Xét tuyển theo hình thức học bạ: Chất lượng thế nào?

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển 2019 theo phương thức xét học bạ. Ảnh: NVCC

Bất ngờ với chất lượng

Một đánh giá do PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) đưa ra có thể khiến nhiều người bất ngờ, nhưng cũng phần nào hé lộ mấu chốt của vấn đề. Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, số liệu thống kê những học kỳ gần đây của nhà trường cho thấy SV tuyển đầu vào bằng học bạ học tốt hơn những hình thức xét tuyển khác.

Trường tuyển từ học bạ có 10% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm nhưng lấy từ 8,0 trở lên. Tuy nhiên, mấu chốt là các em xét tuyển học bạ vào trường đa phần chọn đúng ngành học yêu thích. Trong khi tuyển sinh qua Kỳ thi THPT quốc gia theo nguyên tắc “lọt sàng xuống nia”, các em đăng ký nhiều nguyện vọng, nếu có điểm cao, đậu nguyện vọng đầu tiên thì chắc chắn các em sẽ học tốt, vì học đúng ngành mình yêu thích. Tuy nhiên, nếu không đậu NV1 chuyển sang NV2, NV2 không đậu thì rớt xuống NV3... có em đậu NV10, như vậy chắc chắn sẽ không học đúng ngành mình yêu thích dễ có tâm lý nản học.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng

Năm 2020, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (NTTU) dành 30% chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ. Theo ThS Nguyễn Bá Anh - Phó phòng Truyền thông và

Marketing NTTU, xét tuyển học bạ là phương thức vượt trội được nhiều thí sinh lựa chọn bởi những ưu điểm nổi bật như giúp giảm áp lực thi cử, làm “nhẹ” nỗi lo liên quan đến tỷ lệ chọi khi tham gia xét tuyển.

Bên cạnh đó, đại diện NTTU cũng chia sẻ thêm, việc xét học bạ còn là giải pháp giúp các thí sinh tăng thêm cơ hội vào đại học nếu trong quá trình thi cử không đạt thành tích như mong muốn. Bởi điểm học bạ mới là minh chứng cho quá trình nỗ lực học tập trong năm học THPT.

Vì thế, ngoài xét điểm thi THPT quốc gia, thí sinh nên sử dụng phương thức xét học bạ để nâng cao cơ hội vào đại học. Hơn nữa, cách thức này áp dụng được cho tất cả các bạn học sinh đã tốt nghiệp ở những năm học trước đó. Đây được xem là một “chiếc vé” đặc biệt cho những ai không có điều kiện học đại học trước đây.

Ảnh minh họa/ INT

Thủ tục đơn giản, hiệu quả chắc chắn

Theo ý kiến một số trường, xét tuyển học bạ là một trong những phương thức nhanh gọn và nắm chắc cơ hội trúng tuyển đại học nhất. Chỉ cần có kết quả học tập đầy đủ của 3 năm học dựa trên học bạ, thí sinh đã nắm rõ số điểm của mình cũng như đưa ra được lựa chọn đúng đắn trước khi đăng kí xét tuyển nguyện vọng vào các trường.

Riêng với thí sinh là học sinh lớp 12, còn có thể giữ suất trúng tuyển bằng cách nộp trước phiếu đăng ký xét tuyển, sau đó bổ sung học bạ photo công chứng và giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT sau khi có kết quả xét tốt nghiệp - đây là cách nộp hồ sơ được các học sinh lớp 12 chọn nhiều nhất.

Theo TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, mỗi hình thức xét tuyển đều có ưu điểm và cả những hạn chế. Việc đa dạng các hình thức tuyển sinh là mở ra nhiều cơ hội lựa chọn hơn cho các thí sinh và cả các cơ sở đào tạo.

Đồng quan điểm với PGS.TS Đỗ Văn Dũng, TS Nguyễn Vũ Quỳnh cho rằng: “Xét tuyển ĐH bằng học bạ, mang lại những lợi ích kép: Đối với thí sinh, xét tuyển ĐH bằng học bạ sẽ là thêm một cơ hội để các em được học ngành/trường mình yêu thích. Điều này rất quan trọng để các em có động lực theo đuổi quá trình học ĐH. Về phía các cơ sở đào tạo, xét tuyển bằng điểm học bạ giúp họ có cái nhìn tổng quan hơn về quá trình học tập của sinh viên trong suốt các năm THPT”.

Hiện nay, không riêng gì các trường tư thục, việc xét tuyển ĐH bằng hình thức học bạ diễn ra rộng khắp ở hầu hết các cơ sở ĐH công lập. Điều này chứng minh rằng, các cơ sở giáo dục ĐH đã thấy rõ lợi ích của hình thức xét tuyển học bạ trong việc chọn cho mình những hạt giống tốt ngay từ đầu. Vấn đề là việc sàng lọc, tuyển chọn hồ sơ của từng trường như thế nào sẽ cho ra những hạt giống tương ứng phù hợp với tiêu chí lựa chọn đó.


Nguồn: Báo GD&TĐ