Tuyển sinh ĐH 2020: Liệu có 'bó' quyền tự chủ của các trường?

Khi Bộ GD&ĐT thay đổi phương án thi THPT chủ yếu để xét tốt nghiệp, nhiều trường ĐH đã lên kế hoạch tổ chức thi riêng để tuyển sinh – đây cũng là biểu hiện cụ thể của tự chủ đại học. Thế nhưng, mới đây một số trường thông báo không thể tổ chức thi riêng, do Quy chế tuyển sinh trình độ đại học trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non của Bộ GD&ĐT năm nay có nhiều điểm mới “siết chặt”, đòi hỏi quá cao, khiến các trường không kịp xoay sở, khó có thể đáp ứng được yêu cầu. Liệu những quy định này có đang “bó” quyền tự chủ của các trường?

Một số trường thông báo không thể tổ chức thi riêng, do Quy chế có nhiều điểm mới “siết chặt”, đòi hỏi quá cao, khiến các trường không kịp xoay sở,...

Trước đó, các đại học, trường ĐH công bố tổ chức kỳ thi tuyển riêng lo lắng sẽ không thể tiến hành kỳ thi này vì vướng quy định nêu trong dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH năm nay. Cách đây vài ngày, ĐH Quốc gia Hà Nội bất ngờ công bố quyết định không triển khai kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh riêng như thông báo trước đó mà sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển.

GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: "Trong năm 2020 ĐHQG Hà Nội giữ ổn định phương thức tuyển sinh như năm 2019: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển đối với các đối tượng được kỳ thi theo quy định của Bộ GD-ĐT và theo chính sách đặc thù của Bộ; xét trên cơ sở kỳ thi THPT; xét dựa trên kết quả các chứng chỉ quốc tế".

Quyết định này của ĐH Quốc gia Hà Nội khiến không chỉ thí sinh, phụ huynh mà cả nhiều trường ĐH trên cả nước bối rối. Ngay sau đó, Trường ĐH Ngoại thương cũng công bố dừng tổ chức kỳ thi phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội để xét tuyển ĐH chính quy năm 2020. Hiện chỉ còn Đại học Quốc gia TP.HCM vẫn đang giữ kế hoạch thi đánh giá năng lực với hơn 50 trường đăng ký lấy kết quả tuyển sinh. Còn lại, nhiều trường đại học khác đang “án binh bất động” chờ quy chế tuyển sinh từ Bộ mới đưa ra quyết định cuối cùng về các phương án tuyển sinh 2020.

Về cơ bản, Quy chế tuyển sinh ĐH năm 2020 vẫn giữ ổn định trong giai đoạn 2017-2020 như đã công bố với thí sinh, xã hội. Điểm đáng chú ý nhất trong quy chế này là Bộ GD-ĐT bổ sung các quy định về tổ chức thi, kiểm tra riêng để tuyển sinh, với những yêu cầu khắt khe, như phải có bộ phận độc lập chuyên trách thực hiện chức năng tổ chức thi tuyển sinh với các yêu cầu về lãnh đạo bộ phận chuyên trách; yêu cầu về ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, cán bộ chấm thi môn tự luận...

Với những quy định này, lãnh đạo một số trường cho rằng, các trường muốn tự tổ chức thi riêng ngay trong năm nay không hề dễ. Một số trường khác cũng đang lúng túng và loay hoay trong phương án tuyển sinh.

Ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, riêng khối ngành sức khỏe thì trường vẫn đang trông chờ vào phương án thi riêng của Trường Đại học Y Hà Nội hay một số trường cùng khối ngành khác, chứ chưa có kịch bản tuyển sinh cho riêng cho nhóm ngành này của trường.

"Ví dụ như năm ngoái là Đại học Y lấy tới 26-27 điểm, thì chúng tôi có thể lấy 21-22 điểm, như vậy có thể là liên kết với họ để lấy kết quả đó là cũng tạm được. Chúng tôi cũng đã có đưa ra phương án này rồi và Ban Giám hiệu cũng đã thông qua cái đó và vấn đề đặt ra là bây giờ trông chờ xem có những trường đại học Y nào họ tổ chức thì chúng tôi sẽ đến liên hệ và có thể là nhờ họ tạo điều kiện cho mình", ông Hóa chia sẻ.

Trước những ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT đặt ra các điều kiện ngặt nghèo với các trường thi tuyển riêng như trong quy chế tuyển sinh là “làm khó”, thay vì mong các trường tổ chức những kỳ thi chất lượng. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, tự chủ không có nghĩa “muốn làm gì thì làm”, việc Quy chế tuyển sinh 2020 bổ sung các điều kiện quy định với những trường muốn tổ chức thi để tuyển sinh riêng là nhằm tăng cường công cụ quản lý nhà nước để đảm bảo các kỳ thi riêng diễn ra nghiêm túc, minh bạch, đúng quy định, đảm bảo chất lượng.

"Về tuyển sinh riêng, tự chủ là nhiệm vụ, là cơ hội nhưng không phải muốn làm gì thì làm, phải có quy định để đảm bảo trước hết chất lượng các hoạt động theo quy định của pháp luật, bên cạnh đó là phải đảm bảo công bằng, khách quan minh bạch và an toàn của những người tham gia kỳ thi, bình đẳng giữa các trường với nhau”, Bộ trưởng Nhạ cho hay.

Theo PGS TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam, việc Quy chế đưa ra “hàng rào” để “siết” đối với tuyển sinh riêng là cần thiết trước thực tế thí sinh đang lo lắng sợ phải trải qua nhiều lần thi với nhiều hình thức tuyển sinh khác nhau, trong khi đó nhiều trường ĐH dự kiến tự tổ chức thi tuyển nhưng chưa công bố thi thế nào.

PGS TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng: "Tự chủ cũng phải có sự hướng dẫn, đủ điều kiện nào thì mới tự chủ chứ không phải muốn làm gì thì làm. Bộ ra như vậy là nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào. Bây giờ muốn tự chủ thì có thể căn cứ điểm thi PTTH, căn cứ học bạ lên phương án để tuyển sinh... học sinh khi vào rồi muốn tốt hơn thì kiểm tra theo ngành nghề học, ra thử bài kiểm tra, thế hoàn toàn là tự chủ".

Theo khẳng định của Bộ GD&ĐT, việc Quy chế tuyển sinh ĐH năm nay siết các điều kiện về tổ chức tuyển sinh riêng là nhằm mục đích đảm bảo khách quan, minh bạch, bình đẳng giữa các trường. Công tác tổ chức kỳ thi THPT 2020 cũng được khẳng định là công khai, minh bạch để đảm bảo độ tin cậy để các trường xét tuyển. Thế nhưng, chúng ta vẫn cần thời gian để minh chứng cho những khẳng định này./.


Nguồn: Báo VOV