Người nghệ sĩ trọn gánh hai vai

Ngay từ năm 1959, khi 16 tuổi, Trần Khánh Chương đã là học sinh khóa đầu tiên, Khoa Gốm của Trường trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Năm 1963, ông khởi nghiệp với công việc sáng tác mẫu đồ sứ ở Nhà máy Sứ Hải Dương rồi thực tập sinh nghệ thuật đồ sứ tại Hồ Nam, Trung Quốc; sau đó tốt nghiệp tại chức Khoa Hội họa, Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội. Sau thời gian tham gia quân đội (1975 - 1977), ông làm công tác nghiên cứu và giảng dạy tại Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Thế nhưng, dường như Trần Khánh Chương sinh ra là để làm công tác hội rồi mới đến hoạt động nghiên cứu và sáng tác. Năm 1984, ông bắt đầu đảm nhận cương vị Chánh Văn phòng Hội Mỹ thuật Việt Nam; năm 1994, là Phó Tổng thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa 4. Từ năm 1999 đến năm 2019, ông là Bí thư Đảng đoàn rồi Bí thư Đảng bộ - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam. Hoạt động xã hội của ông khá rộng với các vai trò: Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Đảng đoàn rồi Phó Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - nghệ thuật Việt Nam; đại biểu Quốc hội khóa XI; Ủy viên Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương; tham gia Ban Chấp hành Hội giao lưu Việt - Nhật, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam…

Trần Khánh Chương tổ chức, quản lý, điều hành hoạt động của hội nghề nghiệp thuận dòng. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn; ông học hỏi từ cuộc sống xã hội và đồng nghiệp. Các triển lãm mỹ thuật khu vực được tổ chức hằng năm trong 24 năm qua là những đóng góp quan trọng của họa sĩ Trần Khánh Chương khi rút ngắn khoảng cách vùng, miền, nghệ thuật của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Ông là người sắc sảo và quyết đoán, mềm mại và khôn ngoan trong các giải pháp tình thế để trụ vững khi hoạt động của hội đối diện những áp lực vô hình của kinh tế thị trường và hội nhập trong thế giới phẳng. Ông nhanh nhạy để cảm nhận chuẩn xác sự thay đổi quyết liệt về quan niệm và khuynh hướng sáng tác của các nghệ sĩ trẻ. Ông tìm cho mình con mắt mới và tập cách nghĩ khác, nghe khác, nhìn khác để kịp hòa điệu vào sự sôi động tự tin và đáng yêu của những cuộc “cách mạng mi-ni” về thẩm mỹ và nghệ thuật trong thời kỳ hậu đổi mới của mỹ thuật đương đại Việt Nam. Bởi vậy, mặt bằng mỹ thuật cả nước là sự thừa nhận vai trò và những tác động xã hội tích cực của hội nghề nghiệp mà ông là một thủ lĩnh năng động.

Trọn gánh hai vai, hoạt động nghiên cứu và sáng tác của Trần Khánh Chương cũng là cả một gia tài nghệ thuật đáng nể. Bốn cuốn sách nghiên cứu Gốm Việt Nam và một tuyển tập đầy đặn các tác phẩm Hội họa và Đồ họa về một đời làm nghề của ông đã được ra mắt. Ông còn dang dở 3.200 trang bản thảo cho bốn cuốn sách sắp xuất bản. Ông từng đoạt các giải thưởng về đồ họa và hội họa; có tác phẩm được lưu giữ ở các bảo tàng, bộ sưu tập tư nhân; tham gia các cuộc giao lưu nghệ thuật Đông - Tây, triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm trong nước và nước ngoài… Tất cả hoạt động và thành tích từ nhiều thập kỷ qua là sự ghi nhận những cống hiến thầm lặng của ông cho diện mạo đẹp đẽ của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam. Họa sĩ Trần Khánh Chương từng được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng, trong đó có Giải thưởng Nhà nước về Văn học - nghệ thuật đợt 2, năm 2007 cho các tác phẩm tiêu biểu: Bộ tranh Những cánh diều, Đồ chơi bột, Ngũ quả - khắc thạch cao (1983); tranh Ngày vui Giải phóng - khắc thạch cao (1986); Bộ sách Gốm Việt Nam (hai tập: Gốm Việt Nam từ Đất nung đến Sứ và Gốm Việt Nam, 2001).

Từ đầu năm 2019, họa sĩ Trần Khánh Chương đột ngột lâm bệnh hiểm nghèo. Nhẹ lòng về cõi bên kia, ông ra đi lúc 17 giờ 29 phút ngày 19-4 (tức ngày 27 tháng 3 năm Canh Tý); để lại sự trống vắng, nhớ tiếc khôn nguôi cho gia đình và bạn bè đồng nghiệp nhiều thế hệ của giới văn học nghệ thuật nước nhà.

Họa sĩ LƯƠNG XUÂN ĐOÀN Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam


Nguồn: Báo Nhân Dân