Khi “Nhà em có nuôi một ông bố!”: Chất xúc tác để ông bố... “trưởng thành”
Nên nhớ, cha là người giám sát để nhìn ra những hạn chế, thiếu sót của mẹ. Đồng thời, là người có khả năng thay thế hay tham gia vào một vài khâu trong nuôi dạy con.
Người mẹ hãy trở thành CEO điều phối công việc gia đình. Sau đó, giao nhiệm vụ cho “phó giám đốc chồng” một cách rõ ràng và hợp lý. Điều quan trọng là tin tưởng vào bạn đời, thay vì cảm thấy chồng làm việc gì cũng không vừa ý.
Nhà có ông bố ngại việc
Mọi người thường cho rằng, cha mẹ là bến đỗ an toàn nhất của con trẻ. Mọi chuyện cha mẹ làm đều là vì yêu thương con. Tuy nhiên, một số phụ huynh vô tình có những hành vi khiến trẻ tổn thương.
Một nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ bị trừng phạt thể xác từ năm 3 tuổi sẽ có xu hướng giận dữ và kích động hơn khi lên 5. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng, trẻ em thường xuyên bị đánh đập sẽ có chỉ số IQ sụt giảm hơn những bạn cùng lứa. Những người bị bạo hành thể xác thuở nhỏ cũng sẽ áp dụng phương pháp tương tự đối với con họ.
Trong khi đó, trẻ được nuôi dạy trong môi trường lơ là, thiếu quan tâm và vô kỷ luật dễ trở thành những thiếu niên thừa cân. Những thiếu niên này cũng dễ phát triển tính cách thiếu kỷ luật, nổi nóng, vô trách nhiệm, tiêu thụ nhiều rượu bia hơn bạn cùng lứa.
Trái lại, khi cha mẹ bao bọc con quá mức, trẻ dễ có vấn đề về sức khỏe khi trưởng thành. Những người có cha mẹ như vậy có tỷ lệ trầm cảm và rối loạn lo âu cao hơn. Đồng thời, tỷ lệ phụ thuộc vào chất gây nghiện và thuốc giảm đau ở nhóm này cũng cao. Có nghiên cứu chỉ ra rằng, sự lạnh nhạt, bất hòa với cha mẹ gây ảnh hưởng lớn tới con không kém gì một vụ ly hôn của phụ huynh.
Trong quá trình trưởng thành của nhiều trẻ, cha luôn là “người vô hình”. Bởi, những người cha này ít tương tác, giao tiếp. Họ nghĩ rằng, việc nuôi dạy con là trách nhiệm của các bà mẹ. Trong khi đó, những gì họ cần làm là kiếm tiền để tạo điều kiện kinh tế tốt nhất cho trẻ.
“Tôi có hai bé, một con trai 5 tuổi và một bé gái 7 tháng, đều kháu khỉnh, đáng yêu. Chồng tôi có vẻ cũng yêu các con, nhưng anh ấy dành rất ít thời gian cho bọn trẻ. Chồng tôi hầu như không bao giờ chủ động nghĩ ra một trò gì đó chơi với con. Nếu phải trông con, anh ấy thường bật tivi, đĩa CD cho trẻ xem. Tôi biết người cha có vai trò rất lớn với con. Tôi rất mong chồng dành sự quan tâm và chủ động chơi với các con. Tôi nên làm thế nào?”, chị Mai Phương (Hoàng Mai - Hà Nội) chia sẻ về “bài toán khó”.
Năm 2014, một đoạn văn được chia sẻ đã “gây bão” Internet bởi độ chân thực và không kém phần hài hước. Đoạn văn tả về cha được một học sinh tiểu học viết có đoạn:
“Nhà em có nuôi một ông bố. Hằng ngày, bố chỉ đi kiếm tiền rồi về nằm ườn ra đấy. Đến bà to nhất vẫn phải làm việc, còn bố là người duy nhất không làm việc. Lúc ăn cơm gọi mấy lần cũng chưa lên còn bảo đợi tao tí. Lúc ăn cơm xong cả gia đình cùng dọn bố chả dọn rồi xuống chát... với học sinh. Em bé còn phải đút xoài cho bố từ nay em không làm osin nữa. Em rất yêu vừa chứ không yêu lắm”.
Đoạn văn tả thực đã vạch trần “sự lười nhác” của người cha. Trên diễn đàn Webtretho, đoạn văn này nhận được gần 15.000 lượt like, 1.000 lượt bình luận và gần 4.000 lượt chia sẻ.
Khi đó, nhiều phụ huynh đã chia sẻ bài viết kèm theo câu nói như: “Giống y ông chồng mình, mỗi lần gọi ăn cơm cứ nói chờ tí để bố chơi game”. Một số người gửi đoạn văn cho chồng và nhắn nhủ: “Đọc đi chồng ơi, đừng có lười để sau này con nó tả như thế nhé”. Trong khi đó, một số phụ nữ “khuyên khéo” chồng nên “tự nhận xét bản thân rồi mau mau giúp vợ làm việc nhà để tránh bị con lên án”.
Tuy nhiên, không ít huynh cho rằng, những, ông bố như vậy sẽ làm hư con. Một bà mẹ có nickname Ngan Nguyen Tran Nhat giãi bày: “Đọc bài văn này tôi chảy nước mắt chứ không cười được”.
Ngừng “ôm đồm”
Chuyên gia huấn luyện phụ huynh Nguyễn Tú Anh chia sẻ, thi thoảng, khi mệt mỏi và chán nản, các bà mẹ hay cảm thán rằng: “Làm mẹ hết vui rồi nha!!”. “Làm sao để làm mẹ mà vẫn vui hoài được vậy?”.
Chuyên gia này khuyên rằng, các bà mẹ hãy giành lấy vị trí và giữ chức CEO trong gia đình, làm tốt vai trò CEO. Khi đó, mẹ sẽ vui. Ví dụ, khi trở thành CEO của một công ty “gia đình đông thành viên”, người mẹ hãy phân phối công việc cho từng “trưởng phòng” thích hợp. Ai giỏi việc gì, CEO sẽ giao làm trưởng phòng mảng đó.
Cụ thể, người cha có thể là trưởng phòng giải trí, phụ trách việc “mua vui” cho con. Kiêm luôn trưởng phòng đưa đón con đi học mỗi ngày. Trong khi đó, bà có thể là trưởng phòng dinh dưỡng, phụ trách việc đảm bảo bữa ăn cho con đủ chất theo “chiến lược” của CEO. Hoặc, ông có thể là trưởng phòng thiên nhiên, phụ trách việc đưa cháu đi dạo hít thở, xem lá ngắm hoa.
Tuy nhiên, trong trường hợp làm CEO của một công ty “gia đình hai thành viên”, người mẹ cần tự trang bị cho bản thân kiến thức nuôi dạy con bài bản. Theo chuyên gia Tú Anh, mẹ cũng cần học cách tổ chức, sắp xếp cuộc sống khoa học, lên kế hoạch mỗi ngày, nếu cần, cho từng hạng mục công việc.
“Mẹ hãy điều phối công việc, giao nhiệm vụ cho “phó giám đốc chồng” một cách rõ ràng và hợp lý. Sau đó, đặt toàn bộ sự tin tưởng vào phó giám đốc chồng. Mẹ đừng ôm đồm hết mọi việc vào người, tránh để xảy ra cảnh: Một người đầu tắt mặt tối làm hết mọi việc, một người rung đùi ngồi chơi điện thoại vì làm gì cũng không vừa ý “mẹ tụi nhỏ”!”, chuyên gia này gợi ý.
Cha là người “tung - hứng”
Theo Chuyên gia tâm lý Lê Khanh, thông thường, trong quá trình giáo dục trẻ, người mẹ thường đóng vai chính. Trong khi đó, người cha có vị trí của một người hỗ trợ. Thậm chí, cha có tình trạng tránh né hay đối kháng lại với những biện pháp của người mẹ.
“Lý do phổ biến là các ông bố thường ít có mặt tại gia đình. Ngay cả với những gia đình mà hai vợ chồng đều phải đi làm, sự hiện diện và thời gian quan tâm đến trẻ tại gia đình của người cha vẫn là ít hơn, do những quan hệ xã hội cần thiết trong công việc. Có khi đơn giản là những công việc phải mang về nhà để làm thêm, hoặc phải giải quyết dứt điểm… hay nhu cầu đọc báo, xem tivi để thư giãn sau một ngày làm việc mệt mỏi”, chuyên gia cho biết.
Tuy nhiên, ông Lê Khanh nhấn mạnh, điều đó không có nghĩa là người cha không có một vị trí quan trọng, cần thiết trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Thực tế, cha có vai trò là một đối trọng “tung – hứng” trong các yêu cầu hay can thiệp vào hành vi của trẻ. Đồng thời, là người giám sát để nhìn ra những hạn chế, thiếu sót của người chăm sóc. Ngoài ra, cha cũng là người có khả năng thay thế hay tham gia vào một vài “tiết mục” trong chương trình.
Điều này sẽ đòi hỏi ở người cha sự trao đổi, tương tác chặt chẽ với người mẹ. Họ cần thống nhất cao trong các quan điểm, kế hoạch đã được đưa ra để có được sự phối hợp cần thiết.
Chuyên gia này cho biết, ở vị trí đối trọng, người cha sẽ khiến cho trẻ thấy rõ hơn những giá trị trong các yêu cầu của mẹ. Ví dụ: Người mẹ nói: “Con phải làm xong bài tập này mới được đi chơi”. Khi đó, người cha sẽ đồng thuận: “Đúng rồi, bài tập không khó lắm đâu, con làm xong hai bố con mình đi chơi”.
Ở vai trò giám sát, trong lúc người mẹ đang tiến hành các biện pháp giáo dục trẻ, người cha sẽ quan sát. Nhờ đó, phát hiện ra những sai sót (nếu có) của người mẹ. Sau đó, người cha sẽ thảo luận riêng với mẹ. Ngoài ra, người cha cũng nhắc nhở, động viên mẹ bằng lời nói, hay những hành động cụ thể vì đã chăm sóc con.
“Sự thiếu vắng của người cha có thể dẫn đến tình trạng tâm thần phân liệt trong một số trường hợp mà trẻ đã có những tổn thương về tình cảm hay có rối nhiễu về tâm lý. Trong những trường hợp khác, một đứa trẻ thiếu vắng sự chăm sóc giáo dục của người cha có thể trở thành những người hèn nhát và dễ nản chí, luôn có cảm giác không an toàn và hay lo âu”, ông Khanh nhấn mạnh.
Ngoài ra, nhân cách của trẻ không có cha kề bên sẽ thiếu ổn định và không chắc chắn. Khi trưởng thành, những đứa trẻ này có tính khí thất thường, thường xuyên có ý định tự tử dù không gặp vấn đề nghiêm trọng. Bên cạnh đó, mối quan hệ với những người khác cũng không ổn định. Có thể, trẻ sẽ có bạn bè, nhưng không có bạn thân. Thậm chí, một số trẻ có thể trở thành tội phạm khi trưởng thành.
“Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người mẹ phải cố gắng duy trì sự hiện diện của người cha trong những trường hợp ông đã gây ra những tổn thất về tình cảm nghiêm trọng. Lúc đó, giải pháp ly dị sẽ là điều cần thiết. Điều này không chỉ là sự hỗ trợ hay giải thoát cho người vợ, mà còn là một biện pháp giúp con tránh được những tổn thất nghiêm trọng hơn về mặt tâm lý. Đó là mất đi niềm tin và lý tưởng vào cuộc sống. Điều này sẽ tệ hại hơn cả tình trạng vắng mặt của người cha mà đứa trẻ phải chịu đựng sau khi bố mẹ ly dị và người mẹ nhận việc nuôi dạy trẻ”, ông Lê Khanh nhận định.
Nguồn GDTĐ