'Ngược đường' giữ lửa làng nghề

Các bạn trẻ cùng nghệ nhân làng thêu Quất Động bên khung thêu truyền thống

Nỗ lực để làm nghề

Căn gác nhỏ trên phố Hàng Thùng, Hà Nội lâu nay được biết đến như điểm hẹn yêu thích của các bạn trẻ yêu nghệ thuật thêu truyền thống. Nhớ lại những ngày thông báo sẽ nghỉ việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam để khởi nghiệp với thêu, chị Mai Lan, chủ nhân nơi đây, đã nhận được nhiều lời khuyên can từ người thân, bạn bè. Bởi chính ở quê chị, nghề thêu đã không còn mấy người gắn bó.

Chị chia sẻ: “Làng Quất Động sở hữu kho báu chính là những bàn tay vàng của nghệ nhân. Song tiếc thay, sản phẩm làm ra không đến được với người tiêu dùng, đơn đặt hàng ít đi, người làng tôi đành ngậm ngùi xếp lại khung thêu tìm đường mưu sinh. Quan niệm Nhà nước mới có thể cứu làng nghề, chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, phải tìm được hướng ra cho sản phẩm, tái tạo sản xuất”. Vì thế, Tú Thị, cái tên giản dị của một cửa hiệu có sản phẩm từ làng nghề thêu truyền thống Quất Động ra đời và trở thành địa chỉ quen thuộc của những khách hàng thích sự nhẹ nhàng, thanh lịch, sang trọng với những sản phẩm đa dạng như khăn, áo, túi, các đồ trang trí, lưu niệm, tranh lụa, áo dài…

Cũng từng được cho là “tự làm khó” bản thân, chàng trai 9X Nguyễn Đức Lộc và các bạn trẻ của Ỷ Vân Hiên chọn phục dựng trang phục truyền thống để lập nghiệp. Được đào tạo chuyên ngành về quay phim, rồi cũng có mấy năm làm truyền hình, Nguyễn Đức Lộc đột ngột rẽ lối, chuyển sang một đường đi khó: Phục dựng áo dài truyền thống, phục dựng những vốn cổ của người Hà Nội xưa. Quyết định khởi nghiệp bằng việc nghiên cứu, phục dựng trang phục truyền thống, các nghi lễ trong cung đình và dân gian khiến có lúc Lộc bị coi là “dở người”. Đầu năm 2018, Nguyễn Đức Lộc “trình làng” Công ty Ỷ Vân Hiên với bao dự định sau một quá trình tham gia nhiều hội nhóm với những người trẻ cùng chí hướng.

Hiện thực hóa đam mê

Ỷ Vân Hiên của Lộc nằm trên tầng 2 ngôi nhà cổ trên phố Hàng Buồm, một trong những con phố rất Hà Nội. Để biến ước mơ thành hiện thực, Nguyễn Đức Lộc đã dày công mời các nhà nghiên cứu, học giả uy tín cố vấn chuyên môn cho mình như học giả Trần Quang Đức, tác giả công trình nghiên cứu Ngàn năm áo mũ; nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Việt Nam Nguyễn Mạnh Đức; nhà nghiên cứu, phục chế trang sức cổ Vũ Kim Lộc…

Cũng chính nhờ sự cố vấn ấy, nhóm của Nguyễn Đức Lộc đã tìm kiếm, phối hợp làm việc với các nghệ nhân của các làng nghề sản xuất những sản phẩm truyền thống Việt Nam như: hài, quạt, gối xếp… từ các nguyên liệu tại La Khê, Vạn Phúc, Mã Châu, lãnh Mỹ A… Tới nay, những bộ sưu tập áo dài truyền thống, áo giao lĩnh, hài, gối, guốc, quạt mang dấu ấn văn hóa dân tộc đã lần lượt được định hình.

Không dừng lại ở đó, các bạn trẻ còn tham vọng tìm hiểu và phục dựng các nghi lễ trong cung đình và dân gian, tái hiện kết quả nghiên cứu, phục dựng qua nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, văn học và trình diễn. Xa hơn nữa, họ có thể cung cấp các sản phẩm văn hóa truyền thống cho thị trường trong và ngoài nước, tư vấn về lĩnh vực văn hóa. “Sắp tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu tiếp để cho ra mắt nhiều kiểu trang phục cách tân không chỉ lấy cảm hứng từ triều Nguyễn mà còn ở nhiều triều đại khác ở Việt Nam như thời Lê. Giờ đây, những người yêu thích cổ phục có thể mặc những trang phục được cách tân từ trang phục truyền thống để đi chơi, du lịch hoặc dự tiệc”, Nguyễn Đức Lộc chia sẻ.

Tại thời điểm này, mỗi sản phẩm của Tú Thị không chỉ là sự tỉ mỉ, khéo léo của những thợ thêu lành nghề làng thêu Quất Động mà còn là câu chuyện đằng sau những họa tiết. Đó có thể là những kỷ niệm về tình yêu, về những miền ký ức được góp nhặt trong cuộc sống, để mỗi người khi dùng sản phẩm thêu tay đều thấy bóng dáng kỷ niệm của chính mình. Những mẫu áo thêu Tú Thị đã xuất hiện trong nhiều triển lãm, quảng bá du lịch Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Song mừng hơn nữa, căn nhà nhỏ gác 2 phố Hàng Thùng ấy còn là nơi nuôi dưỡng tình yêu của các nghệ nhân làng thêu. Cứ mỗi cuối tuần, tại đây, nghệ nhân của làng Quất Động sẽ tổ chức một buổi nói chuyện, hướng dẫn từ cách chọn màu, chia chỉ, cầm kim dành cho các bạn trẻ và du khách. Không gian nho nhỏ, người tham dự cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng nhìn những gương mặt trẻ say sưa bên khung thêu, thì làng nghề vẫn còn có hy vọng.


Nguồn: Báo SGGP