phát hiện và chấn động hơn là Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ điều bác sĩ chuyên Khoa Răng-Hàm-Mặt trực chính ở khoa sản và tham gia đỡ đẻ ca sinh của sản phụ Nguyễn Thị Tình.

Trao đổi với PV VOV.VN, bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Phụ trách Khoa sản phụ Bệnh viện đa khoa Nông Nghiệp cho rằng, thông tin báo chí đưa không đầy đủ, người đọc người nghe chỉ biết về sự việc rất khủng khiếp - “một thai nhi bị lôi ra đứt lìa cổ”.

“Nếu xem xét đầy đủ hồ sơ bệnh án sẽ thấy đây là sinh thứ 5 của sản phụ. Một người phụ nữ đã có 4 đứa con thì vất vả thế nào, nhất là ở vùng nông thôn. Vấn đề chăm sóc thai không hề được nói đến. Bao nhiêu lần khám thai từ trước đến nay đều không hề được nói đến”, bác sĩ Dung nói.

Bác sĩ Dung cũng nhắc đến thực tế, khi sản phụ nhập viện, người tiếp xúc lại không phải chuyên khoa, do vậy chỉ định có thể không chuẩn xác: “Tại sao lại phân công một người đi làm không đúng chuyên môn. Như vậy bác sĩ sẽ không biết được hết để tiên lượng đủ các tình huống được”.

Sai sót vì chuyên môn kém

Sau vụ việc, Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ đã họp hội đồng chuyên môn và kíp trực; tiến hành niêm phong hồ sơ bệnh án của sản phụ Nguyễn Thị Tình; tạm đình chỉ công tác đối với kíp trực. Công an đã vào cuộc điều tra làm rõ sự việc này.

Bệnh viện cũng nhận định, việc thăm khám, theo dõi, chăm sóc của kíp trực không đúng quy trình của Bộ Y tế dẫn đến việc không phát hiện thai chết lưu trước khi vào viện. Bác sĩ trực không chỉ định siêu âm dẫn đến không chẩn đoán được tình trạng của thai nhi, trong khi hộ sinh không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật theo dõi chuyển dạ và đỡ đẻ thai lưu.

Ảnh: KT

“Sai sót chuyên môn đôi khi vẫn xảy ra. Có thể nói đội ngũ chuyên môn kém. Câu hỏi đặt ra là tại sao có máy siêu âm lại không dùng? và để xảy ra việc nhầm tim thai với động mạch tử cung. Nếu không có máy siêu âm, khả năng nhầm vẫn có thể xảy ra”, bác sĩ Dung cho biết.

Là người giàu kinh nghiệm về sản khoa khoa, bác sĩ Dung nhận định sự việc này: “Bình thường sản phụ sẽ sinh ở 38-40 tuần, vậy sản phụ này sinh non 3 tuần. Đã biết là thai 35 tuần là đẻ non và phải tiên lượng được tình huống xấu để báo trước với người nhà sản phụ để chống tâm lý sốc khi xảy ra trường hợp xấu”.

Ý kiến các bác sĩ chuyên khoa sản cũng lưu ý việc thai nhi khi được kéo ra cũng không được đo cân nặng. Theo các bác bác sĩ, khi sinh lần thứ 5 và thai chỉ ở tuần 35, nhiều khả năng là thai bé, nên việc đưa thai ra không phải là khó. Nhưng việc để xảy ra sự cố khiến thai nhi lìa đầu, thì khả năng thai chết lưu là lớn. Bác sĩ sản khoa đến sau cũng đã nhận thấy, thai nhi có các vết phỏng và chợt. Trong trường hợp này, thai mới tử vong sẽ không như vậy, do đó, thai nhi có thể đã tử vong và không chẩn đoán được từ trước.

“Báo chí có thể đăng nhiều thông tin, nhưng giới chuyên môn có thể hiểu ca sinh con dạ, sinh non và thai chết lưu thì việc xảy ra kinh hoàng như vậy là có thể. Đầu xuôi thì đuôi lọt. Việc thai đã ra được đầu thì phần thân ra rất dễ, trừ trường hợp thai quá to hoặc bị dị tật. Thai chết lưu và sản phụ có cơn chuyển dạ, cơn co tử cung là bình thường”, bác sĩ Dung nói.

Theo bác sĩ Dung, bác sĩ khâu lại vết thương trên cổ thai nhi để người nhà khỏi đau lòng là có thể hiểu được. Bác sĩ cũng có thể để nguyên tình trạng và mời pháp y sang để xác nhận nguyên nhân thai nhi đã tử vong từ trước. Bên cạnh đó, thai chết lưu, sản phụ rất dễ băng huyết và tử vong, do vậy, việc sản phụ sống sót là điều may mắn./.

Nguồn: Báo VOV