Tăng học phí đại học - tăng nỗi lo của sinh viên nghèo

Học phí vẫn là nguồn thu chính, chiếm trên 70% tổng thu của các trường đại học. Ảnh: S.T

Nhiều trường tăng học phí

Theo công bố của Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TPHCM) mức học phí năm học 2020-2021, chương trình đại trà là 20 triệu đồng/năm học, chương trình chất lượng cao là 35 triệu đồng, chương trình tiên tiến 40 triệu đồng/năm. Trường cũng công bố lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm đối với chương trình đại trà năm học 2021-2022 là 22 triệu đồng, 2022-2023 là 24 triệu đồng và 2023-2024 là 26 triệu đồng/năm. Trong khi năm học 2019, mức học phí của chương trình đại trà là 18 triệu đồng/năm, chương trình tiên tiến là 35 triệu đồng/năm.

Tương tự, trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM công bố mức học phí dự kiến chương trình đại trà 17,5 - 19,5 triệu đồng/năm (tăng 1 triệu đồng), chất lượng cao tiếng Việt 28 - 30 triệu đồng/năm (tăng 1 - 2 triệu đồng), chất lượng cao tiếng Anh 32 triệu đồng/năm (tăng 2 triệu đồng), chất lượng cao tiếng Việt - Nhật 32 triệu đồng/năm.

Đáng chú ý, ở khối sức khỏe, y dược có mức học phí tăng cao khiến dư luận và phụ huynh, sinh viên vô cùng bất ngờ. Theo đề án tuyển sinh năm học 2020-2021, trường ĐH Y dược TPHCM dự kiến mức học phí dao động từ 30-70 triệu đồng/năm tùy theo ngành, trong khi năm học 2019 là 13 triệu đồng/năm. Cụ thể, ngành răng hàm mặt có mức học phí là 70 triệu đồng, y khoa 68 triệu đồng, kỹ thuật phục hình răng 55 triệu đồng, dược học 50 triệu đồng/năm.

Các ngành cùng có mức học phí 40 triệu đồng/năm gồm: Điều dưỡng, điều dưỡng chuyên ngành hộ sinh, điều dưỡng chuyên ngành gây mê hồi sức, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng. Hai ngành cùng mức học phí 38 triệu đồng/năm là y học dự phòng và y học cổ truyền. Còn ngành y tế công cộng và dinh dưỡng có học phí 30 triệu đồng/năm. Ngoài ra, mức học phí các năm tiếp theo tại ĐH Y dược TPHCM dự kiến mỗi năm tăng thêm 10%.

Khoa Y thuộc ĐH Quốc gia TPHCM vốn có học phí khá cao so với mặt bằng chung các trường công lập đào tạo nhóm ngành sức khỏe trong những năm gần đây. Tuy nhiên, năm học 2020-2021, học phí đào tạo của khoa này tiếp tục tăng so với khóa tuyển sinh 2019. Cụ thể, ngành răng hàm mặt 88 triệu đồng/năm học (tăng 8 triệu đồng), y khoa 60 triệu đồng (tăng 4 triệu đồng) và dược học 55 triệu đồng/năm (tăng 5 triệu đồng)...

Trường ĐH Y dược Cần Thơ công bố học phí khóa năm 2020 theo đề án tự chủ của chương trình đại trà cũng tăng lên 24,6 triệu đồng, trong khi năm 2019 mức học phí của trường là 19,2 triệu đồng/năm.

Không “chặn đường” sinh viên nghèo

Có con chuẩn bị thi vào ĐH trong năm nay, chị Nguyễn Thị Nga, ngụ tại thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương cho biết: “Qua thông tin trên báo đài được biết nhiều trường ĐH tăng học phí trong năm học này tôi vô cùng lo lắng, không biết với thu nhập từ việc bán rau của gia đình có đủ sức để lo học phí 4-5 năm nếu con thi đậu ĐH”.

Em Trần Minh Đức, học sinh trường THPT Hiệp Bình, quận Thủ Đức, TPHCM cho biết, từ lúc biết tin các trường khối y dược tăng học phí em hoang mang lắm. Chắc em phải từ bỏ ước mơ làm bác sĩ. Chỉ còn ít ngày nữa là thi đại học rồi nhưng có lẽ em phải chuyển hướng sang thi trường sư phạm, hoặc tìm trường có học phí không quá cao, phù hợp với điều kiện của gia đình em.

Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), trên toàn thế giới, sinh viên trường y bao giờ cũng phải là những người giỏi nhất, thông minh nhất và tham vọng nhất, đặc biệt là tham vọng trở thành bác sĩ. Tuy nhiên, khi tiền học phí quá cao so với thu nhập bình quân của người dân, học phí sẽ trở thành một tiêu chí chính, nghĩa là số sinh viên giỏi sẽ giảm xuống và số sinh viên có tiền theo học y sẽ tăng lên. Không khó để nhận ra, ở thời điểm hiện tại, lương khởi điểm của bác sĩ chưa đến 4,9 triệu đồng mỗi tháng, trong khi sinh viên học đại học y phải đóng 7,2 triệu đồng. Theo đó, bác sĩ Trần Văn Phúc cho rằng, bác sĩ là một công việc đặc biệt nên tuyển chọn và đào tạo y khoa cũng phải có cơ chế đặc biệt, nếu học phí đào tạo bác sĩ quá cao, chắc chắn chất lượng sinh viên y khoa sẽ giảm và nhiều hệ quả khác nữa.

Trước băn khoăn của nhiều phụ huynh, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Y dược TPHCM cho rằng, chi phí đào tạo cho một nhân viên y tế ở một số ngành rất cao. Trước đây, sinh viên đóng học phí ở mức hơn 13 triệu đồng/năm nhưng có số đó không đủ để đào tạo một nhân viên y khoa. Phần còn lại chi phí đào tạo là từ ngân sách nhà nước thông qua Bộ Y tế cấp bù lại. Tuy nhiên, từ năm 2020, Nhà nước sẽ không cấp ngân sách cho trường nữa, do đó nhà trường phải tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi khẳng định, không bao giờ để một em sinh viên nghèo học giỏi vì mức học phí cao mà không thể học tại trường. Theo đó, trong năm học tới trường ĐH Y dược TPHCM sẽ dành 800 suất học bổng tổng trị giá hơn 15,4 tỷ đồng cho sinh viên trúng tuyển năm 2020. Giá trị mỗi suất học bổng từ 25% đến 100% học phí năm học. Như vậy, sẽ có gần 37% số sinh viên trúng tuyển vào trường năm học 2020 này được nhận học bổng.

Ngoài ra, với sinh viên từ năm thứ hai đến năm cuối, trường sẽ trích 10% khoản thu học phí năm học và vận động các nguồn lực xã hội, mạnh thường quân tài trợ cho quỹ học bổng hỗ trợ sinh viên. Quỹ này sẽ gồm học bổng khuyến học và học bổng vượt khó. Học bổng khuyến học gồm 3 loại giá trị tương đương 50, 75 và 100% học phí năm học. Học bổng vượt khó gồm 4 loại, có giá trị tương đương 25, 50, 75 và 100% học phí.


Nguồn: Báo Hải Quan