Không 'cào bằng' gói hỗ trợ kinh tế
Gói tài khóa hỗ trợ phục hồi kinh tế do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vừa được Quốc hội thông qua có quy mô lớn nhất từ trước đến nay: 291.000 tỷ đồng.
Ảnh minh họa.
Quy mô của gói hỗ trợ phục hồi kinh tế rất lớn, nhưng rất khó đánh giá con số này là lớn hay nhỏ, vì tiền như thế nào là vô cùng với nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Chúng ta đã có nhiều gói hỗ trợ, vì vậy quan trọng là cần tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ hiện có, đồng thời phải dựa vào tình hình hồi phục của doanh nghiệp như thế nào để hỗ trợ mới hợp lý.
Để giúp nền kinh tế nhanh chóng phục hồi trong thời gian tới, việc quan trọng nhất phải thích ứng an toàn với dịch Covid-19. Chính sách tài khóa cần tập trung nâng cao cơ sở hạ tầng y tế, chuẩn bị mua sắm các loại thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế… để phòng và điều trị Covid-19, đồng thời giúp doanh nghiệp yên tâm ổn định sản xuất, kinh doanh.
Trong đó, phải bảo đảm tỷ lệ lạm phát trong giới hạn thấp nhất, nợ công, thâm hụt ngân sách nhà nước (NSNN) nằm trong giới hạn chấp nhận được, và ổn định kinh tế vĩ mô phải được đặt lên hàng đầu.
Khi đưa ra gói phục hồi kinh tế 291.000 tỷ đồng, vấn đề đáng lo nhất là an toàn cân đối vĩ mô của nền kinh tế. Năm 2021, do nghĩa vụ trả nợ các trái phiếu chính phủ trong nước đến hạn, nên nghĩa vụ trả nợ đã tăng 27,3% so với thu NSNN, vượt mức trần 25% Quốc hội cho phép.
Bộ Tài chính đang đẩy mạnh tăng thu ngân sách để hạ thấp tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN về mức 24,8%.
Trong khi đó, theo nội dung Bộ Kế hoạch - Đầu tư đưa ra để hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về một số chính sách tài khóa, tiền tệ.
Cụ thể, tăng bội chi NSNN để có nguồn thực hiện chương trình với tổng số tiền 240.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023; trong đó năm 2022 khoảng 102.800 tỷ đồng, tăng tỷ lệ bội chi NSNN lên 5,08% GDP (tăng thêm khoảng 1,1% GDP so với dự toán NSNN năm 2022 đã được Quốc hội thông qua).
Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội cho phép nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN bình quân giai đoạn 2021-2025 có thể cao hơn 25%; tổng mức vay, trả nợ của ngân sách Trung ương có thể cao hơn Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia Quốc hội đã phê duyệt; kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ bình quân thấp hơn 9 năm.
Chấp thuận việc NSNN có thể vay các nguồn tài chính hợp pháp khác phù hợp và hoàn trả khi có nguồn trong kế hoạch tài chính - NSNN hàng năm hoặc các nguồn khác; Bộ Tài chính phát hành trực tiếp trái phiếu chính phủ cho Ngân hàng Nhà nước.
Tác động mạnh nhất trong gói phục hồi kinh tế là gói 40.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất 2%. Theo tính toán, để được hưởng 40.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất này, phải đẩy ra nền kinh tế 2 triệu tỷ đồng. Trong năm 2021 tăng trưởng tín dụng 12,68%, GDP 2,91%.
Như vậy một lượng tiền lớn vẫn đang lưu thông trong nền kinh tế. Do đó, khi bơm thêm tiền đến 2 triệu tỷ đồng sẽ gây lạm phát như thế nào bởi lạm phát thường đi sau 1-2 năm, Bộ Kế hoạch - Đầu tư phải dự tính được điều này.
Gói hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gần 350.000 tỷ đồng, trong đó bao gồm cả gói tài khóa 291.000 tỷ đồng.
Cụ thể, mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh (60.000 tỷ đồng); bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53.150 tỷ đồng); hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (110.000 tỷ đồng); phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113.850 tỷ đồng); cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các Quỹ tài chính ngoài NSNN khoảng 10.000 tỷ đồng.
Có 3 điểm cần lưu ý. (1) Gói hỗ trợ trước hết xem xét huy động nguồn lực và cách thức cần cụ thể, tỉ mỉ để trúng, đúng.
(2) Phải tùy từng doanh nghiệp, từng địa phương cần hỗ trợ gì.
(3) Miễn giảm thuế VAT 2%, cần cân nhắc. Nên xem xét giảm ở mức độ nào, thời gian ra sao cho phù hợp, không nên làm đại trà, chỉ nên khu trú vào một số ngành nghề, lĩnh vực doanh nghiệp cụ thể.
Thuế VAT đánh vào người tiêu dùng nhưng nó có lợi ích cho NSNN. Và đánh thuế hàng hóa nhập khẩu cũng gián tiếp bảo vệ doanh nghiệp và người lao động.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
Nguồn: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/khong-cao-bang-goi-ho-tro-kinh-te-101096.html