Người 'giữ lửa' cho nghệ thuật dân gian ở Phú Thọ

Chị Nguyễn Thị Hạnh (đứng giữa) luôn tâm huyết, miệt mài cống hiến cho nghệ thuật dân gian Phú Thọ

Có trực tiếp gặp, nghe câu chuyện kể về việc khôi phục, gìn giữ giá trị di sản văn hóa của cha ông để lại, chúng ta mới càng thêm yêu quý, trân trọng về sự tâm huyết và những đóng góp của các nghệ nhân, nghệ sỹ cho nghệ thuật trình diễn dân gian. Đào nương Nguyễn Thị Hạnh là một trong những truyền nhân của cố nghệ nhân hát ca Trù Phạm Thị Bang ở thôn Trinh Nữ, xã Bình Bộ, huyện Phù Ninh. Hiện nay chị là Phó rạp trưởng Rạp chiếu phim Hòa Phong, đồng thời là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca Trù Lạc Hồng, thành phố Việt Trì.

Năm 2008 tỉnh Phú Thọ vinh dự cùng 14 tỉnh, thành trong cả nước được ghi danh có nghệ thuật hát ca Trù, chị Hạnh được cử tham gia Cuộc thi hát ca Trù toàn quốc lần thứ 2 tổ chức tại tỉnh Hưng Yên và cuộc thi năm đó chị đạt giải B với ca khúc “Đào hồng, đào tuyết”. Năm 2018, chị giành giải B tại Liên hoan ca Trù toàn quốc với tiết mục Tỳ bà hành. Chị Hạnh đến với nghệ thuật dân gian truyền thống tình cờ như cơ duyên và nhờ vào tình yêu với nghệ thuật từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Cứ thế qua thời gian, như một lẽ tự nhiên, nghệ thuật hát “cửa đình” mà cụ thể là hát Xoan và hát ca Trù ngấm vào tâm hồn chị, trở thành mạch nguồn dạt dào tuôn chảy, thôi thúc chị Hạnh không ngừng học hỏi trau dồi môn nghệ thuật này. Để rồi, không những thể hiện được nhuần nhuyễn, xuất thần tất cả làn điệu dân gian, từ thể cách chủ đạo, phổ biến như hát nói, cho đến thể cách phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao nhất như thét nhạc trong ca Trù. Không chỉ làm “giàu” cho bản thân bằng vốn kiến thức phong phú của nghệ thuật hát ca trù, hát Xoan mà chính tình yêu với nghệ thuật dân gian đã thôi thúc chị phải làm tốt công tác truyền dạy nghề cho những người có chung niềm đam mê.

Chị Hạnh chia sẻ: “Cùng với việc “truyền lửa” nhiệt huyết cho những người yêu thích tự nguyện đến với nghệ thuật dân gian, tôi vẫn sắp xếp thời gian để tham gia cùng với các CLB văn nghệ và xây dựng chương trình, sáng tạo những tiết mục văn nghệ mới có giá trị thiết thực phục vụ tới công chúng nhằm góp một phần nhỏ bé xây dựng quê hương phát triển, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian quý giá của ông cha xưa”.

Hát “cửa đình” là một loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo, vừa mang đậm tính dân gian lại vừa rất uyên bác cả trong âm nhạc lẫn lời ca. Trong bối cảnh hiện nay, loại hình nghệ thuật hát “cửa đình” vẫn còn rất kén người nghe và khá khó khăn khi hòa nhập với đời sống đương đại. Số người biết hát chỉ đếm trên đầu ngón tay, lớp trẻ lại không mấy mặn mà với loại hình nghệ thuật này. Vì vậy, điều mà chị Hạnh vẫn luôn trăn trở là làm thế nào để bảo tồn, gìn giữ, phát huy được di sản, giá trị tốt đẹp mà cha ông để lại. Đau đáu, trăn trở, chị Hạnh cùng với những nghệ nhân dân gian của tỉnh đã mở nhiều lớp truyền dạy nghệ thuật trong đó có ca Trù và hát Xoan Phú Thọ. Chị Hạnh chia sẻ, các bậc tiền nhân hay những người như các chị, theo thời gian cũng sẽ già đi. Vì vậy, việc trao truyền cho con cháu môn nghệ thuật truyền thống do cha ông để lại thực sự rất cần thiết. Với tinh thần tự nguyện và hơn ai hết, chị hiểu rằng, chỉ có niềm đam mê mới giúp vượt qua mọi khó khăn để có thời gian cống hiến cho bộ môn nghệ thuật này. Bằng tình yêu, nỗ lực cống hiến, chị Hạnh hy vọng sẽ ngày càng có thêm nhiều người yêu mến, tìm hiểu về với loại hình nghệ thuật dân gian hơn nữa để cùng chị gắn bó và gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của Đất Tổ.

Lời tâm sự của chị Nguyễn Thị Hạnh cũng là nỗi lòng của biết bao nghệ nhân khác. Họ đã yêu, sống và làm tất cả những gì có thể để gìn giữ, bảo tồn, phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian. Chính họ là những người đã, đang và sẽ góp một phần quan trọng tạo nên sắc thái văn hóa của vùng Trung du Đất Tổ. Ông Nguyễn Quốc Giới - Chủ nhiệm CLB ca Trù Lạc Hồng cho biết: Đào nương Nguyễn Thị Hạnh là một trong những cánh chim đầu đàn của CLB, là người có năng khiếu, hát được nhiều thể cách khác nhau. Chị có nhiều đóng góp cho CLB ca Trù của tỉnh. Những nỗ lực này nhằm tiếp tục khôi phục, giữ gìn và phát triển những giá trị đặc sắc về phong tục tập quán tốt đẹp, lề lối sinh hoạt văn hóa, đồng thời nâng cao nhận thức, lòng tự hào về việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Với đam mê và nhiệt huyết các nghệ nhân và truyền nhân hát dân gian, trong đó có chị Nguyễn Thị Hạnh vẫn tiếp tục cố gắng đưa nghệ thuật ca Trù, hát Xoan vào trong đời sống của nhân dân. Cũng chính bằng trái tim ấy, họ đang ngày ngày lặng lẽ đi ươm hạt, nảy mầm, đi truyền lửa, thắp sáng lên ngọn lửa tình yêu đối với nghệ thuật dân gian trong trái tim của nhiều người, đặc biệt đối với thế hệ trẻ hôm nay để bảo tồn, phát triển một loại hình nghệ thuật dân tộc từ ngàn xưa để lại…


Nguồn: VTC