Thái Nguyên đã sẵn sàng cho cuộc bầu cử an toàn, đạt kết quả cao nhất

Người dân tổ dân phố Cổ Rồng, thuộc tổ bầu cử số 1 (thị trấn Đình Cả, Võ Nhai) trang hoàng điểm bỏ phiếu tại Nhà văn hóa.

Qua ba lần hiệp thương, tỉnh Thái Nguyên đã thống nhất lập danh sách 13 người ứng cử ĐBQH khóa XV/7 đại biểu được bầu; 105 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV/66 đại biểu được bầu; 532 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện/319 đại biểu được bầu và 6.748 người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã/4.073 đại biểu được bầu. Toàn tỉnh có 1.444 khu vực bỏ phiếu, tương ứng với 1.444 tổ bầu cử với trên 938.000 cử tri.

Ủy ban Bầu cử tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri cho đại biểu ứng cử thực hiện vận động bầu cử theo quy định. Cùng với tiếp xúc trực tiếp, các ứng cử viên còn tiến hành vận động bầu cử thông qua Diễn đàn ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV trên báo và truyền hình.

Công tác chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử được thực hiện bài bản, đúng quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương; bảo đảm công khai, dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, đúng thời gian, tạo không khí trao đổi thẳng thắn, cởi mở giữa những người ứng cử với cử tri. Để việc chuẩn bị bầu cử được tiến hành chặt chẽ, đúng quy định, công tác kiểm tra, giám sát được triển khai tích cực, hiệu quả; những khó khăn, vướng mắc kịp thời được nắm bắt để chỉ đạo khắc phục.

Ông Phạm Hoàng Sơn (thứ hai, bên trái) kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại xã Động Đạt, huyện Phú Lương

Ông Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Thái Nguyên khẳng định, điểm ấn tượng nhất là chất lượng người được cơ quan, tổ chức, nhân dân giới thiệu tham gia ứng cử. Ngay từ khâu giới thiệu người ứng cử, đến khi lập danh sách đã có những thay đổi mạnh mẽ về chất lượng đại biểu.

Theo báo cáo của Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên, trong danh sách người ứng cử, tỷ lệ về trình độ học hàm, học vị cao của người ứng cử tăng lên. Người ứng cử đại biểu Quốc hội là 13, trong đó tỷ lệ có học vị từ thạc sĩ đến tiến sĩ chiếm 76,9% (5 thạc sĩ, 5 tiến sĩ). Đối với người ứng cử HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 có 105 người, trong đó có trên 57% có trình độ từ thạc sĩ, đến tiến sĩ và phó giáo sư các ngành khoa học, tăng gần 15% so với người ứng cử nhiệm kỳ 2016-2021 và tăng 34% so với cùng thời điểm của nhiệm kỳ 2011-2016. Đặc biệt, có trên 60% người ứng cử đã qua đào tạo cử nhân và cao cấp lý luận chính trị, tăng hơn 10% so với nhiệm kỳ trước và tăng gần 50% so với nhiệm kỳ 2011-2016.

Theo Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Thái Nguyên, qua kết quả tổng hợp bước đầu từ hoạt động vận động bầu cử của các ứng cử viên, phần lớn cử tri đánh giá cao trình độ, năng lực của các ứng cử viên; cho rằng các ứng cử viên cơ bản đều xứng đáng, bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn, có quan điểm, mục tiêu cụ thể, rõ ràng; chương trình hành động của từng ứng cử viên sát thực tế và sở trường công tác, đề cập tới nhiều vấn đề nhân dân quan tâm. Những vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng An ninh quốc gia, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển đảo; quy hoạch và phát triển hạ tầng, nhất là giao thông, đô thị; quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường; an toàn giao thông; phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, khám chữa bệnh; nâng cao đời sống nhân dân…

Tuy nhiên, cử tri cũng cho rằng một số nội dung hành động còn chung chung, thiếu trọng tâm, chưa đưa ra giải pháp cụ thể. Cử tri cũng mong muốn những người trúng cử sẽ thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của người dân, cụ thể hóa bằng hành động chứ không chỉ “hứa suông”, mạnh dạn phản biện, chuyển tải ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của cử tri tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết cũng như sớm cụ thể hóa chương trình hành động, góp phần giải quyết những vấn đề cấp thiết trong xã hội.

Ông Phạm Hoàng Sơn cho biết, do cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo, Ủy ban Bầu cử tỉnh đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Bầu cử, Ủy ban MTTQ các cấp thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Hình thức vận động bầu cử được đa dạng hóa nhằm hạn chế tiếp xúc trực tiếp nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, kịp thời chuyển một số hội nghị tiếp xúc cử tri sang hình thức trực tuyến tại tất cả các địa phương cấp huyện và các đơn vị cấp xã có đủ điều kiện.

Chi đoàn thanh niên xóm Chòi Hồng, xã Tràng Xá (Võ Nhai) đến từng nhà trong xóm tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc tích cực đi bầu cử

Đối với ngày bầu cử 23/5, tỉnh đã xây dựng 5 phương án bỏ phiếu phù hợp với từng tình huống diễn biến của dịch bệnh. Trong đó có các phương án đối với địa điểm bỏ phiếu tại khu vực cách ly tập trung hoặc nơi thực hiện phong tỏa, cách ly xã hội; địa điểm bỏ phiếu có cử tri đang cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú; thực hiện bỏ phiếu tại bệnh viện, cơ sở y tế điều trị cho bệnh nhân nghi ngờ hoặc xác định mắc COVID-19. Cùng với đó, các giải pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh trong ngày bầu cử đã được quán triệt và thực hiện nghiêm túc./.

Nguồn VOV