Lập hội săn sale để tiết kiệm tiền thời 'bão giá'

Khi thu nhập của gia đình vẫn chưa phục hồi sau 2 năm COVID-19, giá cả lại không ngừng leo thang, nhiều người đã rủ nhau lập nhóm săn hàng giảm giá.

Vốn là người chẳng mấy quan tâm đến hàng giảm giá, khuyến mãi nhưng chị Nguyễn Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) gần đây đã thay đổi thói quen, đi săn từng voucher mệnh giá thấp.

Khoảng tháng 7/2021, chị Hương bị mất việc tại một công ty xuất khẩu lao động vì công ty ngừng hoạt động do dịch bệnh COVID-19. Còn chồng chị Hương bị cắt giảm 50% thu nhập và hiện vẫn chịu cắt giảm 30%. Cả gia đình trông vào khoản thu nhập hơn 9 triệu đồng/tháng của chồng nên bắt buộc phải chi tiêu tiết kiệm. Thói quen săn hàng giảm giá đã hình thành từ đó.

"Hiện cái gì cũng tăng giá, đắt đỏ, từ mớ rau đến chai nước mắm, cao hơn là giá gas, giá xăng, rồi sữa, bánh kẹo...Không có kế hoạch chi tiêu hàng tháng thì chắc chắn nhiều hộ gia đình thu không đủ bù chi", chị Hương nói.

“Trước đây, gia đình tôi chi tiêu thoải mái nên không mất thời gian chuyện săn sale. Nhưng bây giờ thì không thể như thế được, cứ rảnh là tôi quan tâm đến hàng giảm giá, các chương trình, giờ vàng khuyến mãi.. Đi siêu thị, cần mua chai dầu ăn, nước mắm…cứ thấy cái nào có tem vàng (giảm giá) thì mới xem mua”, chị Hương kể.

Người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm hơn giữa thời bão giá. (Ảnh minh họa)

Nhằm giảm thiểu những khoản chi tiêu, ngoài việc chỉ săn hàng khuyến mãi trong siêu thị, chị Huyền My (Thanh Xuân, Hà Nội) còn nhắm đến các gian hàng online. “Hàng hóa ở trên các sàn thương mại điện tử bây giờ rất đa dạng, chỉ cần đặt hàng hà họ gửi về đến tận nhà rất tiện. Ngoài ra, trên đó còn có nhiều giờ vàng giảm giá. Nếu “có chiến lược” thì sẽ mua được nhiều mặt hàng với giá tốt hơn so với việc đi siêu thị, thậm chí có thể trúng hàng 0 đồng”, chị My nói.

Gần đây, cứ có thời gian rảnh là chị My lại lên các hội nhóm để “săn” voucher giảm giá trên các sàn thương mại điện tử. Người phụ nữ 31 tuổi này cho biết, nhờ thế mà mỗi tháng chị cũng tiết kiệm được vài trăm nghìn đến cả triệu đồng tiền đi chợ, cũng đủ tiền mua thêm sữa cho con nhỏ.

Không những thế, chị còn có cơ hội gắn kết hơn với bạn bè, người thân bởi có nhiều nơi sẽ yêu cầu đơn hàng mua phải đạt giá trị nhất định để được giảm giá hoặc càng mua nhiều càng giảm giá sâu.

“Nếu mua quá nhiều, có thể bạn không thể sử dụng hết hoặc vượt quá ngân sách. Cho nên tôi thường kêu gọi “500 anh em” cùng lập hội săn hàng sale, mua sắm càng vui lại được ưu đãi nhiều. Cũng chính vì thế mà những người trong đại gia đình, bạn bè thân thiết lại có cơ hội cùng nhau mua sắm”, chị My vui vẻ cho biết.

Lâu dần, việc này cũng trở thành thói quen. Mỗi lần trong nhóm có ai đó cần mua gì là lại hỏi mọi người xem có đang cần món hàng đó không và rủ nhau mua chung. Hoặc ai thấy ở đâu có chương trình khuyến mãi cần số lượng để đạt được là lại hô hào mọi người cùng mua.

Chị Mai Hoa ở Cầu Giấy Hà Nội tâm sự: "Giá cả ngày càng đắt đỏ, mỗi thứ tăng thêm một chút rồi dồn lại cũng khiến chúng tôi mất một khoản lớn. Nếu không tiết kiệm, tìm mua hàng giá rẻ thì sẽ rất khó chi tiêu. Trong khi thời gian này, để hút khách, nhiều nhãn hàng, doanh nghiệp đang tung ra các chương trình ưu đãi hấp dẫn. Chỉ mất một chút thời gian để lùng mua là có thể tiết kiệm được khá nhiều, vậy tại sao lại không săn?".

Nhiều người có thói quen vào siêu thị để tìm mua hàng giảm giá.

Thực tế, tác động của COVID-19 cùng hệ quả của việc giá xăng dầu tăng cao đã kéo theo rất nhiều mặt hàng cũng tăng theo, đặc biệt là những mặt hàng khô, có công đoạn chế biến công nghiệp.

Ông Vũ Vĩnh, chủ một tiệm tạp hóa ở Đống Đa, Hà Nội cho biết, từ sau Tết nguyên đán đến nay, rất nhiều mặt hàng tăng giá mạnh trong đó phải kể đến nước mắm và dầu ăn: “Dầu ăn Simply loại 1 lít đã tăng thêm khoảng gần 17.000 đồng/chai. Còn can 5 lít tăng thêm 20.000 đồng. Chai nước mắm Nam ngư chai 750ml cũng tăng thêm 6.000 - 8.000 đồng/chai”, ông Vĩnh dẫn giải.

Ông Vĩnh cho biết thêm, các mặt hàng như sữa, bánh, kẹo, mì tôm, bột ngọt…cũng tăng vài trăm đồng cho đến vài nghìn đồng mỗi sản phẩm. Không những thế, ngay cả những mặt hàng khác cũng đội giá với lý do giá xăng dầu tăng kéo theo phí vận chuyển tăng, ví dụ như hoa quả, hàng thời trang, cả đồ gia dụng...

Tương tự, các loại thịt, trứng gia cầm cũng tăng mạnh. Một số doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm thịt, trứng gia cầm cho biết, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng từ năm 2021 đến nay, chi phí bao bì, điện, nước, xăng, thuê kho bãi, vận chuyển…đều tăng, đã tác động đến giá thành sản phẩm.

"Chính vì thế, việc các bà nội trợ chi li, tính toán hơn khi móc hầu bao đi chợ cũng là điều dễ hiểu", ông Vĩnh nói.

Nguồn: https://vtc.vn/lap-hoi-san-sale-de-tiet-kiem-tien-thoi-bao-gia-ar669574.html