Nhà giáo Nga nhiều duyên nợ với nền mỹ thuật Việt Nam

Vợ và con gái họa sỹ Alexei Kuznetsov tiếp phóng viên TTXVN. (Ảnh:Hồng Quân/Vietnam+)

Nhân chuyến công tác đến cố đô Saint-Petersburg, phóng viên TTXVN tại Nga đã ghé thăm gia đình cố họa sỹ công huân Nga Alexei Kuznetsov (1916-1993), Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Quốc gia St. Petersburg.

Ông đã tham gia giảng dạy Khóa 1 và Khóa 2 tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội trong giai đoạn 1960-1962.

Với phương pháp sư phạm khoa học, bài bản, ông đã giúp cho sinh viên tiếp thu nhanh các nguyên tắc cơ bản về cấu trúc tác phẩm, bố cục và kỹ thuật vẽ sơn dầu.

Sau này, nhiều họa sỹ Việt Nam là học trò của thầy A.Kuznetsov đã thành danh và được trao tặng nhiều Giải thưởng Nhà nước. Nhà sư phạm Alexei Kuznetsov vinh dự được trao danh hiệu "Giáo sư Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội."

Tiếp đón chúng tôi niềm nở và thân tình với những món bánh tự làm và hoa quả tự tay hái, chị Olga Cheskidova, con gái của cố họa sỹ Alexei Kuznetsov, đã cùng chúng tôi ôn lại những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời, sự nghiệp của cố họa sỹ, những năm tháng ông còn công tác ở Việt Nam, đặc biệt là về cơ hội được gặp và vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chị Olga Cheskidova kể lại: “Trong thời gian hơn 2 năm công tác ở Việt Nam, cha tôi đã vẽ hàng trăm bức tranh và tham gia triển lãm tranh ở Hà Nội. Có rất nhiều học trò Việt Nam đã tiếp thu phong cách vẽ tranh của ông. Cha tôi dường như đã 'phải lòng' phong cảnh thiên nhiên Việt Nam nên ông vẽ khá nhiều về đề tài này. Đặc biệt, cha tôi có kể về một số cuộc gặp với Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phủ Chủ tịch, trong một khu vườn ngoài trời rất đẹp với nhiều cây xoài và ao cá. Theo ông, Hồ Chí Minh sống rất khiêm tốn, giản dị và nhân văn. Cha tôi nói tiếng Pháp thông thạo nên ông đã có những cuộc nói chuyện khá lâu với Hồ Chí Minh. Ông vẫn nhớ Bác Hồ có vầng trán rộng và đôi mắt tinh anh, khó có thể miêu tả hết vào bức tranh,” Chị Olga xúc động nói. “Một vị Chủ tịch nước mà sao giản dị đến ngạc nhiên, chỉ một căn nhà nhỏ đơn sơ!”

Chân dung Bác Hồ ngồi làm việc. (Ảnh: Hồng Quân/Vietnam+)

Nói về kỷ vật mà họa sỹ A. Kuznetsov được Hồ Chủ tịch tặng, chị Olga Cheskidova chia sẻ: “Tôi được biết hồi đó Hồ Chí Minh ngồi bên chiếc bàn làm việc nhỏ trong khuôn viên Phủ Chủ tịch, trong khi cha tôi thực hành vẽ chân dung Người. Sau khi hoàn thành bức tranh, Hồ Chí Minh đã tặng lại cho người họa sỹ Xô viết chiếc bàn đó làm kỷ niệm và cha tôi đã mang về nước... Sau này, cha tôi thi thoảng cũng mời các họa sỹ đồng nghiệp đến chơi, ngồi uống trà và trò chuyện bên bộ bàn ghế mang về từ Việt Nam.”

Chị Olga cho biết họa sỹ A. Kuznetsov thường kể cho đồng nghiệp của mình nghe về những kỷ niệm xung quanh bộ bàn ghế được làm chủ yếu từ chất liệu tre, trúc này. Trong những năm qua, gia đình chị vẫn giữ những kỷ vật này một cách cẩn thận, bởi chiếc bàn tuy giản đơn nhưng trong đó chứa đựng cả một câu chuyện dài và đã toát lên một nhân cách lớn ở Hồ Chủ tịch “hay mọi người thường gọi là Bác Hồ,” chị Olga bổ sung.

Với lòng tôn kính Bác Hồ, chị Olga đã cố gắng chép lại hai bức tranh sơn dầu chân dung Hồ Chí Minh do chính cha mình vẽ 60 năm trước để lưu giữ tại gia đình, sau khi một bức tranh gốc đã được gia đình chị nhượng quyền sở hữu cho Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh hồi năm ngoái, bức tranh gốc còn lại cùng bộ bàn ghế bằng tre cũng được nhượng lại cho một nhà sưu tập người Việt đang sinh sống tại Nga.

Chị chia sẻ: “Cha tôi đã vẽ và để lại Việt Nam nhiều bức tranh phong cảnh, ký họa và một số bức chân dung, trong đó có chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông chỉ mang về Nga hai bức chân dung Hồ Chí Minh. Một bức đã được đưa trở lại Việt Nam và đang được lưu giữ ở Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi đã quyết định chép lại các bức chân dung Hồ Chí Minh, bởi vì cha tôi đánh giá rất cao không chỉ các bức tranh này mà còn hết sức coi trọng cuộc gặp gỡ với Hồ Chí Minh, coi đó như là một kỷ niệm không bao giờ quên.”

Lưu bút của học viên Việt Nam. (Ảnh: Hồng Quân/Vietnam+)

Ngoài rất nhiều tranh phong cảnh về chủ đề đất nước, con người Việt Nam, trong gia đình cố họa sỹ công huân Nga A. Kuznetsov còn lưu giữ những ấn phẩm, tư liệu liên quan cuộc đời sự nghiệp của chính họa sỹ giai đoạn công tác tại Việt Nam, các bức ký họa cùng một số tờ báo phát hành vào đầu những năm 1960 bằng cả tiếng Việt và tiếng Nga có liên quan đến đời sống văn hóa-nghệ thuật ở Việt Nam thời kỳ đó.

Có cả những món đồ lưu niệm và bằng khen mà cố họa sỹ được trao tặng như bản sao Huy chương hữu nghị do Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng chuyên gia Liên Xô Alexei Kuznetsov vì “sự tận tình anh em cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.”

Nổi lên trong những kỷ vật là cuốn sổ lưu bút được ông sử dụng trong thời gian công tác tại Việt Nam. Lật giở từng trang lưu bút mới thấy được tình cảm và sự kính trọng của những người học trò Việt Nam đối với người thầy Xô viết.

Những dòng lưu bút đầy cảm động và chân thành được viết ra từ trái tim, bằng cả tiếng Việt và tiếng Nga, xen kẽ là những bức ảnh đen trắng nhỏ xíu mà những học viên muốn gửi gắm đến người thầy tận tâm và giản dị.

Kỷ vật của họa sỹ Alexei Kuznetsov. (Ảnh: Hồng Quân/Vietnam+)

Cuốn sổ được cố họa sỹ A. Kuznetsov và sau này là gia đình họa sỹ lưu giữ cẩn thận. “Các học trò Việt Nam yêu quý Alexei Kuznetsov, ngược lại cha tôi cũng dành cho họ những tình cảm nồng ấm, ông lưu giữ những dòng lưu bút cùng những bức ảnh về họ...

Dưới mái trường Xô viết, cha tôi được dạy là phải cống hiến tất cả nhưng không được đòi hỏi sự đền đáp, vì thế mà ông đã dành hết sức lực và kiến thức của mình cho các thế hệ học trò, không đòi hỏi điều gì cả.

Với tư cách là Hiệu trưởng (Đại học Mỹ thuật Quốc gia St. Petersburg), cha tôi được (Nhà nước) dành cho một số ưu đãi, nhưng ông cũng không tiện dùng đến. Sự giản dị là điều hết sức gần gũi với tâm hồn và lối sống của nhà sư phạm Alexei Kuznetsov,” Chị Olga Cheskidova tự hào kể về cha mình.

(Ảnh: Hồng Quân/Vietnam+)


Nguồn: Báo VietnamPlus