Thành phố 2 chiều, nhìn từ BV hồi sức COVID-19

Chúng tôi - những nhà báo đã chứng kiến, thấu hiểu nhiều hơn về một trận chiến không hề có tiếng súng mà khốc liệt khủng khiếp - cuộc chiến giành lại sự sống ở lằn ranh sinh tử cho bệnh nhân COVID-19.

Giữa tháng 5-2021, biến thể Delta xuất hiện tại TP.HCM. Sài Gòn bùng dịch trở lại sau đó không lâu. Những phồn hoa, đông đúc, hối hả thường thấy ở đô thị sôi động bậc nhất quốc gia được thay bằng những dòng xe cấp cứu lao đi liên tục trên khắp đường phố; hàng ngàn chốt kiểm soát được dựng lên. Đội quân áo trắng bước vào một cuộc chiến thực sự.

Hơn ba tháng qua có lẽ là những ngày khó quên nhất đối với cánh nhà báo chúng tôi. Cũng như nhiều đồng nghiệp khác, máu nghề kéo chúng tôi cùng lao vào tâm dịch. Ở đó, chúng tôi đã được chứng kiến, thấu hiểu nhiều hơn về một trận chiến không hề có tiếng súng mà khốc liệt khủng khiếp - cuộc chiến giành lại sự sống ở lằn ranh sinh tử cho bệnh nhân COVID-19; cuộc chiến bảo vệ sức khỏe, hồi phục sinh lực cho TP.HCM.

Phóng viên Nguyệt Nhi (giữa), Ban Truyền hình báo Pháp Luật TP.HCM, đang tác nghiệp tại BV hồi sức COVID-19. Ảnh: MINH TÂM

Bên ngoài, khi TP thực hiện Chỉ thị 16, mọi người “ai ở đâu ở yên đó”, đường phố vắng vẻ, tĩnh lặng thì trong các bệnh viện, các khu cách ly lúc nào cũng vội vã bước chân, tiếng thúc bách từ mệnh lệnh cứu người của đội ngũ y tế. Họ - những bác sĩ, y tá trên lực lượng tuyến đầu chống dịch - chỉ được nhận diện bằng dòng chữ tên mình ghi vội trên chiếc áo bảo hộ của mỗi người. Có khi vết mực xanh ấy còn mờ đi giữa lớp màu trắng toát của BV hồi sức COVID-19 nhưng nhìn độ khẩn trương, tốc lực của họ khi giành giật sự sống cho một bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng, SpO2 hiện lên chỉ số dưới 50%, chúng tôi mới thấu hết sức chiến đấu khủng khiếp từ những trái tim thầy thuốc ấy.

Có nhiều y bác sĩ làm việc rồi bị lây nhiễm nhưng nhiều người không dám nói cho người thân. Họ tình nguyện tham gia đăng ký vừa điều trị vừa phục vụ những bệnh nhân dương tính khác. Họ chấp nhận xa gia đình đằng đẵng trong bao tháng qua, không về nhà. Trong số đó rất nhiều người có con còn rất nhỏ; có người cha mất mà không sao về được, chỉ biết nức nở khóc rồi lau vội những dòng nước mắt ấy để tiếp tục lao vào cuộc chiến...

Trong đó có người bằng tuổi với chúng tôi, thế hệ 9x nhưng đã và đang dốc hơn 200% sức mình cho cuộc chiến này. “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?” - một phương châm dứt khoát ở “chiến trường” của nhiều bạn trẻ khiến chúng tôi nể phục.

Chứng kiến những gì họ trải qua, tôi thấy mình thật vô cùng nhỏ bé.

Tôi còn nhớ như in câu nói của BS CKII Trần Thanh Linh, Trưởng Khoa hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy, kiêm Phó Giám đốc BV hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức, TP.HCM), sau khi anh rời khỏi phòng bệnh. “Có những đêm anh em đi cấp cứu, làm ECMO (tim phổi nhân tạo) tại cơ sở, thấy Sài Gòn sao vắng lặng quá. Nhìn cảnh đó tôi đau lòng lắm! Thực sự mọi người rất mệt mỏi. Nhiều lúc rất đuối nhưng anh em không cho phép mình dừng lại, không cho phép bản thân bỏ cuộc. Các anh em luôn động viên nhau cùng nắm tay vì người bệnh”…

20 phút trao đổi với BS Linh là khoảng thời gian quý báu mà anh dành cho chúng tôi. Giọt mồ hôi còn đọng lại trên tấm chắn bảo hộ, anh run run kể: “Chúng tôi không biết hôm nay là ngày mấy, thứ mấy nên chẳng biết cuối tuần là gì, hôm qua chúng tôi cũng làm như vậy, hôm nay chúng tôi cũng làm như vậy”. Giọng người bác sĩ trầm lại, lặng đi rồi chốt một câu đầy quyết đoán: “Ráng làm sao có thể cứu được nhiều bệnh nhân nhất!”.

Đã gần bốn tháng từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại. Biểu đồ số ca chuyển nặng, tử vong cứ đi lên liên tục của tháng trước đã dần dần giảm xuống. Mỗi tín hiệu vui ấy là chỉ dấu cho thấy sức khỏe của TP đang dần hồi phục, là nhiều người đã được cứu sống hơn và những nỗ lực không ngừng nghỉ để giành lại sự sống cho TP này của “đội quân áo trắng” đã được đền đáp xứng đáng.

Vâng, hơn ai hết, chúng tôi hiểu họ còn hơn cả người hùng.

Nguồn: https://plo.vn/thoi-su/thanh-pho-2-chieu-nhin-tu-bv-hoi-suc-covid19-1015890.html