Vang mãi tiếng hát Then

Đây thực sự là một tin vui đối với các đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái nói riêng và của nền văn hóa Việt Nam nói chung. Thế nhưng, sau khi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì câu chuyện bảo tồn Di sản này sao cho phù hợp lại là một vấn đề được đặt ra với không chỉ các nhà quản lý văn hóa mà còn của các đồng bào dân tộc đang sở hữu nét văn hóa đặc biệt này.

Hát Then là loại hình nghệ thuật dân gian tổng hợp nhiều yếu tố về ngữ văn, âm nhạc, mỹ thuật, múa, diễn xướng dân gian có giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội; cầu nối giữa con người với trời đất và thế giới thần linh. Đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái thường sử dụng hát Then vào những dịp trọng đại như: Các nghi lễ cầu mùa, cầu yên, cấp sắc... Người Tày, Nùng, Thái dùng tiếng đàn tính để thay lời muốn nói, để bày tỏ nỗi niềm... Khi thực hành các nghi lễ, người hát Then không thể thiếu được các dụng cụ như đàn tính, chùm xóc nhạc, quạt, thẻ âm dương (thẻn), kiếm. Đàn tính là nhạc cụ mang “hồn cốt” dân tộc, cầu nối giữa con người với thế giới tâm linh... Đặc biệt, trong thời kỳ chống Pháp, hát Then là “vũ khí” tuyên truyền hiệu quả nhằm cổ vũ, khích lệ tinh thần yêu nước, đấu tranh của đồng bào các dân tộc trên khu vực biên giới phía Bắc.

Việc thành lập các CLB hát then, đàn tính là để các nghệ nhân có điều kiện truyền dạy các làn điệu then, cách chơi đàn tính cho thế hệ trẻ. Ảnh: T.Yên

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, Thực hành Then ở một số địa phương cũng gặp không ít khó khăn trong việc duy trì, phát triển. Nhiều nơi chưa nhận thức đầy đủ vai trò của công tác bảo tồn văn hóa dân tộc; việc tuyên truyền, vận động cộng đồng giữ gìn văn hóa dân tộc chưa được tiến hành thường xuyên. Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Thọ, dân tộc Tày (Lạng Sơn), cần kịp thời có chính sách cụ thể cho các nghệ nhân. Là một nghệ nhân hát Then, đàn tính, vấn đề nghệ nhân Nguyễn Văn Thọ nhìn thấy là một số nghệ nhân cao tuổi chưa thực sự cởi mở, ít giao lưu, không muốn đưa lên sân khấu những bản sắc văn hóa của dân tộc. Do đó, để các nghệ nhân cao tuổi cởi mở hơn trong việc truyền dạy cho con cháu thì cần phải quan tâm đến họ nhiều hơn. Đây là những nghệ nhân luôn âm thầm cống hiến, bản thân họ là nguồn lưu trữ nguồn văn hóa dân tộc rất lớn. Những nghệ nhân cao tuổi này vẫn lặng lẽ sử dụng vốn văn hóa của mình đi tuyên truyền ở các bản làng, nhưng hầu như không được quan tâm hay phong tặng danh hiệu gì. Việc được quan tâm tích cực sẽ khiến cho những nghệ nhân này cởi mở hơn trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Ý kiến khác cho rằng, cần chú trọng “bảo tồn sống”, tức là bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể ngay chính trong đời sống cộng đồng. Đồng thời, phải có chính sách, chế độ thích đáng cho các nghệ nhân giỏi, những cá nhân và gia đình có công sức giữ gìn tài sản văn hóa dân tộc. Hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, bảo tồn, xây dựng các tổ, đội văn nghệ truyền thống, nhân rộng các mô hình điểm hướng tới trao truyền những giá trị của di sản cho lớp trẻ… cũng là những giải pháp quan trọng.

Và cách làm của tỉnh Tuyên Quang cũng là cách hay để bảo tồn và phát triển loại hình văn hóa này. Theo đó, tỉnh Tuyên Quang, trực tiếp là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã thường xuyên nắm chắc số lượng các nghệ nhân; tuyên truyền, động viên và hướng dẫn các nghệ nhân tích cực sưu tầm các làn điệu Then cổ, những cuốn sách then cổ, phối hợp với các cơ quan chuyên môn biên dịch, sao chép để bảo tồn và lưu giữ giá trị của hát Then. Theo thống kê, hiện nay Tuyên Quang có gần 60 nghệ nhân Then, hơn 100 thầy Tào, thầy Pụt… Bên cạnh những bài Then được đặt lời mới theo điệu cổ, các nghệ nhân cũng chú trọng việc giữ gìn, bảo tồn những bài then cổ vì theo nhiều người, chính những bài Then cổ là kết tinh các giá trị tinh túy nhất của hát Then. Đến nay, nhiều cuốn sách Then cổ do các nghệ nhân sưu tầm, sao chép đã trở thành tài liệu tập huấn trong các lớp học Then ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. NSƯT Tiêu Sơn Học ở thôn Đồng Giàn, xã Đội Bình, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) chia sẻ, những người am hiểu về Then, yêu Then đều luôn cố gắng để hát then không bị mai một; điều quan trọng nhất trong bảo tồn hát then đó là truyền lại sự yêu thích, niềm đam mê và những giá trị văn hóa của hát Then cho các thế hệ sau.

Song song với đó, tỉnh Tuyên Quang còn thực hiện tốt việc thành lập các CLB hát Then, đàn tính để các nghệ nhân có điều kiện truyền dạy các làn điệu Then, cọi, cách chơi đàn tính cho thế hệ trẻ. Từ nhiều năm nay, Trung tâm văn hóa, Sở Văn hóa-Thể thao & Du lịch tỉnh Tuyên Quang đã thực sự là hạt nhân trong phối hợp, hướng dẫn các các địa phương, trường học trên địa bàn tỉnh thành lập CLB hát then, đàn tính. Là một trong những địa phương dẫn đầu tỉnh Tuyên Quang về hoạt động của các CLB, đến đầu năm 2019, toàn huyện Chiêm Hóa có 40 CLB hát Then, đàn tính với trên 1.200 người biết hát Then, một nửa trong số đó biết chơi đàn tính. Các CLB này được thành lập trên cơ sở tập hợp những người yêu hát Then, đàn tính tại các thôn bản, trường học, cơ quan, đơn vị, thường xuyên tổ chức truyền dạy các làn điệu Then và phát triển phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng, tăng cường đoàn kết cộng đồng tại địa phương…

Đến nay, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, trên địa bàn toàn tỉnh Tuyên Quang đã duy trì hoạt động thường xuyên của gần 100 CLB hát Then, đàn tính. Đa số các CLB đều hoạt động có hiệu quả với nội dung chủ yếu là hướng dẫn người dân, nhất là các bạn trẻ hát Then và thực hành các làn điệu hát Then. Trong đó, nổi bật là các hoạt động của một số CLB ở các huyện: Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình, Yên Sơn… Then đã trở thành sợi dây kết nối mọi người trong bản làng, trong xã và anh em các dân tộc khác trong tỉnh gắn bó với nhau; cùng đoàn kết tránh xa các thói hư, tệ xấu. Tại nhiều thôn bản ở Tuyên Quang, dường như ai cũng biết hát Then, chơi đàn tính…


Nguồn: Báo PL&XH