Quy định liên quan đến phát tán thông tin xấu về giáo dục; giá sách giáo khoa… được dư luận quan tâm
Hiểu đúng về quy định hạn chế phát tán thông tin xấu về giáo dục
Nội dung quy định tại Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT: "Không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách của pháp luật của nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục” khiến dư luận giành nhiều quan tâm, tranh luận.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, quy định này nhằm hướng học sinh sử dụng mạng xã hội lành mạnh chứ hoàn toàn không phải cấm góp ý, phản biện.
Với việc ban hành Thông tư 06, lần đầu tiên quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục, được thể hiện qua ngôn ngữ, trang phục, hành vi ứng xử của các chủ thể trong cơ sở giáo dục được ban hành chính thức, dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật, hiệu lực thi hành sẽ cao hơn các văn bản chỉ đạo trước đây của Bộ GD&ĐT.
Thông tư sẽ là một thiết chế quan trọng để các nhà trường tăng cường nền nếp, kỷ cương, kỷ luật, xây dựng văn hóa trường học; trong đó xác định vai trò, trách nhiệm, quy định ứng xử cụ thể cho tất cả các chủ thể, nhất là vai trò nêu gương của cán bộ quản lý trường học, giáo viên.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng cho biết: Khi xây dựng quy định này, Bộ GD&ĐT đã rất cân nhắc và tham khảo các luật, quy định có liên quan. Đồng thời, tham khảo những đánh giá, khảo sát khách quan về tác động của việc sử dụng mạng xã hội đối với giới trẻ, trong đó có học sinh.
Mọi người đều biết, khi tham gia mạng xã hội, bên cạnh những thông tin tốt, tích cực, cũng có không ít thông tin xấu, độc hại, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống của thế hệ trẻ. Không ít phụ huynh đã bày tỏ sự lo lắng trước việc không thể quản lý con em mình sử dụng mạng xã hội.
Ví dụ, sự việc một nữ sinh ở Nghệ An tung tin xuyên tạc lên mạng về một nữ sinh khác (cùng trường) có bầu, sau đó một nhóm học sinh đến gặp học sinh tung tin để đánh bạn. Đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ của việc học sinh sử dụng mạng xã hội với mục đích tiêu cực và gây hậu quả nghiêm trọng.
Môi trường giáo dục là môi trường giúp học sinh hình thành nhân cách nên luôn cần những ứng xử chuẩn mực, kể cả ứng xử trên môi trường mạng.
“Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc quán triệt, triển khai tại các địa phương, cơ sở giáo dục để cùng tháo gỡ khó khăn vướng mắc, kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ và lắng nghe ý kiến từ cơ sở.”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh.
NXB Giáo Dục cho biết, chỉ tăng giá đối với SGK in năm 2019 |
Không tăng giá sách giáo khoa in từ năm 2018 về trước
Đây là nội dung Nhà xuất bản Giáo Dục vừa thông tin cùng với kế hoạch triển khai cung ứng sách giáo khoa cho năm học mới 2019-2020.
Theo lãnh đạo Nhà xuất bản (NXB) Giáo Dục, các sách giáo khoa đã in năm 2018 trở về trước vẫn giữ nguyên giá cũ, chỉ tăng giá đối với sách giáo khoa in năm 2019. Tuy nhiên, nội dung sách in mới không thay đổi so với sách in năm trước.
Với tiêu chí cung ứng đủ, kịp thời SGK tại tất cả các tỉnh, thành, NXBGiáo Dục tiếp nhận thông tin và giải quyết phát sinh từ phụ huynh, học sinh qua đường dây nóng hoạt động từ 8h-22h hằng ngày, kéo dài đến ngày 15/9, để phục vụ nhu cầu cung ứng SGK, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, tết.
Để tránh nhầm lẫn và tình trạng ép học sinh mua sách tham khảo kèm SGK, năm nay NXB Giáo Dục in vào bìa 4 mỗi cuốn SGK danh mục SGK của lớp học để phụ huynh, học sinh nắm rõ.
Quy định giảng viên phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm
Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, việc giảng viên phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đã được quy định trong điều 77 Luật Giáo dục. Tuy nhiên vẫn còn giảng viên, trong đó có những người là giáo sư, phó giáo sư nhưng vì nhiều nguyên nhân chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Trước câu hỏi về việc liệu có nên xem xét ưu tiên đối với các giảng viên nhiều năm đã từng giảng dạy, có kinh nghiệm và được sinh viên đánh giá cao, ông Minh nói: “Về nguyên tắc chưa sửa Luật thì chúng ta phải tuân thủ quy định.
Tuy nhiên, ông Minh cũng cho hay, ghi nhận những phản ánh thực tế, Bộ GD&ĐT đang cho rà soát, nếu cần thiết có thể xem xét chỉnh sửa trong Luật Giáo dục (sửa đổi) tới đây.
Hơn 886.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia 2019 |
Kỳ thi THPT quốc gia 2019 và những con số thống kê
Theo thống kê mới nhất của Bộ GD&ĐT, cả nước có hơn 886.000 thí sinh (TS) đăng ký dự thi THPT quốc gia 2019, (giảm gần 40.000 thí sinh so với năm 2018). Trong đó, có hơn 650.000 thí sinh xét tuyển đại học. Như vậy, có 279.001 dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT (chiếm khoảng 27,8%).
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, cả nước có 925.753 thí sinh đăng ký dự thi. Tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ chiếm khoảng 74,3% (năm 2017 là gần 75%). Trong đó, tỷ lệ thí sinh đăng ký chọn bài thi Khoa học xã hội tăng hơn khoảng 5%.
Kỳ thi năm 2019 này, có 468.000 thí sinh đăng ký dự thi bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) chiếm tỉ lệ gần 53% tổng số thí sinh.
Khoảng hơn 300.000 thí sinh đăng ký dự thi bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) chiếm hơn 34% tổng số thí sinh. Như vậy, chỉ có hơn 27.000 thí sinh đăng ký dự thi cả hai bài thi tổ hợp trên.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, diễn ra từ ngày 24/6 đến ngày 27/6/2019.
Nguồn GDTĐ