Hỏi con vì sao muốn ngủ chung với bố mẹ, câu trả lời khiến trái tim tôi tan nát

Ảnh minh họa.

Tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ ngủ cùng con. Đó luôn là điều mà tôi cảm thấy khó chịu vì tôi là một người cực kỳ thính ngủ. Tôi thường dễ dàng nghe thấy từng tiếng động nhỏ mà con tạo ra khi ngủ, và tỉnh giấc ngay mỗi lần con trở mình (cả những khi bàn chân nhỏ xíu đạp vào lưng hoặc gác lên mặt tôi).

Ngủ chung giường với con luôn đồng nghĩa với việc mọi thành viên trong gia đình tôi đều ngủ không ngon. Vì vậy, hai vợ chồng tôi đã tạo tiền lệ sớm cho các con: chúng phải ngủ trên giường của mình.

Thế rồi, bé trai thứ ba chào đời. Con tỏ ra là người có ý chí quyết tâm cao nhất về chuyện ngủ chung. Tôi thì quá bận rộn và quá mệt mỏi đến nỗi chẳng còn hơi sức đâu mà sâu sát việc thực hiện đến cùng quy tắc của gia đình.

Hơn nữa, thực tế con là út ít trong nhà khiến cho việc nói không với ngủ chung trở thành bất khả thi. Nhưng tôi chưa bao giờ thực sự bận tâm tới lý do tại sao con lại thiết tha muốn ngủ trên giường cùng bố mẹ đến thế.

Con trai út của tôi là một đứa trẻ cá tính mạnh. Con không biết sợ là gì và luôn quyết tâm làm mọi thứ mà các anh con đã làm. Con dường như không bao giờ suy nghĩ trước khi hành động. Những lúc các anh tỏ ra thận trọng, thì con lại chẳng hề ngán ngại. Đó là lý do tại sao tôi đã rất sốc khi một ngày chúng tôi hỏi con vì sao con cứ vào giường chúng tôi để ngủ giữa đêm.

Hai vợ chồng tôi đều khổ sở vì thiếu ngủ. Do đó, chúng tôi đề nghị con có thể thử ngủ trên giường con cả đêm được không.

"Nhưng con sẽ sợ lắm!", con nhỏ nhẹ thú nhận. Tôi như thể bị giáng một đòn mạnh.

Mặc dù con mới 4 tuổi nhưng đó không phải là câu trả lời tôi mong đợi. Ban đầu tôi nghĩ đó đơn giản là thói quen của con. Cơ thể con đã quen với việc thức dậy giữa đêm và khi điều này xảy ra, con sẽ rời khỏi giường rồi tìm sang phòng bố mẹ. Bình thường con vẫn luôn dũng cảm và tự lập đến thế kia mà!

Nhưng ngẫm lại tôi lại nghĩ khác. Đôi khi, chúng ta quên mất việc để tâm đến cảm nhận của một đứa trẻ như thế nào: Sợ bóng tối và thức dậy vào giữa đêm, hoàn toàn cô đơn trong căn phòng yên tĩnh tối đen như mực.

Con trai tôi ngủ giường tầng với anh trai ở giường trên, nhưng như con chỉ cho tôi thấy: "Lúc con tỉnh giấc, anh vẫn cứ ngủ ấy". Tất nhiên, tôi hiểu điều này chứ. Nhưng khi con có thể diễn đạt bằng lời, tôi nhận ra rằng, con đã thực sự sợ hãi đến thế nào.

Tuổi thơ trôi qua rất nhanh. Mỗi đứa trẻ là duy nhất và có những nhu cầu khác nhau. Con trai lớn không thể chờ có phòng riêng để không phải ngủ với bất cứ ai khác. Còn đứa con giữa lại thường lo lắng vào ban đêm và cần một người ở bên cạnh cho đến khi nó bắt đầu chìm vào giấc ngủ.

Con trai út thường sẽ ngủ trên giường cả đêm nhưng có lần, nó sẽ vào phòng chúng tôi giữa đêm khuya và thông báo: "Mắt con bị đau. Chắc chắn phải có một góa phụ đen ở đó". Mỗi lần là một lý do khác nhau.

Một ngày kia, con trai bé bỏng sẽ thôi không sang phòng tôi giữa đêm để tìm kiếm cảm giác thoải mái, an lành nữa. Một ngày kia, con sẽ tự thấy mình "quá lớn" để có thể sà vào vòng tay âu yếm của tôi trên chiếc ghế tựa hay đọc những câu chuyện trước khi đi ngủ.

Chuyện này sẽ đến rất nhanh, như cảm giác tôi đã từng trải qua khi nuôi hai con lớn. Vì vậy, nỗ lực chống lại việc ngủ chung không còn là trận chiến mà tôi quan tâm nữa.

Nếu con sợ hãi vào ban đêm (theo cách mà anh con không bao giờ thể hiện), tôi muốn con biết rằng, bố mẹ con luôn ở đó vì con, ngay cả khi điều đó có nghĩa là tôi sẽ cần thêm một tách cà phê vào ngày hôm sau để có thể tỉnh táo làm việc.

Tuổi thơ con chỉ có một lần và tôi chắc chắn rằng tôi sẽ bỏ lỡ cơ hội có thể xoa dịu con chỉ đơn giản bằng cách ngủ bên cạnh con mỗi đêm, dù rằng tôi sẽ không có được giấc ngủ trọn vẹn.


Nguồn: Báo GD&TĐ