Nhiều người Trung Quốc than thở vì không thể truy cập Google Translate
Ứng dụng Google Translate không còn khả dụng ở Trung Quốc, đánh dấu sự rút lui mới nhất của gã khổng lồ công nghệ Mỹ khỏi thị trường internet lớn nhất thế giới. Nhiều người ở Trung Quốc than thở vì điều này.
Google Translate, một trong số ít các dịch vụ tiêu dùng còn lại mà gã khổng lồ công nghệ Mỹ cung cấp ở Trung Quốc, không còn truy cập được ở quốc gia này.
Động thái trên đánh dấu lần rút lui mới nhất của Google khỏi Trung Quốc, thị trường internet lớn nhất thế giới.
Google Translate đã không thể truy cập được với người dùng Trung Quốc kể từ ngày 1.10.2022. Người dùng được chuyển hướng đến một thanh tìm kiếm chung, với thông báo đề nghị đánh dấu (bookmark) trang web Hồng Kông của dịch vụ, song trang này cũng không thể truy cập được ở Trung Quốc.
Người dùng ở Trung Quốc được chuyển hướng đến trang này khi truy cập Google Translate
Chức năng dịch tích hợp trên trình duyệt Google Chrome cũng không khả dụng ở Trung Quốc, theo nhiều bài đăng của người dùng trên mạng xã hội.
Lần đầu tiên trang TechCrunch báo cáo động thái ngừng dịch vụ của Google Translate ở Trung Quốc.
Người phát ngôn của Google nói với TechCrunch rằng công ty đã ngừng cung cấp Google Translate ở Trung Quốc “do lượng sử dụng thấp”. Sự thật có phải vậy dù ở Trung Quốc, việc sử dụng Google Translate là một phần nhỏ so với dịch vụ của những gã khổng lồ công nghệ trong nước như Baidu và Alibaba?
Theo trang SCPM, trong khi một số hãng công nghệ Trung Quốc cung cấp các dịch vụ dịch thuật, Google Translate cũng có một lượng người dùng nhất định ở nước này.
Vào tháng 8, trang web Google Translate của Trung Quốc đã ghi nhận 53,5 triệu lượt truy cập từ người dùng máy tính để bàn và thiết bị di động kết hợp, theo dữ liệu trên nền tảng phân tích web Similarweb.
Động thái ngừng hoạt động của Google Translate ở Trung Quốc phản ánh lịch sử phức tạp của công ty Mỹ với chính phủ nước này
Google tuyên bố rút khỏi Trung Quốc vào tháng 1.2010, với lý do các cuộc tấn công mạng có chủ đích xuất phát từ nước này và cuộc đụng độ với Bắc Kinh về việc thắt chặt kiểm soát phát ngôn trực tuyến. Chính phủ Trung Quốc sau đó đã chặn các dịch vụ của Google.
Song vào tháng 3.2017, Google Translate đã được giới thiệu trở lại tại Trung Quốc sau 7 năm vắng bóng mà không có nhiều sự phô trương. Sự tái xuất của Google tại Trung Quốc được nhiều người đồn đoán vào năm trước.
Trên mạng xã hội Trung Quốc cuối tuần qua, nhiều người than thở về việc không truy cập Google Translate được nữa.
"Bạn không thể sử dụng cái này và bạn cũng không thể dùng cái kia, khi phải đọc tài liệu nước ngoài hàng ngày. Bây giờ tôi không biết phải làm gì", một người viết trên trang web hỏi đáp Zhihu của Trung Quốc.
Thực hiện một số nỗ lực để khôi phục sự hiện diện của mình ở Trung Quốc, Google đã và đang điều hành các hoạt động khiêm tốn bên ngoài hoạt động kinh doanh công cụ tìm kiếm cốt lõi của mình. Chúng bao gồm các dịch vụ dành cho nhà phát triển, hỗ trợ các công ty Trung Quốc quảng cáo trực tuyến ở nước ngoài và ứng dụng quản lý lưu trữ Files Go.
Vào tháng 7.2018, Google đã tung ra một mini game ngay lập tức trở nên phổ biến trên siêu ứng dụng WeChat của Tencent Holdings. Tháng trước đó, Google đã đầu tư 550 triệu USD vào JD.com - nhà sản xuất thương mại điện tử Trung Quốc.
Hồi tháng 12.2018, Giám đốc điều hành Google - Sundar Pichai nói với một hội đồng Quốc hội Mỹ rằng công ty “không có kế hoạch” khởi chạy lại công cụ tìm kiếm ở Trung Quốc dù đang tiếp tục nghiên cứu ý tưởng này.
Điều đó đã dập tắt suy đoán, vốn đã rộ lên vào tháng 8.2018, rằng Google đã lên kế hoạch tung ra một phiên bản công cụ tìm kiếm được kiểm duyệt của mình ở Trung Quốc, sẽ đưa các trang web vào danh sách đen về nhân quyền, dân chủ, tôn giáo và các vấn đề khác mà chính phủ nước này coi là nhạy cảm.
Theo trang The Intercept, kế hoạch đó đã bị đổ bể sau các cuộc xung đột trong Google do nhóm bảo mật của công ty dẫn đầu .
Vào năm 2020, sau khi Trung Quốc ban hành luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông cho phép chính quyền địa phương mở rộng quyền giám sát đáng kể, Google cho biết sẽ không trực tiếp trả lời các yêu cầu dữ liệu từ cơ quan thực thi pháp luật Hồng Kông và thay vào đó sẽ yêu cầu họ thông qua cơ quan pháp lý chung hiệp ước hỗ trợ với Mỹ.
Nguồn: 1thegioi.vn