Hôm nay, gần 900.000 học sinh làm thủ tục dự thi THPT quốc gia 2019
Kỳ thi THPT quốc gia sẽ diễn ra từ ngày 25-27/6.
Năm nay, dự kiến có hơn 887.000 thí sinh cả nước tham dự kỳ thi THPT quốc gia với gần 38.050 phòng thi; 1.980 điểm thi.
Trong đó, có 233.977 thí sinh chỉ đăng ký để xét tốt nghiệp THPT mà không có nhu cầu dùng kết quả thi để xét tuyển vào các trường đại học (chiếm 26,38%); 622.925 thí sinh thi đăng ký để xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ (chiếm 70,22%); 30.202 thí sinh chỉ đăng ký để xét tuyển ĐH, CĐ (chiếm 3,04%).
Số đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên là hơn 653.000 em.
Ngày mai (25/6), thí sinh sẽ bước vào ngày thi đầu tiên. Các em sẽ thi 5 bài, gồm: Toán, Văn, Ngoại ngữ, hai bài tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, trong đó trừ Văn thi tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm.
Theo ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia được Bộ xác định là nhiệm vụ quan trọng. Đây không chỉ là công việc chuyên môn của ngành mà còn là nhiệm vụ chính trị và trách nhiệm với xã hội.
Sau bê bối gian lận thi cử năm 2018, năm nay, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ có một số điều chỉnh về kỹ thuật, quy trình để đảm bảo kỳ thi diễn ra khách quan, an toàn, công bằng, nghiêm túc, phòng ngừa và phát hiện các tiêu cực có thể xảy ra.
Trong đó, một số thay đổi như: ĐH, CĐ phối hợp làm thi theo nguyên tắc các trường ĐH, CĐ thuộc địa phương không làm thi ở địa phương mình; thí sinh tự do, GDTX thi chung với thí sinh là học sinh lớp 12 THPT…
Bộ GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức công tác chấm thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì; đặt camera giám sát phòng lưu trữ đề thi/bài thi, phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia 2019
Đặc biệt, để tránh việc can thiệp vào các bài thi, năm nay Bộ tiến hành “đánh phách điện tử” phiếu trả lời trắc nghiệm nhằm tăng cường tính bảo mật, có thể phát hiện và truy xuất các tác động trái phép vào bài thi, dữ liệu chấm thi.
Một số địa phương như Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, sau sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, năm nay bị thiếu nhân sự tham gia Hội đồng thi, các ban của Hội đồng; nhiều thành viên mới nên kinh nghiệm tổ chức thi còn hạn chế.
Với những địa phương này, Bộ GD&ĐT đã sớm nắm bắt, chủ động có phương án hỗ trợ kịp thời.
Với những Hội đồng thi gặp khó khăn do nhân sự mới ít kinh nghiệm hoặc thiếu nhân sự (không chỉ riêng Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La), Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường đại học tăng cường phối hợp; đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương hỗ trợ tối đa về nhân lực, cơ sở vật chất, đảm bảo trước ngày thi, tất cả các khâu của kỳ thi đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, để kỳ thi diễn ra theo đúng kế hoạch, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, không để sai sót ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi.