Vĩnh Phúc hỗ trợ nghệ nhân bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể

Hát trống quân Đức Bác. Ảnh: vinhphuctv.vn

Vĩnh Phúc hiện có 24 nghệ nhân được công nhận danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” đang hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Tỉnh cũng có 3 Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Tín ngưỡng thờ Quốc mẫu Tây Thiên, Hát soọng cô của người Sán Dìu, Lễ rước nước đền Ngự Dội. Đặc biệt, năm 2015, nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines (trong đó có trò kéo song Hương Canh-Bình Xuyên) đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể và dân ca trên địa bàn, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nghị quyết về hỗ trợ đối với nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các CLB dân ca tiêu biểu tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, tỉnh hỗ trợ nghệ nhân có hộ khẩu thường trú tại tỉnh được Chủ tịch nước phong tặng để thực hành truyền dạy nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, mức hỗ trợ bằng mức thưởng một lần theo quy định của Chính phủ đối với nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú”.

Các CLB dân ca tiêu biểu được hỗ trợ hằng năm gồm: Hát trống quân Đức Bác, hát tuồng, hát xoan, hát ca trù, hát văn, hát vhầu văn, sịnh ca, soọng cô, páo dung, với các mức khác nhau để mua sắm trang thiết bị và tham gia các hoạt động liên hoan, hội diễn, hội thi, giao lưu. Cụ thể, CLB Trống quân Đức Bác hỗ trợ năm đầu tiên 80 triệu đồng, năm tiếp theo đến hết năm 2025 hỗ trợ 30 triệu đồng/năm. Các CLB dân ca tiêu biểu khác, năm đầu tiên hỗ trợ 50 triệu đồng/CLB, năm tiếp theo đến hết năm 2025 hỗ trợ 15 triệu đồng/CLB/năm.

Để tiếp tục phát huy, bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể và các làn điệu dân ca truyền thống, Vĩnh Phúc gắn việc phát huy giá trị văn hóa phi vật thể với phát triển du lịch. Tỉnh phục dựng và bảo tồn các lễ hội truyền thống, tổ chức các buổi sinh hoạt dạy hát, múa các làn điệu dân ca đặc trưng ở mỗi vùng, tổ chức các lớp bồi dưỡng các hạt nhân tiêu biểu để về phát triển các câu lạc bộ dân ca ở các thôn, xã.

Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan để các CLB dân ca có cơ hội giao lưu, học hỏi và nâng cao chất lượng hoạt động.


Nguồn: Báo Chính Phủ