Lùi lịch thi THPT quốc gia có ảnh hưởng đến xét tuyển đại học 2020?

Theo ông Đỗ Văn Xê, Hiệu trưởng Đại học Hùng Vương TP.HCM, trường đang trong quá trình họp, tính toán lại các mốc thời gian trong công tác tuyển sinh, lùi tịnh tiến theo kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Dự kiến các thủ tục đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng, xét tuyển đợt 1 cũng lùi lại khoảng 6- 7 tuần.

Nếu kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức ngày 8-11/8, thì các địa phương buộc phải công bố điểm chậm nhất trước 15/9 để các trường có căn cứ khởi động xét tuyển lọc ảo các nguyện vọng của thí sinh. Như vậy về cơ bản, việc thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học năm nay trễ hơn năm 2019 khoảng hơn 1,5 tháng.

Theo quy định, thời điểm kết thúc xét tuyển đại học là hết tháng 12/2020. Việc xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia và công bố điểm chuẩn của các trường có thể sẽ bắt đầu từ tháng 9 (thay vì tháng 8 như mọi năm) cũng không ảnh hưởng lớn đến thí sinh.

Bởi vẫn còn khoảng 3 tháng để các trường xét tuyển bổ sung. Đó là chưa kể nhiều trường bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển học bạ từ đầu tháng 3. Không ít trường chỉ xét học bạ 5 học kỳ, không tính học kỳ 2 lớp 12.

Về quy chế thi, ông Đỗ Văn Xê cho biết, đến nay Bộ GD&ĐT chưa công bố quy chế chính thức nhưng theo dự thảo do Bộ công bố lấy ý kiến, hầu hết những thay đổi trong quy chế năm nay liên quan đến các trường đại học, không có những thay đổi lớn liên quan đến thí sinh, các em hoàn toàn yên tâm ôn tập chuẩn bị cho kỳ vượt vũ môn.

Dự kiến kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 diễn ra từ ngày 8 đến 11/8.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, việc nghỉ học để phòng chống dịch thời gian qua và việc lùi thời gian tổ chức thi THPT quốc gia chắc chắn sẽ làm thay đổi kế hoạch học tập và tuyển sinh chính quy năm 2020, nhưng không phải là sự xáo trộn lớn, các trường không bị động.

Sắp tới, Bộ GD&ĐT ban hành Kế hoạch tuyển sinh năm 2020 áp dụng chung với các trường tuyển sinh đợt 1 từ kết quả thi THPT quốc gia năm 2020.

Do đó lịch cho thí sinh đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển… và các mốc thời gian khác quy định cho trong xét tuyển đợt 1 từ kết quả thi THPT quốc gia năm 2020 dự kiến cũng sẽ lùi lại, tịnh tiến tương đương với thời gian lùi lịch thi THPT quốc gia là 1 tháng.

Theo bà, theo dõi qua các năm, số trường tuyển sinh các đợt bổ sung không nhiều, hầu hết kết thúc tuyển sinh trong khoảng tháng 10 nên năm nay, kế hoạch tuyển sinh vẫn có thể kết thúc vào tháng 12 mà không ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh của các trường.

Về những thay đổi chính sách trong chỉ tiêu tuyển sinh năm nay, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, có ba thay đổi lớn.

Thứ nhất, thực hiện Luật Giáo dục 2019, trình độ chuẩn của giáo viên phổ thông là từ đại học trở lên, đối với giáo viên mầm non là từ cao đẳng trở lên. Do vậy năm nay sẽ không xác định và giao chỉ tiêu đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo sư phạm, trừ giáo dục mầm non.

Thứ hai, đối với ngành mới được mở năm đầu tiên sẽ xác định không quá 50 chỉ tiêu. Quy định này nhằm mục đích để các trường củng cố các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo tốt.

Thứ ba, riêng hai ngành mà Chính phủ đang có chính sách đẩy mạnh đào tạo là công nghệ thông tin và du lịch sẽ có quy định riêng. Đối với những trường đã có kinh nghiệm tuyển sinh hai nhóm ngành này từ năm thứ hai trở đi, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh được tính bao gồm giảng viên thỉnh giảng là các chuyên gia đang làm việc trong các lĩnh vực thuộc ngành đào tạo đó.

Ngoài ra, Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, năm nay Bộ GD&ĐT sẽ tích hợp các nội dung điều chỉnh tuyển sinh của trình độ đại học vào cùng một quy chế, bao gồm cả chính quy, vừa học vừa làm, văn bằng 2, chất lượng cao, liên kết đào tạo… để cả hệ thống có tính ổn định, dễ tra cứu, dễ sử dụng và trên cùng một mặt bằng pháp luật.

Cùng với đó, quy chế lần này quy định các nguyên tắc và mở rộng quyền tự chủ với các trường, đặc biệt là trường tự tổ chức tuyển sinh, thi các môn văn hóa, năng khiếu, đánh giá năng lực… Qua đó nhằm bảo đảm chất lượng đầu vào và phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học, vị này cho hay.


Nguồn: Báo VTC News