Những ngành học mới tuyển sinh trong năm 2023
Năm nay, nhiều trường đại học top đầu đồng loạt mở thêm các ngành học mới về kinh tế, quản trị hệ thống, khoa học dữ liễu, ngoại ngữ... thêm cơ hội cho thí sinh.
Năm 2023, trường Đại học Ngoại thương dự kiến tuyển 4.100 chỉ tiêu (tăng 50 thí sinh so với năm 2022). Trường mở hai ngành mới Kinh tế chính trị và Kinh tế chính trị quốc tế.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến mở một số ngành như: Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật sản xuất thông minh, Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh, Ngôn ngữ học.
Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM thông báo bắt đầu tuyển sinh ngành đào tạo Digital Marketing. Chỉ tiêu của ngành này nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến của trường (6.610 chỉ tiêu cho 34 ngành đào tạo).
Nhiều trường đại học mở ngành học mới.
Trong đề án tuyển sinh trình độ đại học hệ chính quy dự kiến năm 2023, trường Đại học Thủy lợi thông báo sẽ mở mới 3 ngành là Ngôn ngữ Hàn, Ngôn ngữ Trung và Luật Kinh tế với chỉ tiêu dự kiến là 40 sinh viên/ngành.
Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM trong giai đoạn hoàn thành hồ sơ mở mới ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. Năm 2023, nhà trường thông báo chính thức tuyển sinh ngành Truyền thông đa phương tiện.
Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM dự kiến mở mới 5 ngành như Công nghệ tài chính, Khoa học dữ liệu, Luật, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Thương mại điện tử.
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến sẽ tuyển sinh ngành mới thành lập là Y dược cổ truyền, trước mắt là đào tạo bác sĩ y dược cổ truyền, chính thức nâng số lượng khoa thuộc trường lên 8 khoa.
Trường Đại học An Giang công bố quyết định mở và xét tuyển sinh ngành đào tạo trình độ đại học hình thức đào tạo chính quy mới - ngành Thú y. Việc mở ngành này nhằm cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng tay nghề thành thạo, có sức khỏe tốt, yêu nghề nghiệp; có khả năng tiếp tục học tập, tham gia học tập ở các bậc học cao hơn trong và ngoài nước.
Theo báo cáo tuyển sinh 2022 của Bộ GD&ĐT, 4/23 ngành, lĩnh vực có tỷ lệ thí sinh nhập học thấp nhất: Khoa học tự nhiên, Khoa học sự sống, Nông lâm nghiệp và thủy sản, Dịch vụ xã hội. Cụ thể, ngành Nông - Lâm nghiệp và Thủy sản tỷ lệ thí sinh trúng tuyển nhưng nhập học thấp nhất với 42,91%, tiếp đến Khoa học sự sống (54,35%), Khoa học tự nhiên (58,28%), Dịch vụ xã hội (58,91%).
4 ngành/lĩnh vực đào tạo có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển và nhập học thấp nhất năm 2022.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường cần nghiên cứu kỹ nhu cầu của thí sinh và thị trường lao động trước khi mở ngành học. Nhiều trường nếu không nhận biết kịp xu hướng này và điều chỉnh kịp thời, phù hợp trong chiến lược phát triển, đổi mới ngành đào tạo thì không thu hút được thí sinh vào trường. Ngược lại, một số trường nôn nóng mở ngành mới khi chưa phân tích, dự báo tốt yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu của người học cũng thất bại trong tuyển sinh các ngành mới.
Nguồn: vtc.vn