Khai mạc Khóa họp lần thứ 48 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc
Ngày 13/9, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở Geneva (Thụy Sỹ), đã bắt đầu diễn ra Khóa họp lần thứ 48 của Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) LHQ chủ yếu qua hình thức trực tuyến, bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch COVID-19.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva. Ảnh: Tố Uyên/TTXVN
Phiên khai mạc khóa họp có sự tham dự của đại diện 47 nước thành viên HĐNQ và hơn 100 nước quan sát viên, các tổ chức quốc tế liên chính phủ và các tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Geneva. Đoàn Việt Nam tham dự do Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva làm Trưởng đoàn.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, phiên khai mạc khóa họp đã diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐNQ, bà Nazhat Shameem Khan, với sự tham dự và phát biểu trực tiếp của Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet và của Bộ trưởng Ngoại giao Đức.
Cùng ngày, trình bày báo cáo cập nhật về tình hình nhân quyền trên thế giới, Cao ủy Nhân quyền LHQ Bachelet nhấn mạnh biến đổi khí hậu trở thành "thách thức lớn nhất đối với quyền con người trong kỷ nguyên của chúng ta"; biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến một số quyền con người, bao gồm quyền lương thực, quyền tiếp cận đối với nguồn nước, quyền giáo dục, quyền nhà ở, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền phát triển và thậm chí là tính mạng của con người.
Bà Bachelet cũng điểm lại tác động của biến đổi khí hậu đối với một loạt các nước và khu vực, bao gồm các nước tại khu vực Sahel, Trung Á, Đông Nam Á, Trung Mỹ... Đồng thời, bà Bachelet kêu gọi các nước hành động mạnh mẽ để ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh ứng phó và phục hồi sau đại dịch COVID-19, bà Bachelet kêu gọi các nước cần có cách tiếp cận dựa trên quyền con người, lựa chọn các chính sách có thể khắc phục tình trạng bất bình đẳng và khuyến khích các giải pháp đổi mới sáng tạo liên quan đến môi trường nhằm hướng tới xây dựng lại các nền kinh tế xanh hơn giai đoạn hậu COVID-19. Ngoài ra, Cao ủy Nhân quyền bày tỏ quan ngại về tình hình nhân quyền tại một số nước.
Ngày 14/9, phát biểu tại phiên đối thoại với Cao ủy nhân quyền LHQ về Báo cáo cập nhật về tình hình nhân quyền trên thế giới, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam, Tham tán Công sứ Nguyễn Phương Anh cho rằng, trước những thách thức chưa từng có và ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch COVID-19 tạo ra, các nước cần tăng cường sự đoàn kết và hợp tác chặt chẽ để ứng phó hiệu quả đối với đại dịch COVID-19, nhất là bảo đảm tiếp cận kịp thời và bình đẳng đối với vaccine COVID-19 và các biện pháp điều trị COVID-19 cho tất cả mọi người. Đại diện Việt Nam cảm ơn sự hỗ trợ kịp thời của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, nhất là khi Việt Nam phải đối mặt với làn sóng COVID-19 nghiêm trọng do những biến chủng mới gây ra.
Bên cạnh đó, Đại diện Việt Nam khẳng định Việt Nam quyết tâm đặt người dân vào trung tâm của các chính sách, tăng cường khả năng ứng phó y tế đối với đại dịch COVID-19, thực hiện các chương trình hỗ trợ xã hội và tài chính với quy mô phù hợp nhằm bảo đảm các quyền con người cơ bản của người dân. Bảo vệ và hiện thực hóa quyền con người cho tất cả mọi người trong bối cảnh hậu COVID-19 cần một bước chuyển căn bản trong cách tiếp cận và ưu tiên, do đó, Việt Nam kêu gọi HĐNQ tham gia vào nhiệm vụ phục hồi sau đại dịch COVID-19 nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Khóa họp thứ 48 HĐNQ LHQ kéo dài 4 tuần, từ 13/9 đến hết 8/10, dự kiến tổ chức 6 phiên thảo luận chuyên đề; 26 phiên đối thoại với các báo cáo viên đặc biệt; 4 phiên đối thoại với Cao ủy Nhân quyền LHQ; 5 phiên đối thoại tăng cường; 1 phiên đối thoại với Trợ lý Tổng thư ký LHQ; 1 phiên đối thoại với Ủy ban Tư vấn của HĐNQ; thảo luận 86 báo cáo; tổ chức đối thoại về báo cáo của các cơ chế nhân quyền LHQ về tình hình nhân quyền tại một số nước.
Ngoài ra, theo chương trình, tại Khóa họp, HĐNQ cũng xem xét thông qua báo cáo Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của 15 nước, xem xét thông qua quyết định bổ nhiệm 3 chuyên gia phụ trách các cơ chế Thủ tục đặc biệt; thảo luận và thông qua khoảng 25 dự thảo Nghị quyết. Khóa 48 HĐNQ kéo dài hơn so với các khóa họp tháng 9 hàng năm do gần đây HĐNQ đã thành lập nhiều cơ chế nhân quyền và phiên thảo luận chuyên đề mới, đồng thời gia tăng tần suất đối thoại về báo cáo của những cơ chế này.
Nguồn baotintuc.vn