Nghệ nhân Hà Nội gấp rút chế tác 2.022 tượng hổ có 1-0-2 đón năm Nhâm Dần

Các bức tượng, phù điêu hình tượng hổ được làm từ gỗ mít, đá ong phủ sơn mài. Hình tượng hổ trong ca dao hay các câu chuyện dân gian được khai thác, đưa vào bộ sưu tập, tạo hình gần gũi, đáng yêu và giàu giá trị sử dụng.

Chào đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nghệ nhân Hà thành Nguyễn Tấn Phát đã cho ra mắt bộ sưu tập 2.022 con hổ.

“Hàng ngàn tác phẩm độc bản tôi tự tay chế tác sẽ mang lại cho người xem góc nhìn thưởng lãm thú vị, không bị nhàm chám. Bản thân tôi là một nghệ sĩ sáng tạo, tôi muốn tôn vinh sự sáng tạo của người Việt, tránh sự nhàm chán rập khuôn khi các sản phẩm thị trường hiện giờ được sản xuất công nghiệp rất khô khan. Giá trị cốt lõi của nghề thủ công truyền thống đất Thăng Long xưa cần được tôn vinh và phát huy”, anh Phát chia sẻ.

Các bức tượng, phù điêu hình tượng hổ được làm từ gỗ mít, đá ong phủ sơn mài. Với các chất liệu mộc mạc này, anh Phát đã lột tả được tinh thần của tác phẩm. Đây là những vật liệu rất dễ tìm kiếm. Khi sử dụng chất liệu bản địa, anh Phát muốn thể hiện tài nguyên của Việt Nam vô cùng phong phú, nghệ nhân có nhiều cơ hội để sáng tạo.

“Tôi đã có ý tưởng thực hiện bộ sưu tập này từ 2 năm trước. Cách đây 2 tháng, tôi bắt đầu hoàn thiện những tác phẩm đầu tiên, đến giờ đã hoàn thiện hơn 500 tác phẩm. Dự kiến bộ sưu tập sẽ hoàn thành và được triển lãm vào dịp 30/4/2022. Thực hiện bộ sưu tập khổng lồ này là một thử thách lớn, đòi hỏi rất nhiều tâm và tài lực, song điều khó khăn nhất của tôi là sáng tác ra được 2.022 tạo tác hổ hùng dũng mà vẫn gần gũi thân thiện, hài hòa khi phối hợp với nội thất trong căn nhà của người Việt. Thay đổi tư duy về hổ, tôi gắn lên mình hổ các câu chuyện tích cực, tạo cho các tác phẩm nhiều công năng sử dụng như ghế ngồi, hộp, khay, lọ hoa...”, anh Phát kể về quá trình sáng tạo bộ sưu tập độc đáo của mình.

2.022 bức tượng hổ được làm từ gỗ mít, đá ong là chất liệu bản địa tại miền trung du Sơn Tây, kết hợp với nghệ thuật sơn mài thuần Việt, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát mong muốn mang lại món ăn tinh thần độc đáo cho người thưởng lãm trước thềm Tết Nhâm Dần.

Trong các tác phẩm có bộ ghế ngũ hổ khiến anh Phát mất nhiều thời gian nhất. Bộ ghế gồm 5 chiếc với 5 màu sắc tượng trưng cho Ngũ hành: vàng - Thổ, đỏ - Hỏa, xanh - Mộc, đen - Thủy, trắng - Kim. Bộ ghế rất kì công do kích thước rất lớn và được tạo dáng công phu. Mỗi chiếc rộng 1,2m, dài 1,5m, nặng 60kg phải. Việc sơn mài khảm trứng trên mỗi tác phẩm cũng mất rất nhiều chi phí.

Các câu chuyện, ca dao, văn hóa dân gian được đưa vào seri Hổ, các hình tượng kiến trúc mang đặc trưng Việt Nam được sử dụng rất nhiều. Mỗi chú hổ sẽ được "mặc" nhiều "lớp áo". Vì được làm thủ công hoàn toàn nên đường nét, hoa văn, màu sắc, kích thước và thần thái của các chú hổ không giống nhau. Lớp sơn quét xong cần có thời gian phơi khô trước khi thêm lớp khác hoặc làm công đoạn tiếp theo. Sau khi được quét lớp sơn mài, các sản phẩm tiếp tục được khảm vỏ trứng trang trí hoặc khảm vỏ trai.

Mong muốn thay đổi khái niệm về hổ là sự hung tợn, anh Phát đã tạo hình rất gần gũi đáng yêu, mỗi tác phẩm không chỉ là vật trưng bày mà còn có cả công năng sử dụng phù hợp với kích cỡ, hình dáng. Có bức tượng là chiếc hộp, có bức tượng lại lọ hoa, bàn trà, chiếc ghế.... Với các công năng thân thiện như vậy, hình ảnh hổ vẫn mạnh mẽ nhưng lại rất gần gũi, thân quen.

Để làm ra bộ sưu tập này, anh Phát mất rất nhiều thời gian và công sức.

Nhằm đưa đến người xem một sự thích thú và hiểu nhiều hơn về các tác phẩm, dịp 30/4 tới đây, anh Phát dự kiến sẽ mở một cuộc triển lãm 2.022 tác phẩm này.

c

Bộ sưu tập còn là kết quả tương tác trải nghiệm của chính tác giả với cảm nhận của người xem qua từng công đoạn làm ra một tác phẩm. Không chỉ được xem tác giả làm trực tiếp từng công đoạn từ điêu khắc đến sơn mài, người xem có thể tham gia cùng làm với nghệ nhân.

Nguồn: https://infonet.vietnamnet.vn/doi-song/nhip-song/nghe-nhan-ha-thanh-sang-tao-bo-suu-tap-2-022-tuong-ho-doc-ban-chao-nam-nham-dan-402176.html