Muốn chơi nhạc phải học luật

Khi nhạc Việt vẫn hô hào ước nguyện "vươn tầm thế giới" hay "nhạc Việt ngày càng rút ngắn khoảng cách với sự vận hành của âm nhạc thế giới" nhưng bao nỗ lực sẽ đổ sông, đổ biển nếu chỉ cần một trường hợp bị phát hiện "xài chùa" sáng tạo của người khác.

Trước nghi vấn ca khúc "Chúng ta của hiện tại" đạo nhái beat, tài khoản YouTube GC đưa ra bình luận được tạm dịch như sau: "Clip đã được rút về rồi. Nhà sản xuất thừa nhận anh ấy đã sao chép tác phẩm của tôi. Kiếm tiền từ công việc của người khác. Chúng tôi không làm điều đó ở phương Tây...".

Sơn Tùng M-TP trong MV “Chúng ta của hiện tại”

Chưa hết, một ca khúc cũ của Sơn Tùng M-TP là "Có chắc yêu là đây" cũng vừa bị mang ra "mổ xẻ" khi giống với một tác phẩm nước ngoài từng ra mắt vào cuối năm 2019. Cụ thể, ở phần bình luận của beat "Lucky" do Robin Wesley thực hiện, rất đông khán giả Việt Nam đã bình luận, thông báo với chủ nhân của beat nhạc này nên xem qua MV "Có chắc yêu là đây" vì 2 ca khúc có nét tương đồng.

Sau khi xem qua những ý kiến trên kênh YouTube của mình, Robin Wesley đã có phản hồi với sự bất ngờ: "Nó được lấy từ beat của tôi. Cảm ơn vì đã chỉ ra điều này". Không dừng lại ở đó, kênh YouTube Robin Wesley còn đăng tải một đoạn video đặt tiêu đề tên MV của Sơn Tùng M-TP, đi kèm là icon thể hiện sự coi thường. Bên dưới là beat nhạc "Lucky" được cho là đã bị "xài lại".

Robin Wesley hiện là một nhà sản xuất âm nhạc tại Hà Lan. Robin Wesley đã bán hơn 15.000 bản nhạc nền cho nhiều nghệ sĩ toàn cầu. Theo giới thiệu từ website Robin Wesley, anh đã từng hợp tác với các hãng lớn như Universal, Alantic Records và Red Bull Music. Một số sản phẩm của anh xuất hiện trong các chương trình trên Netflix, HBO, TLC và MTV.

"Thị trường beat nhạc hoạt động rất sôi nổi và chẳng có gì lạ khi một beat nhạc được bán cho nhiều đơn vị. Từ một beat nhạc, mỗi người sẽ có những sáng tạo của riêng mình để tạo nên những sản phẩm mang dấu ấn cá nhân" - nhạc sĩ Dương Khắc Linh chia sẻ. Ở đâu cũng có luật riêng và thị trường nhạc beat cũng không ngoại lệ. "Thích chơi nhạc thì phải học luật", giới chuyên môn nhận định. Tức là khi muốn sở hữu trí tuệ của người khác, chúng ta phải trả tiền. Giống như việc ăn một tô phở thì phải mua.

Thị trường nhạc Việt đôi lần trở nên hỗn loạn vì những quy kết đạo nhái. Nhưng sự đạo nhái ấy ngày càng tinh vi hơn khi độ giống dừng lại ở những đoạn beat. Tận dụng kẽ hở thị trường nhạc beat khá náo nhiệt và khó kiểm soát, nhiều người đã xài chùa nhạc beat của người khác, chủ yếu từ nhạc Âu Mỹ và K-pop.

Một số nhạc sĩ đã đứng ra thừa nhận việc mua beat trực tiếp từ tác giả nước ngoài và "chỉnh sửa" chút ít để tạo thành tác phẩm riêng. Thế nhưng, vẫn còn những người sẵn sàng ăn cắp beat nhạc trắng trợn để viết nên ca khúc gắn với tên tuổi bản thân. Chưa tính đến yếu tố đạo đức của những người sản xuất âm nhạc, việc vay mượn beat của người khác mà quên "xin phép" chính là lý do khiến cho nhạc Việt bị yếu thế trong mắt người khác. Và nếu cứ như thế, đến bao giờ nhạc Việt mới thực hiện được giấc mơ của mình?

Nguồn Người Lao Động