Xoài rớt giá: Đổ đống cho heo, thương lái không buồn mua

Cập nhật giá nông sản của Sở NN-PTNT tỉnh An Giang ngày 25/5 cho biết, giá xoài 3 màu (xoài Đài Loan) loại 1 là 5.000 đồng/kg; xoài 3 màu (loại xô) 2.000 đồng/kg, xoài hạt lép xô 3.000 đồng/kg; xoài Hòa Lộc (loại 1) 9.000 đồng/kg; xoài cát chu 5.000 đồng/kg; xoài keo xô 3.000 đồng/kg.

Thực tế, giá xoài bán tại vườn của bà con nông dân còn thấp hơn nhiều. Trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Hoàng Liệt (Cù lao Giêng, huyện Chợ Mới, An Giang) cho biết, xoài có 3-4 giá, nhưng giá cuối cùng là 0 đồng, nghĩa là cho không người ta cũng không chịu nhận.

"Mấy địa phương vùng dịch còn được hỗ trợ giải cứu, còn trong này, xoài trồng ra bây giờ đổ đống cho heo, bò, cho cá ăn", ông Liệt nói.

Theo ông Liệt, ở Cù Lao Giêng có 3 xã, gồm xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân, có gần 100 vựa, thì bây giờ chỉ còn 1-2 vựa đóng hàng. Khổ nỗi giá quá thấp nên nhiều người dân chán nản, đem xoài đổ dọc đường chứ không đưa vào vựa bán, tiền không được bao nhiêu lại mất công hái.

"Bây giờ chẳng biết ai ép ai vì xoài rẻ quá rồi, người ta không buồn mua", ông Liệt than thở.

Cùng chung hoàn cảnh, ông Hồ Văn Hữu, Phó Giám đốc Hợp tác xã xoài Tân Thuận Tây, Cao Lãnh, Đồng Tháp cho biết, xoài rớt giá thê thảm đến mức bây giờ chỉ còn 1.000-1.500 đồng/kg xoài Đài Loan bán tại vườn. Chỉ có xoài cát chu nhờ đã ký kết hợp đồng bao tiêu từ trước với công ty nên đỡ hơn, nhưng giá cũng rất rẻ, chỉ 4.500 đồng/kg.

"Tiền ấy không đủ để thuê nhân công hái xoài, bởi vậy bà con bỏ cho xoài rụng, không buồn hái nữa.

Các địa phương khác xoài cũng đang vào mùa rộ, thương lái không cần mua vì tiêu thụ thấp. Bởi số lượng quá lớn, bán ở chợ sao nổi, người mua chẳng thấy, toàn thấy người trồng xoài đụng nhau", ông Hữu nói.

Xoài chín rụng nhiều ở gốc cây do giá rẻ, người trồng không thu hái. Ảnh: TTXVN

Một cán bộ hội nông dân một tỉnh thuộc miền Tây lắc đầu, tình trạng cung vượt cầu lâu lâu lại xảy ra một lần, không có giải pháp nào hỗ trợ bà con vì số lượng nhiều quá. Do tình hình dịch bệnh, vận chuyển khó khăn, xoài ở các nơi đều đang vào mùa rộ nên xuất khẩu giảm mạnh, tiêu thụ nội địa cũng chậm.

"Những nơi ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp thì tình hình khả quan hơn, nhưng số lượng rất ít. Còn lại, đa phần bà con bán xoài qua thương lái, bây giờ thương lái cũng không mua nữa.

Vậy nên đành chấp nhận chứ không biết làm sao, xoài có mấy tháng một vụ, thua keo này lại bày keo khác", vị cán bộ nói, đồng thời lưu ý thời gian qua, không chỉ có xoài rớt giá thê thảm mà nhiều loại nông sản khác cũng chịu chung số phận, hành tím ở miền Tây là điển hình.

"Không thể giải cứu được vì số lượng quá lớn. Vấn đề là không phải toàn bộ thị trường đều rơi vào cảnh này mà đó là tình trạng cục bộ: nơi sản xuất dư thừa, ùn ứ, còn người tiêu dùng vẫn phải ăn hàng giá cao", ông nói.

Theo vị cán bộ này, không thể bắt bà con sản xuất cây gì, nuôi con gì, nhưng hội nông dân lâu nay vẫn vận động, khuyến cao bà con nhiều lần, không nên thấy cái gì có lợi là ồ ạt chạy theo, đến khi nhiều quá lập tức sẽ ứ hàng, làm gì cũng phải tính đến thị trường, bởi thị trường quyết định tất cả.

Để nắm được thị trường trước khi sản xuất thì phải liên kết với doanh nghiệp, còn nếu cứ theo kiểu có gì làm nấy, không nghiên cứu thị trường thì tình trạng xoài rụng đầy gốc cây không buồn hái vì không có người mua tiếp tục lặp lại.

Định hướng cho bà con như vậy, song vị cán bộ thừa nhận chuyện này rất khó thay đổi, nhất là khi bà con trồng cây lâu năm, mà đã trồng rồi thì đành phải đeo.

"Bao năm nay vẫn là cảnh người mua không biết người bán, người bán không biết người mua, thông tin thị trường không có.

Vận động bà con thay đổi rất khó bởi lợi nhuận trước mắt bao giờ cũng hấp dẫn, còn cái lâu dài bà con chưa nghĩ đến. Nhiều khi lúc nói thì bà con nghe, nhưng về ngủ một giấc, sáng hôm sau họ lại thay đổi ý kiến. Cũng có khi doanh nghiệp đến đặt vấn đề bao tiêu nhưng bà con không quyết, cứ ngóng xem giá có lên không, đến lúc nông sản rớt giá thì lại nói tại thương lái ép giá", vị cán bộ chỉ ra thực tế.

Cũng theo vị này, Việt Nam đất hẹp, manh mún, người đông nên muốn có một vùng nguyên liệu rộng lớn thì phải tập hợp cả trăm hộ, 9 người 10 ý, rất khó tìm được tiếng nói chung để liên kết bà con lại.

Người nông dân cũng chỉ làm nhiệm vụ sản xuất, còn mua bán phụ thuộc vào thương lái. Buôn bán đường dài, tỉnh này tỉnh nọ hoặc xuất khẩu nước ngoài đòi hỏi sự chuyên nghiệp thì phải có vai trò của doanh nghiệp, người nông dân không làm được.

Nguồn Đất Việt