Từ năm 2021, chất lượng Kỳ thi THPT sẽ phụ thuộc vào các trung tâm khảo thí độc lập?

Giai đoạn 2021-2015 sẽ thí điểm thi THPT quốc gia trên máy tính. Ảnh ĐH

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) sau năm 2020.

Quy định rõ giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT

Điểm mới trong dự thảo này là đối tượng dự thi: Học sinh hoàn thành chương trình lớp 12 nếu đáp ứng các quy định của Bộ GD&ĐT thì được Hiệu trưởng trường THPT hoặc Giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT; nếu có nhu cầu dự thi để được cấp Bằng tốt nghiệp THPT sẽ được tham gia Kỳ thi THPT quốc gia.

Từ nội dung trên, ông Nguyễn Tôn Vinh, Hiệu trưởng trường THPT Hà Nội (Đống Đa, Hà Nội) đánh giá, đây là điểm “mở” đối với học sinh THPT và nhà trường. “Khi học xong chương trình THPT học sinh được nhà trường cấp giấy chứng nhận, khi nào đủ điều kiện thì các em có thể đăng ký thi THPT quốc gia để lấy bằng tốt nghiệp sau”, ông Vinh cho biết.

Đối với quy định trên, ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, trong quá trình xây dựng dự thảo, Bộ GD&ĐT phải quy định rõ ràng người học sử dụng giấy chứng nhận đó như thế nào. Ông Hà Xuân Nhâm đưa ra ví dụ cần phải làm rõ, học sinh sử dụng giấy chứng nhận do trường THPT cấp để đi học các khóa đào tạo nghề và sau đó muốn học liên thông lên những bậc cao hơn thì xử lí như thế nào? Học sinh có phải thi lại để lấy bằng tốt nghiệp, sau đó mới học liên thông được hay không hay chỉ sử dụng giấy chứng nhận đó để học liên thông.

Với những nội dung trong dự thảo, ông Hà Xuân Nhâm cũng đề xuất, việc công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh nên giao về cho các địa phương, sau này tiến tới giao các trường. “Việc các trường cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh, giống như các trường đại học cấp bằng tốt nghiệp cho sinh. Theo đó, trường THPT nào chất lượng thì tấm bằng của trường đó sẽ có giá trị”, ông Nhâm nêu ý kiến.

Chất lượng của trung tâm khảo thí do xã hội đánh giá

Trong dự thảo cũng có quy định, đối với phương thức tổ chức thi trên máy tính, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng theo qui định của Bộ GD&ĐT, kết quả của đợt thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể được các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh (nếu có nhu cầu).

Với quy định này trong dự thảo, ông Vinh cho rằng, Bộ GD&ĐT cần phải làm rõ thời gian tổ chức các đợt thi trong năm. Bởi công tác tuyển sinh của các trường theo thời gian nhất định, các trường THPT cũng có kế hoạch học tập theo từng năm. Theo đó, ông Vinh đề xuất, các trung tâm khảo thí độc lập có thể tổ chức thi từ tháng 6 -10 trong năm để học sinh được nới rộng khả năng đăng kí thi. “Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi, Bộ GD&Đt cần có các văn bản, lộ trình cụ thể, công việc rõ ràng để các nhà trường triển khai”, ông Vinh cho biết.

Với quy định trong dự thảo, các trung tâm khảo thí độc lập sẽ là đơn vị tổ chức thi THPT quốc gia theo nhiều đợt, ông Hà Xuân Nhâm cho rằng, các trung tâm khảo thí độc lập phải có kế hoạch xây dựng ngân hàng câu hỏi.

Theo ông Nhâm, chất lượng của kì thi phụ thuộc vào nội dung câu hỏi trong ngân hàng đề thi. Do đó, những người xây dựng ngân hàng đề thi phải công phu, tâm huyết thì mới làm ra được những đề thi có giá trị. Đồng thời, việc kiểm soát những câu hỏi đưa vào ngân hàng đề thi phải khắt khe. Mỗi câu hỏi khi đưa vào ngân hàng đề thi cần có thông số để xem xét kiển thức câu hỏi nằm ở đâu trong chương trình, mức độ tư duy như thế nào…

Theo ông Nhâm, sau này chất lượng của kì thi phụ thuộc vào các trung tâm khảo thí độc lập, chứ không còn phụ thuộc vào Bộ GD&ĐT. Các trường đại học, cao đẳng cũng sẽ căn cứ vào kết quả và chất lượng của các trung tâm khảo thí độc lập để sàng lọc thí sinh.

Ví dụ, có hai trung tâm đánh giá độc lập A, B, nếu trung tâm nào chất lượng hơn thì sẽ được nhiều trường đại học lựa chọn đánh giá kết quả của trung tâm đó để tuyển sinh. Việc các trung tâm khảo thí có tồn tại hay không phụ thuộc vào chất lượng cung cấp cho xã hội. “Một trung tâm khảo thí độc lập nào đó đã đạt đủ các tiêu chí của Bộ GD&ĐT để tổ chức các kì thi nhưng các trường đại học lại không tin tưởng vào trung tâm này thì cũng không thể tồn tại. Các trung tâm phải cạnh tranh chất lượng và xã hội sẽ công nhận chất lượng”, ông Hà Xuân Nhâm nhấn mạnh.


Nguồn: Báo Hải Quan