Họa sĩ chia sẻ tips tìm nguồn cảm hứng và làm việc khi là 'tay ngang'

Mai Thanh Tùng (Kulzsc) chia sẻ một số tips khi làm việc trong lĩnh vực sáng tạo.

Zing chia sẻ gợi ý cách chăm sóc bản thân và xây dựng phong cách sống lành mạnh đến từ những bạn trẻ nổi tiếng, có lối sống tích cực.

_______

Công việc của tôi gắn liền với sự sáng tạo. Tôi nghĩ ngoài làm việc, nó còn mang đến cho chúng ta những điều mà bản thân không thể ngờ tới.

Theo tôi, dù công việc bạn đang làm có thể không đòi hỏi nhiều sự sáng tạo như: nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ,... thì nó vẫn là điều cần thiết trong cuộc sống.

Sáng tạo sẽ giúp tinh thần bạn thoải mái, có cảm hứng hơn khi làm việc và thấy cuộc sống của mình thú vị hơn.

Cũng nhờ sáng tạo tôi được mọi người biết đến nhiều hơn và có thể xuất bản những cuốn sách của riêng mình.

Tips tìm kiếm sự sáng tạo

Trong ngày, tôi có khá nhiều thời gian để đọc sách và xem phim. Tuy nhiên, tôi chưa tìm thấy một "cái tên" nào hoàn toàn giúp mình khơi dậy sự sáng tạo và tìm nguồn cảm hứng trong cuộc sống.

Thay vào đó, khi gặp các chi tiết hay ho trong phim hay trong sách tôi sẽ liên tưởng trong đầu mình để học hỏi và làm theo. Tôi không đóng khung mình khi tìm tòi nguồn cảm hứng mà xem đó là một quá trình rèn luyện và học hỏi.

Chúng ta có thể bắt đầu từ việc để ý và quan sát từ những điều nhỏ nhất, cái này có gì hay để mình học hỏi theo. Dần dần, bản thân sẽ nhạy bén, có thêm nhiều ý tưởng hơn khi nhìn ngắm, trải nghiệm mọi hoạt động trong cuộc sống.

Bạn có thể tìm thấy sự sáng tạo và nguồn cảm hứng theo nhiều cách khác nhau chứ không đơn thuần là qua phim ảnh hay sách báo. Một tip nhỏ tôi dành cho mọi người là luôn mang bên mình một quyển sổ tay.

Đây sẽ là nơi để khi bắt gặp một khoảnh khắc, một sự vật gì đó giúp mình nảy ra ý tưởng mới thì bạn có thể ghi lại ngay.

_______

Tôi cũng có thể gọi là "tay ngang" trong việc viết lách và cả hội họa. Tuy thích vẽ từ bé nhưng tôi lại không được theo học trường lớp chuyên nghiệp để trở thành họa sĩ.

Khi học Đại học Kiến Trúc, tôi mới có cơ hội tiếp xúc một cách bài bản hơn nhưng cũng chưa thể học một cách chuyên sâu với nó.

Từ đó, tôi nhận ra, dù ở bất kỳ lĩnh vực nào, nếu bạn yêu thích hãy cứ theo đuổi và bắt đầu từng bước một. Cứ đi rồi sẽ có đường, đừng ngại thử.

Tips dành cho những người muốn bắt đầu với hội họa

Vẽ và quan sát thật nhiều: Thời gian đầu đừng quá áp lực với bản thân, so sánh mình với người đi trước hay đặt nặng việc xấu, đẹp. Bạn hãy nghĩ rằng mỗi lần cầm cọ là dành thời gian cho điều bản thân yêu thích và cho mình cơ hội thử sức.
Cho bản thân cơ hội được sai: Khi bạn mới làm, bạn có quyền sai, có quyền tham khảo, có quyền thử mọi thứ để biết mình phù hợp với điều gì. Thời gian và sự nhẫn nại sẽ đền đáp cho tất cả những sự nỗ lực của mọi người.
Vẽ bằng tất cả sự thích thú: Khi đã bỏ tâm huyết của mình vào đó thì mọi tác phẩm của bạn đều có một màu sắc và giá trị riêng mà chính bạn là người hiểu và cảm nhận rõ nhất.
Xem nhiều, đọc nhiều, đi nhiều, gặp gỡ nhiều: Những điều này sẽ giúp tư duy và góc nhìn của bạn được mở rộng hơn. Dần dần, bạn sẽ cởi mở đón nhận nhiều điều đến với mình hơn, nhất là những suy nghĩ mới mẻ, độc đáo.

Nguồn: https://zingnews.vn/hoa-si-chia-se-tips-tim-nguon-cam-hung-va-lam-viec-khi-la-tay-ngang-post1306473.html