Học cách 'xuất khẩu' văn học của các nước
'Sức mạnh mềm' của tác phẩm văn chương luôn được khẳng định theo thời gian. Đó là lý do vì sao nhiều quốc gia luôn chú trọng quảng bá văn học, để lại nhiều kinh nghiệm mà chúng ta có thể tham khảo.
Với những quốc gia như Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc... họ có lợi thế tự nhiên là ngôn ngữ đất nước họ sử dụng là những ngôn ngữ lớn, nền văn học luôn có những cây bút kiệt xuất. Thế nên đôi khi không cần quảng bá, độc giả nhiều thế hệ vẫn say mê tìm đọc tác phẩm của Lev Tolstoi, Fyodor Dostoevsky, Patrick Modiano, Ernest Hemingway, Mạc Ngôn...
Lãnh đạo Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội trao quà tặng các dịch giả Việt Nam tại lễ ra mắt các bản dịch tác phẩm văn học Nga năm 2017.
Song, trước bối cảnh toàn cầu hóa, cuộc “chạy đua” ảnh hưởng văn hóa diễn ra quyết liệt, nhiều cường quốc như Nga luôn chú ý quảng bá tác phẩm văn học của họ. Ở Việt Nam, bắt đầu từ năm 2012, các cơ quan chức năng của hai nước đã phối hợp thực hiện Dự án dịch thuật xuất bản Nga-Việt, theo sự chỉ thị của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. Các cơ quan chức năng của Liên bang Nga lập danh sách hơn 200 tác phẩm có giá trị trong việc giới thiệu văn học và văn hóa Nga để phía Việt Nam tổ chức dịch. Phía Liên bang Nga có Tổ chức Liên bang về hoạt động của Cộng đồng các quốc gia độc lập, của đồng bào sống ở nước ngoài và về hợp tác nhân đạo quốc tế, hỗ trợ phía Việt Nam hoàn toàn chi phí. Sau khi in ấn ở Nga (NXB Lokid đảm nhận), các cuốn sách sẽ được chuyển về Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội tặng các cá nhân và tổ chức, nhất là các thư viện. Về phía Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam thông qua trung tâm dịch văn học mà cụ thể là Quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Việt-Nga sẽ tiếp nhận danh sách các tác phẩm văn học Nga cần dịch, lựa chọn các tác phẩm phù hợp, tìm người dịch và hiệu đính. Đồng thời, giới thiệu cho phía Liên bang Nga một số tác phẩm văn học Việt Nam xuất sắc để dịch sang tiếng Nga.
Hiệu quả từ cách làm trên là hàng chục tác phẩm văn học Nga đã được giới thiệu, bù đắp lại một khoảng thời gian “đứt gãy” giới thiệu văn học Nga tại Việt Nam sau khi Liên Xô không còn tồn tại. Được biết, hoạt động giới thiệu văn học Nga cũng được triển khai không chỉ ở nước ta mà còn khoảng 40 quốc gia khác.
Với những quốc gia sử dụng ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ lớn như Hàn Quốc, họ cũng đẩy mạnh quảng bá văn học. Văn học Hàn Quốc đi sau “làn sóng Hàn Quốc” với điện ảnh, âm nhạc đi tiên phong. Khi công chúng nước ngoài đã mê phim Hàn Quốc, ca khúc Kpop... lẽ dĩ nhiên sẽ yêu thích văn hóa Hàn Quốc. Lượng người học tiếng Hàn Quốc tăng lên và tìm đến văn học Hàn Quốc là điều tất yếu, dù thành tựu văn học Hàn Quốc khó có thể so sánh với các cường quốc văn học khác. Cách làm của Hàn Quốc cũng tương tự như Nga, nghĩa là họ tài trợ tất cả chi phí từ dịch thuật, bản quyền, in ấn, phát hành. Theo tìm hiểu của chúng tôi, một tác phẩm văn học Hàn Quốc in ở nước ngoài cỡ khoảng 200 trang, riêng nhuận bút cho dịch giả là 15.000USD (khoảng 345 triệu đồng).
Từ thành công trong quảng bá văn học của Nga và Hàn Quốc, có thể thấy câu chuyện quảng bá văn học cần được quan tâm, đầu tư với cách làm bài bản chứ không thể tự phát bởi nỗ lực cá nhân của những nhà văn, dịch giả. Quan trọng nhất vẫn là chất lượng bản dịch; vậy nên phải rà soát, liên hệ chặt chẽ với những dịch giả đang ở nước ngoài, hiểu sâu sắc tiếng Việt, văn hóa Việt. Sở dĩ dịch giả phải ở nước ngoài mới hiểu ngôn ngữ, văn hóa đương đại thì bản dịch mới được công chúng nước ngoài yêu thích.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/van-hoa/van-hoc-nghe-thuat/hoc-cach-xuat-khau-van-hoc-cua-cac-nuoc-676458