Những nhóm 0 đồng tỏa lòng nhân ái

 Các nhóm thiện nguyện “ruộng rau 0 đồng”, “vận chuyển 0 đồng”, “bếp ăn 0 đồng” đã giúp hàng nghìn người nghèo có cơm ăn để vượt qua đại dịch.

Ruộng rau 0 đồng

Tranh thủ phút nghỉ trưa bên xe rau 0 đồng vừa thu hoạch ở Mễ Trì (Hà Nội), chị Nguyễn Lan Hương, thành viên nhóm “Rau 0 đồng”, trong lúc ăn vội bánh mỳ đem theo khi sáng, vẫn cầm điện thoại trả lời tin nhắn của người dân cần hỗ trợ. Chị Hương cho biết, 1 tấn rau trên xe, chia làm 100 túi là thành quả làm việc từ 5 giờ sáng của nhóm. Xe chở rau vốn là loại 16 chỗ chở khách, nhưng được một thành viên trong nhóm ủng hộ, tháo ghế để vận chuyển rau suốt nửa tháng qua. Ngoài nguồn rau được nông dân ngoại thành Hà Nội (Đồng Mai, Chương Mỹ) tặng miễn phí, nhóm chị Hương còn được tiếp sức từ bà con các tỉnh Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Bắc Ninh, Ninh Bình.

“Người ta sẵn sàng cho rau, nhưng cái khó là làm sao mình có thể vận chuyển, về địa phương thu hoạch trong thời kỳ dịch bệnh, giãn cách. Nông dân cũng không dư dả gì, nhưng họ sẵn sàng tặng miễn phí khi biết nhóm làm thiện nguyện. Lá rách ít đùm lá rách nhiều, với những hộ canh tác còn khó khăn, nhóm sẽ hỗ trợ lại tiền phân đạm cho bà con”, chị Hương kể.

Hằng ngày vào lúc 5 giờ, anh Tùng, trưởng nhóm, bắt đầu đón tình nguyện viên, cùng nhau di chuyển tới ruộng rau để thu hoạch. Nhiều người chưa từng làm nông, cắt rau nhưng sau nửa tháng lăn lộn trên ruộng đồng, tới nay đã thành thạo một phần việc đồng áng. Bàn tay ai cũng sạm đi nhiều, móng gãy, nổi chai rớm máu lúc nào không hay. Rau cắt từ ruộng được các tình nguyện viên phân loại, chia từng túi 10kg và gửi tới những người khó khăn, công nhân kẹt ở thành phố, lao động tự do, sinh viên nghèo, và các bếp ăn 0 đồng, bếp ăn cho tuyến đầu chống dịch…

Ðội xe 0 đồng

Gần 1 tháng qua, đội “Xe 0 đồng” tại Hà Nội với khoảng 50 tài xế là nhân viên văn phòng, giám đốc công ty, chủ quán bia… không kể ngày đêm vận chuyển miễn phí nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế chống dịch cho các đơn vị, đội nhóm thiện nguyện. Anh Lê Tuấn Anh (đội phó đội xe) cho biết, nhóm được thành lập tháng 5/2021, chỉ với vài thành viên quen biết nhau qua một cộng đồng ô tô trên mạng xã hội. “Những chuyến xe chở hàng cứu trợ vào tâm dịch Bắc Ninh, Bắc Giang hồi tháng 5/2021 là hoạt động đầu tiên của nhóm. Tới khi Hà Nội giãn cách xã hội, chúng tôi lại vận động nhau vận chuyển miễn phí hàng từ thiện. Tới nay, đội xe có khoảng 50 anh em hoạt động liên tục, và cả trăm người sẵn sàng hỗ trợ thêm”, anh Tuấn Anh kể.

Nhóm chỉ hỗ trợ lái xe quần áo bảo hộ, khẩu trang, chi phí xét nghiệm, còn xăng xe họ tự lo. “Mình nghe anh em nói chuyện, có người nửa tháng đổ xăng hết 12 triệu đồng cũng xót lắm. Có anh đi Mercedes cũng không nề hà chở rau, xe kinh doanh 16 chỗ thì tháo ghế để chở hàng… tất cả đều đúng tiêu chí 0 đồng, hỗ trợ miễn phí, và chỉ vận chuyển hàng phi thương mại”, anh nói.

Dù không kêu gọi ủng hộ, nhưng nhóm “Xe 0 đồng” vẫn được cộng đồng tiếp sức, từ những người chuyển khoản giấu tên, và tới nay có thêm khoảng 12 triệu đồng bổ sung kinh phí hoạt động. Anh Tuấn Anh dự định dùng số tiền này mua thẻ xăng, dầu cho tài xế trong nhóm. Ngoài vận chuyển hàng hỗ trợ các đơn vị, đội nhóm từ thiện, đội “Xe 0 đồng” còn nhận đề nghị của bà con Bắc Ninh, Bắc Giang, chở nhu yếu phẩm, rau củ tặng Hà Nội.

Bữa cơm 0 đồng

Kể từ ngày đầu tiên Hà Nội giãn cách đến nay, nhóm Cộng đồng Thiện nguyện Triệu trái tim bắt đầu phát cơm miễn phí cho người nghèo ở Thủ đô. Mặc bộ đồ phòng dịch kín mít giữa cái nắng gay gắt của Hà Nội, chị Phạm Thị Trang (SN 1992), Phó nhóm Cộng đồng Thiện nguyện Triệu trái tim, rong ruổi trên chiếc xe máy đi từng ngóc ngách tại Hà Nội để phát cơm miễn phí đến tay người nghèo. “Bản thân em làm nghề spa cũng đang thất nghiệp vì COVID-19 nên hiểu được các trường hợp không thể ra ngoài lao động. Tuy nhiên, em vẫn còn may mắn hơn vì có thể xoay xở giúp các trang bán hàng trên mạng nên tự lo được cho bản thân. Vì vậy, em muốn góp sức với những hoàn cảnh khó khăn hơn”, Trang nói.

Hằng ngày, Trang cùng nhóm dậy sớm đi chợ lựa chọn thực phẩm để đem tới bếp ăn của chủ nhà hàng Hồ Láng (84 Chùa Láng). Mỗi ngày nhóm làm 100 suất cơm để đi phát. “Số người nhắn tin, gọi điện nhờ hỗ trợ nhiều lắm nhưng do kinh phí hạn hẹp nên nhóm chỉ có thể phát từng đó suất. Có những hôm phát vào bữa tối hết suất theo danh sách nhưng gặp phải trường hợp người vô gia cư ngồi vạ vật trên vỉa hè, nhóm lại nhường chính phần cơm của mình cho họ”, Trang nói.

Nhóm Bếp ăn 0 đồng của Hồng Nhung (SN 1990) cho biết, mục tiêu của nhóm hướng đến là người vô gia cư, đặc biệt là người già.

Nhóm trao 200 suất cơm mỗi ngày. Kinh phí của nhóm tự gom góp và nhận thêm sự ủng hộ từ bạn bè qua kêu gọi trên Facebook cá nhân.

Nguồn Tienphong