6 trường hợp tuyệt đối tránh uống rượu nếu không muốn rước họa vào thân

Liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc rượu khiến ít nhất 2 người tử vong, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cảnh báo có 6 trường hợp không được uống rượu để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Liên tiếp các vụ ngộ độc rượu

Chỉ trong vòng 3 ngày, TPHCM đã xảy ra 2 vụ ngộ độc methanol sau khi uống rượu khiến dư luận bàng hoàng.

Vụ việc đầu tiên là một nhóm 8 sinh viên cùng uống bình rượu 5 lít không rõ nguồn gốc, pha với 2 chai nước ngọt tại quán ăn ở phường Phước Long B (TP Thủ Đức), khiến 2 người tử vong ngày 5/8, 6 người vẫn đang nằm viện.

Kế tiếp vào ngày 6/8, nhóm bạn 5 người khác cùng nhau uống rượu nhưng lại pha nhầm cồn rửa tay, sau đó lần lượt phải cấp cứu trong tình trạng mệt, nôn ói nhiều, mắt mờ, nồng độ methanol trong máu cao. Hiện, các bệnh nhân đang được lọc máu, bù dịch, điều trị nội khoa theo phác đồ của Bộ Y tế.

Hàng loạt trường hợp ngộ độc nặng sau khi uống rượu (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, việc liên tiếp có các trường hợp ngộ độc nặng sau cuộc nhậu gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc sử dụng rượu không đảm bảo an toàn.

Ngộ độc rượu có thể cấp tính khi uống rượu quá nhiều trong thời gian ngắn, hoặc mạn tính khi uống trong thời gian dài.

Có 2 hai loại ngộ độc rượu chính thường gặp là ngộ độc rượu Etylic (Ethanol) và ngộ độc rượu Metylic (methanol).

Đặc biệt với methanol, chỉ cần uống 5-15ml có thể ngộ độc nặng, 15ml trở lên gây mù lòa, 30ml dễ dẫn đến tử vong. Độc tính của methanol có tác dụng ức chế hệ thống thần kinh trung ương, ảnh hưởng tới thần kinh mắt…

6 trường hợp không được uống rượu

Để phòng chống ngộ độc rượu, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM khuyến cáo đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, rượu thuộc nhóm hàng hóa nhà nước hạn chế kinh doanh.

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu (phân phối, bán buôn, bán lẻ) phải có giấy phép và tuân thủ các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu.

Không sản xuất, kinh doanh rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm, gồm rượu pha chế từ cồn công nghiệp chứa methanol, rượu pha chế từ nguyên liệu không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và nhãn mác.

Đối với người dân, Phòng Quản lý ngộ độc, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM khuyến cáo, phụ nữ mang thai nếu uống nhiều rượu có thể gây sinh non, ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần, trí tuệ của đứa trẻ, thậm chí gây ngộ độc cho thai nhi.

Ngoài ra, có 6 trường hợp không được uống rượu.

Thứ nhất, không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol >0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.

Thứ hai, không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.

Thứ ba, không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.

Không uống các loại rượu không rõ nguồn gốc, rượu ngâm lá, rễ cây,... (Ảnh minh họa)

Thứ tư, không uống rượu khi không biết là rượu gì, rượu không có nguồn gốc và tiêu chuẩn chất lượng.

Thứ năm, không uống khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

Thứ sáu, trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.

Cơ quan chức năng khuyến cáo, một người bình thường không nên uống quá 1 đơn vị rượu/ngày, tương đương 30ml rượu mạnh (40-43 độ), 100ml rượu vang (13,5 độ), 330ml bia hơi (5 độ), 2/3 chai 500ml hoặc lon bia 330ml (5 độ).

Nguồn: giadinhonline.vn