Một tháng mất 1.200 tỷ đồng: Âm mưu ông trùm, mua bất chấp, không sợ lỗ
Bất chấp thị trường chứng khoán (TTCK) giảm mạnh, hàng loạt các đại gia ngoại vẫn đang tiếp tục đổ tiền vào các cổ phiếu Việt. Sau thương vụ bỏ 5 tỷ USD thâu tóm Sabeco rồi chứng kiến túi tiền bốc hơi 30% sau một thời gian ngắn, một đại gia Thái khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Trong vòng chưa tới 2 tháng, cổ phiếu BMP của Nhựa Bình Minh bốc hơi gần 50%, từ sát 100 ngàn đồng/cp xuống gần 50 ngàn đồng/cp trước sự ngỡ ngàng của nhiều nhà đầu tư.
BMP giảm giá đã khiến tổng giá trị cổ phiếu mà đại gia ngành nhựa Thái Lan The Nawaplastic (thuộc Tập đoàn SCG) sụt giảm tương ứng, mất tổng cộng hơn 1 ngàn tỷ đồng.
Trước đó, hồi đầu tháng 3/2018, The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd. Của Thái Lan đã trở thành nhà đầu tư duy nhất trúng giá trong đợt chào bán cạnh tranh hơn 24 triệu cổ phần Nhựa Bình Minh của Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) với giá 96.500 đồng/cổ phiếu.
The Nawaplastic Industries đã rót tổng cộng hơn 2.300 tỷ đồng cho thương vụ nói trên.
Tính tới thời điểm hiện tại, tổng giá trị của 24 triệu cổ phiếu BMP mà The Nawaplastic vừa mua chỉ còn khoảng 1.200 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu BMP giảm mạnh được cho là chịu ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giảm mạnh của TTCK Việt Nam trong thời gian gần đây. Riêng trong tháng 4, chỉ số VN-Index giảm gần 11%, mức giảm theo tháng mạnh nhất kể từ năm 2011, từ mức 1.200 điểm xuống còn 1.050 điểm như hiện tại. Trước đó, VN-Index đã tăng 7 tháng liên tiếp.
BMP giảm còn do trong năm 2016 đã tăng mạnh với kỳ vọng SCIC thoái vốn và cổ đông lớn The Nawaplastic tiếp tục mua vào như đã xảy ra trong tháng 3 vừa qua. Trong năm 2016, BMP đã tăng từ 50.000 đồng/cp lên 110.000 đồng/cp.
BMP gần đây giảm còn do thương vụ ngàn tỷ của The Nawaplastic đã kết thúc. Đại gia Thái vẫn tiếp tục đăng ký mua nốt phần cổ phiếu còn lại của các nhà đầu tư Việt nhưng không cần mua bằng mọi giá mà cứ từ từ thâu tóm nốt.
BMP là doanh nghiệp nhựa đầu ngành Việt Nam. Đây là một thương hiệu Việt nổi tiếng chỉ sau một số cái tên như Vinamilk,... Lợi nhuận của BMP rất cao, trong nhiều năm gần đây đều duy trì được mức: 1 vốn 1 lãi, với EPS khoảng 10.000 đồng.
Thời gian gần đây, The Nawaplastic liên tục đăng ký mua vào cổ phiếu BMP và đến giữa tháng 4/2018, đại gia Thái đã sở hữu trên 50% vốn BMP. Trong đại hội cổ đông vừa qua, cổ đông Thái bước đầu đã đưa người vào HĐQT BMP.
Trước đó, đại gia ThaiBev đã chi 5 tỷ USD thâu tóm hơn 53% cổ phần Sabeco và đưa 3 thành viên vào HĐQT trong đó có 1 vị trí chủ tịch.
Gần đây, dòng vốn ngoại liên tiếp đổ vào các doanh nghiệp Việt, tập trung vào các doanh nghiệp đầu ngành. Nhiều thương vụ hàng trăm triệu USD đã được thực hiện, trong đó đối tượng gồm các ngân hàng như Techcombank, VPBank, HDBank…
Trên TTCK, áp lực giảm giá vẫn còn khá lớn. Nguyên nhân là bởi áp lực chốt lời gia tăng sau một thời gian tăng vọt năm 2017 và quý 1/2018. Chỉ số P/E của TTCK có thời điểm lên tới 22 lần.
Mặc dù P/E nhưng TTCK được dự báo chưa có dấu hiệu xấu bởi triển vọng kinh tế vẫn khá sáng sủa, xuất khẩu và dự trữ ngoại hối tăng mạnh. Theo Forbes, những tín hiệu này là tích cực đối với một nền kinh tế như Việt Nam.
Dòng vốn ngoại có thể sẽ tiếp tục vào TTCK Việt. Gần đây, nhiều doanh nghiệp tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đạm Phú Mỹ và Thép Việt Ý cho biết sẽ nới room ngoại lên 100%.
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm 2017 và quý 1 năm 2018 đã và đang cho thấy những tín hiệu tốt. Sự khởi sắc của nhóm ngân hàng có đóng góp lớn cho sự vững chắc của TTCK. Tất nhiên, trong đó vẫn còn một số ngân hàng còn gặp khó khăn và tiếp tục chưa trả cổ tức.
Trong phiên giao dịch trước kỳ nghỉ lễ, hàng loạt các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và bán lẻ,... đã tăng trở lại.
VRE, FPT, HPG, SSI, CTG, ACB, MWG,... đều tăng mạnh.
Nhóm bán lẻ khá nổi bật với FPT Retial (FRT - một DN vừa lên sàn) tiếp tục tăng trần lên 160.500 đồng và là phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp kể từ khi chào sàn. Khối ngoại tiếp tục mua mạnh cổ phiếu này.
Bộ đôi bán lẻ MWG, PNJ cũng tăng mạnh trong phiên giao dịch trước lễ.
Nhóm chứng khoán và ngân hàng được các nhà đầu tư bắt đáy mạnh.
Kết thúc phiên giao dịch 27/4, VN-Index tăng 5,4 điểm lên 1.050,26 điểm; HNX-Index tăng 2,53 điểm lên 122,64 điểm. Upcom-Index tăng 0,87 điểm lên 56,56 điểm. Thanh khoản đạt 245 triệu cổ phần. Giá trị đạt 6,8 ngàn tỷ đồng.
Theo V. Hà
Nguồn Dân trí