Nhiều trường điểm chuẩn thấp vẫn không tuyển được thí sinh

Theo đó, hầu hết các trường, ngành tốp giữa và trên đều tăng, nhiều trường công bố điểm chuẩn tới 26-27 điểm thì một số trường top dưới, phần nhiều là các trường đại học địa phương vẫn lấy dưới 15 điểm, lượng thí sinh trúng tuyển thưa thớt.

Theo điểm chuẩn bậc đại học dựa vào điểm thi THPT quốc gia của Trường ĐH Phú Yên công bố, ngoại trừ các ngành sư phạm có điểm bằng sàn theo quy định (18 điểm), các ngành còn lại đều có điểm chuẩn 14. Mặc dù điểm thấp như vậy nhưng chỉ có 76 thí sinh trúng tuyển đợt 1 bằng xét tuyển điểm thi THPT quốc gia. Số thí sinh trúng tuyển ở nhiều ngành đếm chưa đủ đầu ngón tay.

Chẳng hạn, ngành sư phạm tiếng Anh có 3 thí sinh trúng tuyển, sư phạm toán có 2 thí sinh trúng tuyển, sư phạm lịch sử chỉ có 1 thí sinh trúng tuyển. Thậm chí rất nhiều ngành không có thí sinh nào trúng tuyển như sư phạm tin học, sư phạm hóa học, sư phạm sinh học, sư phạm ngữ văn, sư phạm lịch sử, hóa học, sinh học, vật lý học, văn học.

Theo danh sách trúng tuyển do trường này công bố, chỉ có 75 thí sinh trúng tuyển vào 8 ngành giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, sư phạm toán, sư phạm lịch sử, sư phạm tiếng Anh, Việt Nam học, công nghệ thông tin, ngôn ngữ Anh trong khi trường tuyển sinh ĐH đến 16 ngành.

Trường ĐH Hà Tĩnh, ngoài các ngành sư phạm, các ngành còn lại đều có điểm chuẩn 13,5. Trường ĐH Bạc Liêu lấy điểm chuẩn 14 cho tất cả các ngành.

Đại học Đồng Nai tuy điểm chuẩn các ngành không quá thấp (từ 15-18), song nhiều ngành không tuyển được thí sinh như Sư phạm Vật lý, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Lịch sử, Quản lý đất đai.

Cũng tại Đồng Nai, Đại học Lạc Hồng có ba mức điểm chuẩn cho 22 ngành đào tạo. Mức 20 điểm cho ngành Dược học (dược sĩ đại học). Mức 18 điểm cho ngành Công nghệ Sinh học.

Mức 14 điểm cho các ngành còn lại: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị kinh doanh (Quản trị nhà hàng khách sạn, Quản trị doanh nghiệp), Kế toán - Kiểm toán, Đông phương học, Ngôn ngữ Anh, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Công nghệ kỹ thuật ôtô, Luật kinh tế, Kinh tế - Ngoại thương, Tài chính - Ngân hàng, Ngôn ngữ Trung Quốc, Việt Nam học, Công nghệ kỹ thuật hóa học, Khoa học môi trường, Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: Tuổi trẻ

Đại học Thành Đô (Hà Nội) tuyển sinh 11 ngành. Trong đó, chỉ có ngành Dược học lấy 20 điểm, thấp hơn 1 điểm so với năm 2018. Các ngành còn lại đồng loạt lấy 14,5, bằng mức năm ngoái.

Báo Tuổi trẻ dẫn lời TS Nguyễn Thị Kim Phụng , Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) đánh giá, mặt bằng điểm trúng tuyển của hầu hết các trường năm nay đều tăng nhẹ so với năm trước.

Độ chênh về điểm chuẩn giữa các nhóm trường thể hiện chính sách chất lượng của từng trường và sự phân khúc chất lượng của mỗi nhóm trường trong toàn hệ thống. Điều đó cũng phản ánh uy tín của các trường.

Nhìn chung, điểm trúng tuyển thấp phản ánh chất lượng đầu vào thấp. Tuy nhiên, cũng phải phân tích nguyên nhân và phân loại các trường có điểm trúng tuyển thấp để có cách xử lý phù hợp.

Có những trường như khối lâm nghiệp, nông nghiệp, thủy lợi… ngay cả những trường đầu ngành vẫn buộc phải xác định điểm trúng tuyển thấp hơn mặt bằng chung vì xã cho là không hấp dẫn.

Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát quá trình tổ chức đào tạo của các trường này để buộc họ phải nỗ lực nâng cao chất lượng trong dạy và học, đạt chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Vừa qua, Bộ đã thanh tra một số trường và sắp tới sẽ đẩy mạnh hơn hoạt động thanh, kiểm tra, tập trung vào những trường xác định điểm trúng tuyển thấp và các trường có dấu hiệu thực hiện vượt chỉ tiêu tuyển sinh.


Nguồn: Báo Đất Việt