Người đàn ông cả đời mê đắm với nhạc cụ truyền thống của dân tộc
Từ những chuyến đi xuyên rừng Trường Sơn thời trai trẻ, người đàn ông ấy bị mê đắm bởi những âm sắc độc đáo mà nảy ra ý tưởng khám phá nhạc cụ truyền thống của các dân tộc trên dải đất hình chữ S. Suốt 60 năm miệt mài nghiên cứu, ông xây dựng một “bảo tàng” biểu diễn sống động để góp phần lan tỏa tình yêu với nhạc cụ truyền thống.
Bá Phổ nhạc đường - “Bảo tàng” nhạc cụ độc đáo
Một nhạc đường ăm ắp tình yêu âm nhạc nằm nép mình trên đường Ngụy Như Kon Tum, mang những thanh âm trong trẻo, xua tan đi những bộn bề giữa lòng Hà Nội. Một nhạc đường là nơi chắt chiu dịu ngọt của tình yêu gia đình qua những thăng trầm, nơi nuôi dưỡng và truyền lửa đam mê cho thế hệ sau. Đó chính là Bá Phổ nhạc đường, cả một đời tâm huyết của gia đình nhạc sĩ Bá Phổ.
Bá Phổ nhạc đường trở thành không gian văn hóa nhạc cụ truyền thống Việt Nam đầu tiên tại Hà Nội. Đây sẽ là tiền đề cho việc xây dựng các không gian văn hóa nhạc cụ truyền thống ở nhiều nơi khác trên cả nước. Nghệ sĩ Bá Phổ năm nay đã bước sang tuổi 80, vẫn đau đáu nghiên cứu, bảo tồn và phát huy vốn văn hóa dân tộc, nhạc cụ cổ truyền Việt Nam: “Tôi gây dựng nên không gian văn hóa nhạc cụ truyền thống nhằm khơi gợi tình yêu và lòng tự hào dân tộc trong cộng đồng để cùng nhau xây dựng và phát triển đất nước. Thông qua không gian văn hóa nhạc cụ truyền thống, tôi muốn giới thiệu với bạn bè quốc tế về một nền văn hóa có truyền thống lâu đời của Việt Nam, để Việt Nam trở thành một điểm đến tham khảo lý tưởng của những nhà quản lý, nghiên cứu, sáng tác và biểu diễn về nhạc cụ truyền thống Việt Nam”.
Quả không ngoa khi có người đã nhận định rằng: “Nếu muốn tìm hiểu văn hóa Việt Nam, không cần phải đi những đâu mà chỉ cần đến Bá Phổ nhạc đường”. Hàng trăm nhạc cụ được ông bày biện, sắp xếp hài hòa, có hệ thống, rất thuận tiện cho công việc mà ông theo đuổi. Khách ghé đến Bá Phổ nhạc đường có thể chiêm ngưỡng hàng trăm loại nhạc cụ truyền thống của các dân tộc trên mọi miền đất nước, là thành quả trong suốt những chuyến đi dọc thanh xuân của nhạc sĩ Bá Phổ.
Ở người đàn ông 80 tuổi ấy, dường như chỉ có mái đầu bạc mới là dấu hiệu của cái tuổi tác hiện hữu, còn không mấy ai có thể đoán tuổi thực qua đôi mắt vẫn còn tinh anh, giọng nói hào sảng, và sự minh mẫn khi nhắc về niềm đam mê âm nhạc của ông. Ông ngồi trên ghế, với dáng vẻ rất ư khoan nhã, ung dung, tự tại, nhắc về những năm tháng bắt đầu bén duyên và hành trình say mê tìm kiếm nhạc cụ truyền thống.
Niềm đam mê âm nhạc của nghệ sĩ Bá Phổ đã có từ thuở thơ ấu, “người bạn” đầu tiên của ông là chiếc đàn măng-đô-lin, sau khi giành giải thưởng tại một liên hoan âm nhạc ở Phú Thọ hồi 8 tuổi; nhưng ông chỉ thực sự bén duyên với nhạc cụ truyền thống vào giai đoạn sau này. Trở thành diễn viên của nhà hát ca múa nhạc dân tộc, nghệ sĩ Bá Phổ vẫn chưa chịu “an phận”, ông rời nhà hát đi đây đi đó, tìm kiếm những thanh âm giữa đất trời. Cũng có lúc, được bạn bè tặng cho một nhạc cụ nào đấy, như lần được nhạc sĩ Trần Vinh tặng hai chiếc tiêu nứa, một chiếc tiêu gỗ khiến ông rất vui. Ông vui vì có người cảm thông, chia sẻ với mình vì trên thực tế, đam mê mà ông đang theo đuổi mang đến giá trị cho cả dân tộc nhưng dường như lại chỉ là “tự lực cánh sinh”.
Nếu ai một lần “tận mục sở thị” nơi đây, hẳn sẽ nhận thấy được sự khéo léo, tài hoa của con người nghệ sĩ trong ông. Hàng trăm nhạc cụ truyền thống được ông bày biện, sắp xếp hài hòa, có hệ thống, rất thuận tiện cho công việc mà ông theo đuổi.Nhắc đến những năm tháng “mòn gót” trên hành trình tiếp cận và thu thập nhạc cụ, người nghệ sĩ ở tuổi 80 như vẫn còn vẹn nguyên sự rạo rực một thời: “Đi dọc con đường Trường Sơn, tôi tiếp xúc với các vùng dân tộc thiểu số, tôi mới phát hiện có những nhạc cụ thật độc đáo. Mỗi dân tộc có những loại nhạc cụ truyền thống mang bản sắc riêng, với 54 dân tộc anh em, chúng ta có kho tàng nhạc cụ rất phong phú. Tôi nhận thấy mình cần đi sâu tìm hiểu cần khai thác nhạc cụ truyền thống”. Những nhạc cụ ấy mới chỉ giống như một bức tượng, có xác mà chưa có hồn. Thêm vào đó, các tài liệu, sổ sách của các nhà nghiên cứu tuy được viết rất công phu nhưng nếu đọc cũng chỉ biết được ở một mức độ nào đó chứ không được trực tiếp thưởng thức. Chính từ đó tôi mới nảy ra ý tưởng: Tại sao mình không thành lập một nhạc đường để mọi người có thể trông thấy tất cả những nhạc cụ quý giá từ các đời trước?”, ông chậm rãi, nheo mắt khi nhắc đến một phần lý tưởng.
“Hổ phụ sinh hổ tử”
Để có được những thành quả trong cuộc đời, sự nghiệp, nghệ sĩ Bá Phổ không quên nhắc đến bàn tay vun vén của người bạn đời, nghệ sĩ Mai Liên. Người vợ hiền vừa là người chu toàn việc gia đình, vừa giúp ông minh họa các bài giảng cũng như thực hành các nhạc cụ do ông tái chế. Mai Liên vốn là một giai nhân xứ Thanh, trước đây là học viên trường Nhạc (Nhạc viện Hà Nội bây giờ). Thời điểm các học viên của trường Nhạc làm báo cáo tốt nghiệp, nghệ sĩ Bá Phổ được mời tham dự.
Ngay từ lần đầu tiên “chạm trán”, thiếu nữ xứ Thanh với vẻ đẹp trong sáng giản dị cùng niềm đam mê nghệ thuật đã làm ông “say lòng”, khiến ông ra tay giúp đỡ rất nhiều trên bước đường đến với nghệ thuật và tình yêu cứ thế nảy nở. Nhắc đến mối lương duyên với người vợ tào khang, nghệ sĩ Bá Phổ lại bật cười hóm hỉnh: “Tôi với Mai Liên không là bén duyên nam nữ mà còn là bén “tình” qua âm nhạc. Chúng tôi đến với nhau thực sự vì sức sống âm nhạc và vì tâm hồn đồng điệu cần những khúc thăng hoa”.
Ông chậm rãi nhấp một ngụm trà rồi nheo mắt suy tư, có lẽ, theo một quy luật, từ trước đến nay, bất kể ai sinh ra trong “cái nôi” có nguồn gene, thì sẽ đều đắm chìm trong hơi thở, sự tiếp xúc từ nhỏ mang đến một tài năng không hề thua kém bậc sinh thành, là một thần đồng âm nhạc từ thuở thiếu thời. Nghệ sĩ Bá Phổ vẫn luôn tự hào khi nhắc đến cậu con trai duy nhất của mình, nghệ sĩ Bá Nha.
Ông kể: “Bá Nha từ nhỏ đã có thiên hướng về âm nhạc, hồi 11 tháng tuổi đã đứng vào cây đàn Trưng mà tò mò khám phá. Có lẽ đó là định mệnh! Bá Nha tiếp cận với âm nhạc dân tộc từ trong bụng mẹ. Lên 4 tuổi, chàng trai nhỏ đã tự tin đi diễn cùng gia đình. Các cháu nội của tôi có lẽ cũng “thấm” tình yêu từ bố, từ ông bà, nên mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng đã rất yêu thích nhạc cụ truyền thống”. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, bố mẹ đều là những nghệ sĩ gạo cội của nhà hát ca múa Trung ương, hiện, nghệ sĩ Bá Nha đang là người gìn giữ ngọn lửa gia đình. “Bên cạnh trách nhiệm của một người con, còn có trách nhiệm một nghệ sĩ và người học trò, chuyên tâm nghiên cứu và biểu diễn nhạc cụ dân tộc”, thần đồng âm nhạc ngày nào chia sẻ.
Trong khi một bộ phận các bạn trẻ chưa thực sự mến mộ âm nhạc và nhạc cụ truyền thống, chàng nghệ sĩ Bá Nha với mái tóc bồng bềnh cho rằng: “Trong cuộc sống âm nhạc hiện nay, chúng ta phải tìm ra thật nhiều những cái mới mẻ, hỗ trợ sự phát triển âm nhạc truyền thống. Tôi có thể vận dụng những kiến thức của nhạc mới như Pop, Jazz, cổ điển vào các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam. Ví dụ, tôi đã sử dụng các nhạc cụ truyền thống chơi những bản nhạc Jazz, Pop ballad từ cách đây 20 năm”.
“Bố tôi cất công xây dựng Bá Phổ nhạc đường với mong muốn truyền tải những thông điệp: Xây dựng một nơi để toàn bộ xã hội công chúng chiêm ngưỡng và hiểu biết về những kho tàng mà chúng ta đã có. Bên cạnh đó, có những tình yêu nhất định đối với việc bảo tồn và gìn giữ những nét văn hóa cổ truyền nói chung và với nhạc cụ nói riêng. Mọi người đều biết lịch sử mấy ngàn năm, rất nhiều nhạc cụ phong phú, nếu không gìn giữ có thể bị mai một, rất lãng phí”, chàng nghệ sĩ hơn 40 tuổi giãi bày.
Nghệ sĩ Bá Nha cũng có những nhắn nhủ chân thành đến những người đồng nghiệp có trái tim đồng điệu: “Giới trẻ hiện nay không hề quay lưng với nhạc cụ dân tộc mà do những người làm về nghệ thuật đã thực sự biết cách làm hay chưa và mang lại giá trị như thế nào? Cuộc sống hiện đại, công nghệ cao, muốn để giới trẻ quan tâm đến, người nghệ sĩ phải làm việc nghiêm túc, đánh giá đúng mọi vấn đề để đưa ra một cách đúng đắn, chắc chắn khán giả sẽ đón nhận”. Hiện nay, mỗi đêm biểu diễn nhạc cụ truyền thống tại Bá Phổ nhạc đường trở thành “điểm hẹn” của hàng trăm trái tim và tâm hồn mến mộ, du khách nước ngoài cũng không khỏi tò mò và yêu thích không gian cũng như những giai điệu nơi đây.
Nguồn: Báo ĐS&PL