Tín hiệu đáng sợ nhất 10 năm qua, Donald Trump nặng lời 'kẻ đầu đất'

Chứng khoán Mỹ nhuốm sắc đỏ trong phiên giao dịch đêm qua với áp lực bán tháo lớn sau khi giới đầu tư đón nhận dữ liệu sản xuất thấp nhất trong 10 năm. Nó khiến nỗ lo về nền kinh tế Mỹ và thế giới lớn hơn bao giờ hết. Trước đó, châu Âu cũng công bố số liệu về tình hình sản xuất đáng thất vọng.

Chốt phiên giao dịch đầu tháng 1/10 (rạng sáng 2/10 giờ Việt Nam), tất cả các chỉ số chứng khoán Mỹ tụt giảm, chỉ số công nghiệp Dow Jones “bốc hơi” hơn 340 điểm xuống dưới 26.600 điểm. Chỉ số tầm rộng S&P 500 giảm hơn 1,2% xuống 2.940 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq sụt hơn 1,1% xuống 7.908 điểm.

Tất cả các chỉ số chứng khoán của Mỹ đều giảm trở lại sau vài phiên tăng điểm tuần trước nhờ những tín hiệu tích cực từ đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Các chỉ số dần xa rời các ngưỡng lịch sử vừa đạt được vài tuần trước đó.

Trong tháng 9, chứng khoán Mỹ biến động khá mạnh. Trước đó, trong tháng 8, chỉ số Dow Jones đã mất hơn 4%. Diễn biến xấu có thể còn tiếp tục xảy ra trong tháng 10 với nhiều sự kiện quan trọng, trong đó có cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung, dự kiến vào 10-11/10.

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh.

Trong phiên đêm qua, TTCK Mỹ giảm mạnh sau khi Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) cho biết hoạt động sản xuất tại Mỹ đã thu hẹp xuống mức thấp nhất kể từ tháng 06/2009.

Cchỉ số sản xuất PMI (đo lường sức mua) của Mỹ bất ngờ giảm xuống chỉ còn 47,8 điểm, thấp hơn nhiều so với mức 50 điểm - ngưỡng đánh dấu sự suy giảm sức sản xuất của một nền kinh tế.

Trước đó, trong đêm qua, châu Âu cũng công bố số liệu cũng đáng thất vọng không kém.

Tại khu vực kinh tế sử dụng đồng euro (Eurozone), chỉ số sản xuất PMI (đo lường sức mua) giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 7 năm, ở mức 45,6 điểm trong tháng 9, thấp hơn mức 47 điểm trong tháng 8 vừa qua. Chỉ số sản xuất PMI của Đức thậm chí còn tồi tệ hơn, chỉ đạt 41,7 điểm trong tháng 9.

Các số liệu kém tươi sáng nền kinh tế nhiều nước khiến giới đầu tư thêm lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu. Nó khiến các quốc gia có thể đẩy mạnh thêm cuộc chiến tiền tệ bên cạnh một cuộc chiến thương mại đang diễn ra.

Sản xuất của Mỹ bất ngờ tụt giảm xuống thấp nhất thập kỷ.

Trong khi đó hôm 1/10, Ngân hàng Trung ương Úc cũng giảm lãi suất cơ bản bớt 25 điểm phần trăm xuống mức thấp kỷ lục mọi thời đại: 0,75% sau khi nước này ghi nhận tăng trưởng quý 2 chậm nhất trong một thập kỷ. Nó cũng giúp đẩy đồng bạc xanh đi lên. Đồng USD ngay lập tức tăng lên mức cao nhất 10 năm so với đô-la Úc.

Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), năm 2019 sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng thương mại thấp nhất trong hơn 10 năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Theo đó, tăng trưởng sẽ chỉ đạt 1,2% so với mức 3% trong năm 2018. Lý do là do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Thế giới đua nhau giảm lãi suất, ông Trump chỉ trích Fed

Đáp lại tín hiệu kinh tế yếu kém, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng nguyên nhân của tình trạng này là đồng USD mạnh và lãi suất cao. Trên Tweeter, ông Trump cáo buộc Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell là những kẻ "thảm hại" trong việc đối phó với những dấu hiệu xấu của nền kinh tế.

Trước đó, ông Trump đã cáo buộc ông Powell là “thất bại, không có tầm nhìn, thiếu can đảm” sau khi Fed chỉ hạ lãi suất 25 điểm phần trăm trong cuộc họp giữa tháng 9 trong lần cắt giảm lãi suất lần thứ 2 trong vòng hơn 1 thập kỷ qua.

Các nước đua nhau giảm lãi suất, ông Trump chỉ trích Fed.

Ông Trump cũng từng gọi những người ở Fed là “những kẻ đầu đất”, thậm chí hồi cuối tháng 8 goi ông Powell và cả Trung Quốc là “kẻ thù” của nước Mỹ.

Hiện các nhà đầu tư đang chờ động thái chính sách mới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), xem cơ quan này có tiếp tục cắt giảm lãi suất nữa hay không.

Theo kế hoạch, các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ gặp nhau vào đầu tuần tới tại Washington. Hai bên được cho là đã có những bước lùi cần thiết để giải quyết một cuộc chiến thương mại đang ngày càng leo tháng.

Gần đây, người phát ngôn Bộ Tài chính Mỹ cho biết Nhà Trắng chưa có ý định cấm các công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ vào thời điểm này. Đây được xem là một những lời đe dọa trước một cuộc đàm phán.


Nguồn: Báo VietnamNet