'Những mảnh lụa' đã bắt đầu 'bay'

Các sáng tác của 7 họa sĩ như: Trần Két, Ngô Nhật Thanh, Nguyễn Cẩm Nhung, Hoàng Việt Hương, Rin Vương, Trịnh Hoài Thu, Kim Thị Hải Linh bắt đầu đi sâu khai thác vào những vấn đề trăn trở của mỗi cá nhân, bên cạnh việc trau dồi các kỹ thuật vẽ tranh lụa. Đó là điểm nổi bật trong các tác phẩm trưng bày và khác với cách sáng tác của các họa sĩ lớp trước.

Thay vì những chân dung thiếu nữ kiêu sa, đài các được miêu tả trên thớ lụa óng ả, các họa sĩ trẻ đã phá cách. Ở đó xuất hiện nhiều đề tài mang tính xã hội và họ đang chứng tỏ, lụa không bó buộc người họa sĩ trong những đề tài mang tính khuôn mẫu mà có thể tự do bộc lộ quan điểm và cảm xúc cá nhân.

Các sáng tác đi vào thể hiện các vấn đề của xã hội

Trưng bày này giống như một lần “mở xưởng” giới thiệu tới người xem những thực hành nghề nghiệp của sinh viên chuyên ngành lụa khoa Hội họa trường Đại học Mỹ thuật Việt nam. Và phần lớn các sáng tác đều xoay quanh thể loại chân dung, đồ vật và con người. Chung thể loại là thế nhưng phong cách và lối khai thác của mỗi họa sĩ khác nhau, đã tạo nên một phòng tranh lụa sinh động và đa sắc màu. Lụa vẫn giữ được dáng vẻ mỏng manh nhưng quyết liệt, mạnh mẽ trong bút pháp.

Có cùng chủ đề: chân dung, đồ vật và con người nhưng phòng tranh lại là một vườn hoa nhiều sắc màu

Họa sĩ-nhà nhiếp ảnh Nguyễn Thế Sơn, giảng viên hướng dẫn nhận xét, những người tổ chức muốn tạo ra sân chơi dành cho các em sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tại triển lãm, một số tác phẩm đã tìm được chủ sở hữu. Đó không chỉ là niềm vui của các họa sĩ mà còn là niềm hạnh phúc của "những người chèo đò". Và rõ ràng, lụa đang nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ chính đội ngũ sáng tác, cụ thể là các họa sĩ trẻ.

Cũng theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, triển lãm còn nhằm nuôi dưỡng tình yêu nghề nghiệp và chất liệu tranh lụa truyền thống của thế hệ họa sỹ trẻ, giúp họ tự tin tạo lập một lối đi độc đáo riêng trong hành trình sáng tạo hết sức khắc nghiệt nhưng cũng đầy sự đam mê của nghệ thuật. Đồng thời tạo ra nguồn động lực, giúp các nghệ sĩ dấn thân nhiều hơn, khai phá các ngôn ngữ, chất liệu mới.

Một bức tĩnh vật trên chất liệu lụa

Triển lãm diễn ra từ nay đến hết ngày 1-3 tại Agohub, số 12 Hòa Mã, Hà Nội. Dự kiến, năm 2021, một triển lãm chuyên đề về lụa sẽ tiếp tục được tổ chức. Lần này, lụa sẽ không đứng độc lập một mình mà sẽ kết hợp với các loại hình nghệ thuật khác như: nhiếp ảnh, sắp đặt để tạo nên một phòng tranh hấp dẫn với khán giả.


Nguồn: Báo ANTĐ