Xu hướng ngành nghề qua đăng ký nguyện vọng: Thành công nhờ 'lội ngược dòng'?

Thí sinh tham dự Kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: TG

Vì thế, nhiều em thay đổi về số lượng và thứ tự nguyện vọng. Thậm chí, có em “lội ngược dòng” từ việc điều chỉnh này.

Đa dạng xu hướng

Ít ai biết rằng, để trở thành sinh viên năm thứ nhất ngành Ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Ngoại thương (Hà Nội), Nguyễn Thanh Nga đã có cú lội ngược dòng xuất sắc. Nga tâm sự: Đây là ngành học, trường học em hằng mơ ước. Nhưng thời điểm đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học em chưa đủ tự tin, để an toàn, em nghe theo lời tư vấn bố mẹ và người thân: Đăng ký nguyện vọng 1 vào khoa Tiếng Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), nguyện vọng 2 là Trường ĐH Hà Nội và nguyện vọng 3 là Học viện Ngoại giao.

Thế nhưng, với 37,5 điểm (tổ hợp D01 - môn ngoại ngữ nhân hệ số 2) – Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, Nga quyết định điều chỉnh nguyện vọng và sắp xếp lại thứ tự ưu tiên: Nguyện vọng 1 là ngành Ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Ngoại thương, nguyện vọng 2 là khoa tiếng Anh của Học viện Ngoại giao; nguyện vọng 3 vào Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) và nguyện vọng 4 là Trường ĐH Hà Nội – cùng là khoa Tiếng Anh.

Kết quả, em đã đạt được ước nguyện trúng tuyển ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên (nguyện vọng 1) vào khoa Ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Ngoại thương (Hà Nội). “Đạt được ước nguyện, em vô cùng phấn chấn, nên vẫn phát huy thành tích học tập. Em sẽ quyết tâm học thật tốt, để khi ra trường có tấm bằng “loại ưu” – Thanh Nga bộc bạch.

Thực tế cho thấy, thời điểm đăng ký nguyện vọng xét tuyển cùng với đăng ký thi tốt nghiệp THPT chỉ là căn cứ ban đầu, sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh tiếp tục điều chỉnh và sẽ có sự thay đổi đáng kể. TS Lê Xuân Thành - Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Mỏ - Địa chất (Hà Nội) viện dẫn: Năm 2020, sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, số thí sinh điều chỉnh nguyện vọng vào trường tăng gấp 2 - 3 lần so với ban đầu, tương đương khoảng hơn 5.000 thí sinh. Có em thay đổi thứ tự sắp xếp nguyện vọng. VD: Từ nguyện vọng 3, đổi thành nguyện vọng 1. Hoặc có em thay đổi về lựa chọn ngành học, trường học.

Theo thống kê của Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), năm 2020, số thí sinh đăng ký dự thi là trên 900 nghìn; trong đó có hơn 640 nghìn thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học và cao đẳng sư phạm. Sau khi biết điểm thi THPT, từ ngày 19 - 27/9 có hơn 275 nghìn thí sinh điều chỉnh nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến và bằng phiếu, tương đương với gần 45% tổng số thí sinh. Số nguyện vọng sau điều chỉnh là trên 2,5 triệu.

Năm nay, theo số liệu thống kê nguyện vọng của 15 trên tổng số 24 nhóm ngành tuyển sinh, có trên 3,8 triệu nguyện vọng đăng ký, với gần 550 ngàn chỉ tiêu. PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhận định: Tỷ lệ này cho thấy nguyện vọng của thí sinh năm 2021 cơ bản giống với năm 2020. Tuy nhiên, đến giai đoạn điều chỉnh nguyện vọng mới thấy “những thay đổi chóng mặt”.

Phụ huynh hãy đồng hành, định hướng cho con khi điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, không nên quyết định thay con. Ảnh: TG

Chiến thuật điều chỉnh nguyện vọng

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà – Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), việc phụ huynh định hướng nghề nghiệp cho con là tốt bởi không ai khác cha mẹ chính nhà tư vấn tin tưởng nhất cho con em mình. “Nói như vậy, không có nghĩa phụ huynh lúc nào cũng đúng. Thực tế cho thấy, khi định hướng nghề nghiệp cho con, nhiều người thường chú ý đến cơ hội việc làm sau khi ra trường, ít quan tâm đến năng lực thực tế của con. Đây cũng là vấn đề cần rút kinh nghiệm trong quá trình điều chỉnh nguyện vọng sau khi các em biết điểm thi tốt nghiệp THPT” - PGS.TS Phạm Mạnh Hà trao đổi.

Theo TS Lê Xuân Thành, đăng ký nguyện vọng xét tuyển cùng với đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT của thí sinh mới chỉ là bước đầu. Các em vẫn có thể sửa chữa sai lầm (nếu có) bằng việc điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT. Đây là thời điểm để thí sinh bấm nút quyết định lựa chọn, nghề nghiệp trong tương lai của mình. Vì thế, các em cần bình tĩnh, nghiên cứu thật kỹ khi điều chỉnh để đạt được nguyện vọng như ý.

TS Lê Xuân Thành gợi ý: Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, nếu muốn điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh nên sắp xếp theo thứ tự ưu tiên: Đầu tiên cần căn cứ vào năng lực của bản thân, tiếp đến là xu thế xã hội, kinh nghiệm của bố mẹ và cuối cùng mới là chi phối của truyền thông.

TS Nguyễn Thanh Bình - Trưởng phòng Chính trị và công tác sinh viên, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) tư vấn: Trước tiên, thí sinh cần chọn ngành mình yêu thích và phù hợp với năng lực, trình độ, từ đó xem các ngành này có ở những trường nào, rồi sắp xếp thứ tự ưu tiên các nguyện vọng khi điều chỉnh.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Phong Điền khuyến nghị: Sau khi biết kết quả thi, thí sinh có quyền điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Đây là lúc các em cần tỉnh táo xem xét trên mọi phương diện để quyết định có nên điều chỉnh hay không. Khi thực hiện điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh lưu ý: Những nguyện vọng mong muốn và yêu thích nhất nên sắp xếp lên đầu thay vì ưu tiên ngành có khả năng đỗ cao. Bởi phần mềm xét tuyển sẽ làm việc theo nguyên tắc: Khi trúng tuyển vào nguyện vọng nào sẽ không xét đến các nguyện vọng phía dưới nữa. Do đó, thí sinh cần lưu ý khi sắp xếp nguyện vọng.

TS Lê Xuân Thành cho rằng: Việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học của thí sinh ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Không ít thí sinh có xu hướng chọn ngành nghề theo trào lưu, cảm tính hoặc bị ảnh hưởng bởi truyền thông. Có em đăng ký xét tuyển theo sự sắp đặt của bố mẹ và cũng có không ít thí sinh đăng ký với tâm lý: Chọn nghề để ra trường dễ xin việc.

Nguồn GD&TĐ