Phía sau 'vết thương không mảnh đạn'

Ở Trại giam Thủ Đức (Bộ Công an), có một người cán bộ công an rất đặc biệt, anh là Trung tá Nguyễn Quang Ánh - cán bộ y tế Phân trại K3, người hiện đang được công nhận và hưởng chế độ là cán bộ công an bị nhiễm HIV trong khi làm nhiệm vụ. Cách đây 20 năm, khi đang trực tiếp khám và điều trị bệnh cho phạm nhân Bùi Văn Phú nhiễm HIV/AIDS, anh đã bị Phú tự gây chảy máu rồi hất tung tóe lên người và mặt anh. Đến năm 2004, khi vợ chồng anh Ánh sinh con đầu lòng, làm xét nghiệm tại bệnh viện mới biết cả hai vợ chồng đã nhiễm HIV. Nguyên nhân được xác định là do anh bị nhiễm trong quá trình làm nhiệm vụ 3 năm trước đó.

Mặc cảm, hai vợ chồng anh đã tìm đến cái chết. Do sức khỏe yếu, chị đã không qua khỏi, còn anh chỉ chết lâm sàng, sau đó được cứu sống. Sau cú sốc tinh thần đó, anh Ánh đã quyết tâm vượt lên hoàn cảnh để sống cho gia đình và tri ân những người đồng đội luôn bên anh và quan tâm đến anh trong những ngày tưởng như tận cùng của số phận. Cảm động trước tấm lòng và sự hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ công an giữa thời bình, một người phụ nữ dũng cảm là chị Hà Thanh Vy đã quyết tâm cùng anh đi tiếp quãng đời còn lại.

Làm vợ chiến sĩ công an đã quá nhiều thiệt thòi, song hành với một người cán bộ công an có hoàn cảnh “đặc biệt” như anh Nguyễn Quang Ánh cũng có những câu chuyện riêng. Nhân dịp Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, chúng tôi xin được chia sẻ tâm sự của chị Hà Thanh Vy, người phụ nữ đã cùng Trung tá Nguyễn Quang Ánh viết nên câu chuyện cổ tích về tình người, về ý nghĩa của sự bình yên cuộc sống...

Anh Nguyễn Quang Ánh hạnh phúc bên người vợ hiền và con gái.

Ở cái khu tập thể nhỏ bé này, chiều chiều, không khó để tìm thấy cảnh mấy mẹ con ngồi quân quần bên mâm cơm thiếu chồng, thiếu bố. Tiếng các bé nô đùa khanh khách, tiếng mẹ giục con đi học bài... rõ mồn một. Vì mỗi nhà cách nhau chỉ vài bước chân, nhiều nhà còn chung vách. Nhiều khi bên này gọi, bên kia cứ trả lời vì tưởng như gọi mình. Đó là khu tập thể đơn vị Trại giam Thủ Đức cấp cho gia đình cán bộ chiến sĩ ở để tiện công tác.

Gia đình tôi là một trong số đó. Nhớ thời điểm của 9 năm về trước, lúc tôi đến với anh, anh là một cán bộ y tế trại giam mang trong mình căn bệnh HIV vì tai nạn nghề nghiệp. Sống khép mình trong một căn nhà công vụ giữa rừng cao su, ngày vào cơ quan, chiều tối lại “rúc” vào “tổ”. Nhiều năm liền như thế, anh không muốn phiền ai, cũng không muốn đi thêm bước nữa. Mặc cảm mang trong mình căn bệnh thế kỷ nên dù cũng có nhiều người phụ nữ thương quý anh và muốn chia sẻ cùng anh, anh đều thẳng thắn từ chối những tình cảm đó.

Vậy mà không hiểu sao khi chúng tôi gặp lại nhau, anh lại có sự thay đổi và tình cảm đặc biệt. Chúng tôi vốn là bạn học cũ cùng trường y. Khi biết hoàn cảnh của anh, quả thực, trong trái tim tôi đã nhói lên nỗi đau sẻ chia. Từ chỗ bạn bè đồng cảm, dần rồi chúng tôi yêu nhau lúc nào không biết. Anh góa vợ, tôi đứt gánh giữa đường... Như cánh bèo trôi dạt trên dòng nước vướng phải cành cây khô bồng bềnh, chúng tôi bám vào nhau, nương tựa nhau để rồi cùng về chung một nhà.

Lúc đầu, khi biết chúng tôi muốn đến với nhau, gia đình cùng người thân, bạn bè đều can ngăn tôi bởi vì anh là người mang bệnh. Họ lo sợ rồi không biết mai này có giữ được cho nhau và chăm nhau tốt không hay chỉ khổ cả hai. Trong khi tôi còn con nhỏ, anh vẫn còn một cô con gái đang nhờ ông bà nội chăm sóc.

Nhớ đến giai đoạn này, tôi cũng không biết vì sao mình lại vượt qua được khoảng thời gian đầy vất vả và áp lực đó. Chắc có lẽ chính tình yêu và niềm tin. Tin rằng ông trời sẽ không phụ lòng người tốt, tin rằng sẽ có một ngày khoa học sẽ tìm ra loại thuốc đặc trị chữa cho anh khỏi bệnh. Niềm tin ấy đã giúp tôi vượt qua mọi rào cản, định kiến xã hội để đến với anh.

Những lúc trái gió trở trời, sức khỏe yếu thì đồng đội lại đưa anh vào viện. Có những thời điểm một năm mấy lần đi viện, những lúc ấy tôi lại khăn gói lên viện chăm anh. Rồi thì con nhỏ, rồi thì phải chạy tới chạy lui, vậy là... tôi chấp nhận từ bỏ công việc y tá với mức lương kha khá lúc đó tại TP Hồ Chí Minh để ổn định mọi thứ. Tôi nghĩ mình không thể cứ tiếp tục “một chốn bốn nơi” như thế này. Thà rằng về cùng nhau, rau cháo qua ngày rồi cũng xong mà sức khỏe, tâm lý ổn định, con cái được học hành tử tế, anh thì yên tâm công tác.

Nhận thấy được sự chân thành và quyết tâm của chúng tôi nên gia đình hai bên cũng chấp nhận và tác hợp. Ngày về chung nhà, bố chồng gọi chúng tôi lại và bảo: “Thôi thì anh chị đã thương nhau, chúng tôi không có gì ngoài mâm cơm thắp hương báo cáo tổ tiên, tác hợp cho anh chị. Từ giờ cố gắng bảo ban nhau mà sống, chăm sóc cho các cháu. Chúng tôi ở xa, không phải có chuyện gì là đến với anh chị ngay được, lựa nhau mà sống”.

Hiểu được nỗi trăn trở của gia đình, chúng tôi luôn nhủ nhau sẽ cố gắng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Ít nhất là tự lo được cho gia đình nhỏ của mình để bố mẹ già không bận lòng.

May mắn thay, được ban lãnh đạo đơn vị quan tâm, vợ chồng tôi đã được cấp cho một căn nhà tập thể. Vậy là, chúng tôi đã lặng lẽ đi bên nhau cho đến tận bây giờ.

Hằng ngày, Trung tá Nguyễn Quang Ánh bận rộn với công việc khám, chữa bệnh cho phạm nhân.

Thoắt cái đã 9 năm trời. Cũng không thiếu những lần anh ốm vật vã, sốt xình xịch trên giường. Mấy đứa nhỏ cứ thấy bố ốm là sợ. Con bé 6 tuổi mà đã như bà cụ non. Có hôm nó ngồi bên giường, sờ trán hấp nóng của bố, rơm rớm nước mắt bảo: “Bố ơi, bố ráng hết bệnh, bố đừng đi bệnh viện nha bố, nhà mình nghèo lắm, không có tiền đi viện đâu”. Lời con trẻ như cứa vào tâm can, tôi lấy tay gạt vội nước mắt, anh cũng cố vực mình dậy rồi lại tiếp tục lao vào công việc. Trời thương từ đó đến nay, sức khỏe anh đã dần ổn định hơn, chưa phải một lần đi viện nào. Vì vậy mà anh tập trung thời gian cho công việc cơ quan nhiều hơn.

Công việc của anh đặc thù không giống như cán bộ y tế ngoài xã hội. Vì ngoài việc chăm sóc sức khỏe cho phạm nhân thì anh còn kiêm luôn công tác giáo dục, định hướng tư tưởng cho những con người lầm lỡ. Anh vẫn thường nói rằng dù họ là phạm nhân nhưng vẫn có quyền được chữa bệnh và được chăm sóc y tế. Anh cũng có những nỗi trăn trở với nghề mà không phải lúc nào cũng chia sẻ được. Bởi điều kiện trang thiết bị y tế trong trại còn thiếu thốn. Có những trường hợp bệnh nặng không kịp đến viện, hay có trường hợp chỉ còn vài ngày nữa hết án, sắp được tự do thì lại đột quỵ tử vong. Những lúc như thế anh đều rất buồn, nhìn sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, cảm giác có những thứ dường như bất lực...

Nghề thầy thuốc là thế, chuyện bưng chén cơm lên xong đặt xuống chạy đi cấp cứu dường như là chuyện “cơm bữa”. Thời gian đầu, tôi cũng buồn lắm, nhiều lúc cũng giận chồng vì cơm lên mâm đợi mãi không về. Có khi cũng không có một cuộc gọi nào dặn mẹ con đừng đợi. Vậy là mẹ con lại lủi thủi bên nhau hết ngày này qua tháng nọ. Các con cũng quen dần với chuyện bố vắng nhà vì nhiệm vụ. Có khi hàng tháng mới được ăn cơm với vợ con một bữa. Thời gian còn lại là dành hết cho công việc.

Hiểu được sự vất vả của chồng nên ngày tôi mang bầu bé út, không dám phiền chồng. Vậy là, từ chuyện thuốc men khám xét cho con, tôi nói anh không phải bận tâm gì, em tự lo được. Vì thế mà vợ ăn hay uống gì để tẩm bổ cho con, con đã phát triển như thế nào trong bụng... hầu như anh không biết. Hay những đêm con ốm sốt cũng chỉ có một mình vợ, hết đứa bé rồi đứa lớn. Trộm vía, trời thương nên các con cứ hồn nhiên lớn, ngoan ngoãn, tiếp thêm động lực cho tôi chăm sóc gia đình, còn anh thì yên tâm công tác.

Nhờ sức khỏe ổn định, nhờ sự quan tâm của đồng chí, đồng đội mà anh toàn tâm toàn lực cống hiến nhiều hơn cho công việc. Năm 2013, anh được chứng nhận Thầy thuốc trẻ tiêu biểu và là Gương mặt tiêu biểu ngành y tế về sự hy sinh thầm lặng lần thứ 2. Năm 2014, anh được nhận Bằng khen của Bộ Y tế về việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Năm 2015, anh được vinh danh tiên tiến điển hình toàn quốc. Hai năm 2015 và 2017, anh được nhận Bằng khen của Bộ Công an. Năm 2016 anh nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng ba và nhiều năm là Chiến sĩ thi đua cơ sở. Vinh dự và tự hào, nhân kỷ niệm 66 năm Ngày Thầy thuốc vừa qua (27-2), anh đã được nhận danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Tuy anh bị mệt, không thể ra Hà Nội nhận danh hiệu cao quý đó nhưng anh vẫn quyết tâm bám trụ, trực trong trại giam vì đang cao điểm phòng, chống dịch bệnh COVID-19, công việc của người cán bộ y tế nhiều và cấp thiết hơn bao giờ hết.

Có được thành quả đó, anh đã nỗ lực hết mình, đằng sau anh lại luôn có một hậu phương vững chắc, luôn sẻ chia gánh nặng. Thỉnh thoảng điện thoại về nhà, hay có dịp về thăm nhà thì bố chồng đều động viên tôi: “Con cố gắng nhé, nó ốm đau nên sức khỏe, tính tình cũng khác, gái có công thì chồng không phụ”. Như được tiếp thêm động lực, tôi nhủ lòng phải cố gắng thật nhiều hơn nữa vì chồng, vì con và vì những người thương yêu mình.

Biết được hoàn cảnh của chúng tôi, đã có nhiều cá nhân, tổ chức muốn chia sẻ phần nào vật chất, chia sẻ câu chuyện của chúng tôi để lan tỏa đến cộng đồng. Nhưng tôi đều khéo léo từ chối. Bởi xã hội còn rất nhiều hoàn cảnh đáng thương hơn cần sự quan tâm, giúp sức. Phần tôi chỉ muốn các con tôi được lớn lên bình thường, không muốn cuộc sống bị xáo trộn thêm nữa...

Một buổi sinh hoạt thể chất, trò chơi dành cho phạm nhân tại trại giam Thủ Đức.

Tích góp rồi vợ chồng tôi cũng sửa sang lại được căn nhà tập thể khang trang hơn. Năm 2018, vợ chồng tôi đón con gái đầu của anh ở cùng ông bà nội ngoài Bắc vào chăm sóc, phần vì con đã học cuối cấp 2, phần thì sức khỏe ông bà đã già yếu. Tôi cũng muốn đưa con vào để bù đắp cho con, cho con có chị có em. Vậy là từ lúc ấy, căn nhà nhỏ lại có thêm tiếng cười, cũng thêm phần nhộn nhịp. Tôi cũng khéo léo dung hòa được mọi thứ cho các con vui, cho anh không phải bận lòng. Tôi còn là cầu nối cho các mối quan hệ trong gia đình được vững chắc, vợ chồng, bố con, chị em... hiểu nhau và thương nhau nhiều hơn, thông cảm cho nhau.

Làm vợ của chiến sĩ công an là thế, phải tập nhiều thứ lắm: tập tính kiên trì, chịu đựng, mạnh mẽ và nhẫn nhịn nữa. Phải hy sinh nhiều thứ như không có thời gian dành cho bản thân, gác bỏ những sở thích, đam mê riêng để dành thời gian cho gia đình. Có nhiều lúc cũng mệt mỏi tưởng chừng như không thể gượng nổi, không thể tiếp tục. Không phải không có những lúc buồn bực vì suốt ngày chồng chỉ biết đến công việc, cũng không ít lần cãi vã muốn chia tay. Nhưng rồi nhìn anh, nghĩ đến sự hy sinh của anh cho công việc, cho cuộc đời này, thấy các con hồn nhiên quây quần cười nói lại thương...

Có ai đó hỏi tôi sống có hạnh phúc không thì tôi sẽ tươi cười trả lời rằng tôi đang hạnh phúc. Tôi hạnh phúc vì được nhìn thấy con bình an khôn lớn mỗi ngày. Tôi hạnh phúc vì có một người chồng tử tế biết sống hết mình vì công việc, biết cách đối nhân xử thế. Dẫu cho gia đình nhỏ của tôi có chút thiệt thòi vì không được chồng, được bố chia sẻ nhiều. Nhưng anh vẫn thường nói với tôi rằng: “Cho dù chỉ còn một ngày để sống thì anh vẫn phải sống có ý nghĩa”. Nghề này đã chọn anh và anh thấy mình sống có nghĩa hơn thì tôi - mang thân phận nhỏ bé của người vợ cũng sẽ cảm thông, ủng hộ và đồng hành cùng anh.

“Em đừng buồn vì anh không của riêng em
Anh là thế vẫn “bao đồng” nhiều lắm
Nghề hiểm nguy chắc em không hề muốn
Nhưng anh đã chọn nghề, còn em đã chọn anh...”.

Nguồn ANTG