Loạt biện pháp mạnh được Chính phủ triển khai để chống dịch
Ngày 27/4, Việt Nam bước vào cuộc chiến chống làn sóng Covid-19 lần thứ tư. Cuộc chiến lần này cam go hơn bởi ngay từ đầu, "thành trì y tế" đã bị chọc thủng với liên tiếp ca nhiễm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện K Tân Triều. Tiếp đó, dịch tấn công vào khu dân cư và khu công nghiệp khiến tình hình khó kiểm soát.
Đêm 25/5, 13 thành viên đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) tức tốc lên đường tới Bắc Giang “chia lửa” cùng các đồng nghiệp đang ở trong tâm dịch.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19), Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trước đó cũng lần lượt lên đường tới địa phương này để chỉ đạo công tác chống dịch.
“Chủ động tấn công”
Những diễn biến mới phức tạp tại Bắc Giang, Bắc Ninh và một số địa phương trong đợt dịch thứ tư một lần nữa đặt ra thách thức lớn, song Chính phủ tuyên bố không thay đổi “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Các biện pháp chống dịch mạnh mẽ lần lượt được đưa ra phù hợp với diễn biến dịch và tình hình thực tế.
375 ca mắc Covid-19 ở Bắc Giang được công bố chiều 25/5 là con số kỷ lục kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam. Song theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, hàng trăm ca F0 này “đã nằm trong dự tính” và đều nằm trong các khu cách ly tập trung hoặc vùng phong tỏa.
Số ca nhiễm mới cao kỷ lục được phát hiện nhờ thay đổi cách tiếp cận “chủ động tấn công”, dồn tổng lực thực hiện công tác xét nghiệm, đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần quán triệt trong các cuộc họp từ hồi đầu tháng 5.
“Chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa” là thông điệp được Thủ tướng Phạm Minh Chính truyền đi tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 4.
Vào thời điểm đó, người đứng đầu Chính phủ lưu ý phải chống 2 khuynh hướng. Một là lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và hai là hoảng sợ, hoang mang, dao động, hoặc cực đoan.
Trong cuộc làm việc với Bộ Y tế, Thủ tướng cũng giải thích rõ khái niệm “chủ động tấn công” để các bộ, cơ quan, địa phương và toàn dân nắm vững, triển khai thực hiện.
Chủ động tấn công, theo Thủ tướng, nghĩa là phải xét nghiệm chủ động, tích cực hơn nữa, huy động mọi nguồn lực hợp pháp để tập trung cho công tác rất quan trọng này, từ đó phát hiện sớm ca bệnh. Đồng thời, phải ứng dụng công nghệ phục vụ truy vết.
Song song với đó là thực hiện chiến lược vaccine, tăng cường tiếp cận các nguồn, mua vaccine theo đúng kế hoạch đã đề ra, kể cả chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất; tổ chức tiêm hiệu quả, đúng ưu tiên.
“Phải tiếp cận vaccine nhanh nhất, sớm nhất có thể, cần tích cực hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, cụ thể hơn nữa cả về số lượng, chất lượng, vấn đề thanh toán, tiến độ”, Thủ tướng nhiều lần đưa ra chỉ đạo này trong các cuộc họp chống dịch.
Được sự cho phép của Thủ tướng về việc cấp bách mua vaccine theo “trường hợp đặc biệt”, ngày 18/5, Bộ trưởng Y tế thông báo chuẩn bị ký thỏa thuận mua 31 triệu liều vaccine Pfizer, dự kiến có vào quý III và quý IV năm 2021.
Cùng ngày, Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc mua vaccine phòng Covid-19 với tinh thần “khẩn trương mua vaccine một cách nhanh nhất để tiêm trên diện rộng cho nhân dân”.
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, chúng ta đã thắng những trận đầu rất oanh liệt, nhưng thắng những trận đó không quan trọng bằng thắng cả cuộc chiến. Và ta chỉ có thể thắng cuộc chiến này nếu có được một chương trình tiêm chủng đạt hiệu quả càng nhanh càng tốt.
“Đây là điều kiện tiên quyết nhất để bảo vệ sức khỏe, đời sống của nhân dân, tạo khuôn khổ, tạo môi trường phát triển kinh tế. Đây phải là ưu tiên số một của Chính phủ vào thời điểm này”, ông Dũng nói.
Dồn tổng lực chống dịch, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân
Tại cuộc họp của ngành y tế với tổ công tác ở Bắc Giang chiều 25/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đặt ra yêu cầu “phải ngăn chặn bằng được sự lây lan trong các khu công nghiệp”. Theo ông, đây là việc rất quan trọng đối với Bắc Giang lúc này.
“Ưu tiên lớn nhất hiện nay là làm thế nào phòng, chống và dập cho bằng được ổ dịch Bắc Giang. Nếu không làm được thì dịch sẽ lây ra các tỉnh, thành phố khác, sẽ rất nguy hiểm”, Bộ trưởng Y tế lưu ý.
Ông cũng đưa ra quan điểm triển khai phương thức xét nghiệm mới ở Bắc Giang ngay từ 26/5. “Chấp nhận xét nghiệm nhầm còn hơn bỏ sót thì mới nhanh được. Đà Nẵng nhanh một thì Bắc Giang phải nhanh mười mới chặn được", ông Long nhấn mạnh.
Chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 khi Bắc Giang đang là địa phương dẫn đầu về tổng số ca nhiễm, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc rằng tình hình Bắc Giang, Bắc Ninh "rất nóng", các lực lượng phải tập trung toàn lực dập dịch. Ông yêu cầu tất cả địa phương cảnh giác cao độ, sẵn sàng trực chiến.
Với thực tế chưa địa phương nào có kinh nghiệm chống dịch liên quan đến các khu công nghiệp lớn với hàng trăm nghìn công nhân, Phó thủ tướng đề nghị tỉnh Bắc Giang chuẩn bị khu cách ly có sự giám sát của camera và công cụ công nghệ, phòng trường hợp nhiều người nhiễm sẽ thu dung những người chưa có triệu chứng để theo dõi.
Ông cũng đề nghị tỉnh Bắc Ninh mạnh dạn tính đến trong tình huống có nhiều người bị nhiễm, có nhiều F1 mà các khu cách ly tập trung không đáp ứng đủ. Khi đó có thể nghiên cứu, khảo sát để thí điểm quy mô nhỏ cho F1 cách ly tại nhà, có kết hợp giám sát bằng công cụ công nghệ, đồng thời kêu gọi sự giám sát, giúp đỡ của hàng xóm lân cận.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế), nếu lượng F1 quá lớn chúng ta sẽ đối mặt với tình trạng quá tải, lúc này, khó có thể đảm bảo an toàn cho người dân, khi nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao.
Do đó, thí điểm các trường hợp F1 cách ly tại nhà là hợp lý. Tuy nhiên, điều đó phải được thực hiện tuyệt đối nghiêm ngặt và cần tổ chức thí điểm trên một số khu vực nhỏ để đảm bảo hiệu quả và mức độ an toàn.
Quán triệt cả hệ thống phải mạnh mẽ vào cuộc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhiều lần nêu rõ quan điểm phải phân cấp phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong phòng chống dịch.
Với tinh thần "làm tốt phải được khen, nhưng làm chưa tốt cần phê bình", Thủ tướng đã ra quyết định khen thưởng nhiều tổ chức, cá nhân có thành tích trong chống dịch. Hiện thực hóa chỉ đạo "cá thể hóa trách nhiệm" của người đứng đầu Chính phủ, các tỉnh có dịch cũng quyết liệt kiểm điểm, kỷ luật nhiều cá nhân, lãnh đạo lơ là nhiệm vụ này.
Chống dịch quyết liệt nhưng không vội phong tỏa
Dù đợt dịch thứ tư có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, Chính phủ khẳng định chiến lược chống dịch "hoàn toàn không thay đổi". Đó là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch và điều trị tích cực.
Song với diễn biến nhanh của dịch, trong rất nhiều cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh cần làm mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, truy vết thần tốc, cách ly nghiêm ngặt, tránh lây nhiễm chéo.
Một vấn đề lớn đặt ra lúc này, đó là “có nên phong tỏa” những nơi dịch phức tạp như Bắc Giang, Bắc Ninh hay Hà Nội? Thẩm quyền này đã được Thủ tướng giao cho lãnh đạo địa phương tự quyết định. Nếu cách ly xã hội toàn tỉnh thì báo cáo lãnh đạo Chính phủ.
Dù vậy, chưa có bất cứ địa phương nào cần áp dụng biện pháp phong tỏa toàn tỉnh, kể cả nơi đang dẫn đầu số ca nhiễm như Bắc Giang, hay thành phố lớn như Hà Nội.
Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ba lần phải lên tiếng khẳng định “không phong tỏa Hà Nội”, khi có rất nhiều thông tin về việc này.
Chia sẻ với Zing, ông nói cuộc chiến chống Covid-19 còn kéo dài, phải bình tĩnh ứng phó, không được hoang mang, vội vàng, vì chống dịch còn khó hơn chống giặc. Ông khẳng định khi tình hình vẫn đang được kiểm soát, chưa cần thiết tính tới phương án phong tỏa vì việc này gây ra nhiều hệ lụy khác.
Khi Bắc Giang ghi nhận số ca nhiễm nCoV cao kỷ lục, cũng có ý kiến đề xuất phong tỏa toàn tỉnh thay vì một số huyện như hiện tại. Song nói với Zing, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn khuyến cáo việc này phải tính toán kỹ, vì việc phong tỏa một tỉnh sẽ gây ra hệ lụy ngay lập tức. Ví dụ nếu “đóng băng” toàn tỉnh Bắc Giang, sẽ không còn đường tiêu thụ số nông sản rất lớn của người dân.
Đó là lý do mà trong nhiều cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tất cả địa phương khi có dịch phải rất bình tĩnh, có các giải pháp thực sự cần thiết, không làm xáo trộn và tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, hoạt động kinh tế hơn mức cần thiết.
Đó cũng là lý do mà Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn quá triệt xuyên suốt việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội.
Theo đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, trong bối cảnh biến chủng của nCoV lan nhanh, độc lực mạnh hơn, chúng ta không thể duy trì mãi giải pháp “bao vây, cô lập”. Vì thế, ông ủng hộ chỉ đạo của Thủ tướng khi chuyển trạng thái từ phòng ngự sang chủ động tấn công, nhưng phải hài hòa.
“Chống dịch tốt mới bàn đến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, ông Vân nói và nhận định nếu kiểm soát được Covid-19 thì “mục tiêu tăng trưởng 6,7% tất nhiên là xa nhưng không có nghĩa là không với tới”.
Nguồn Zing