Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các trường đại học top đầu khuyên gì thí sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020?
Trong chặng nước rút này, các thầy Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng trường Đại Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Y Hà Nội dành những lời khuyên hữu ích cho các em trước kỳ thi sắp tới.
Đam mê phải kết hợp với sở trường thì mới thành công
Sau 12 năm học hành vất vả, thời điểm này chính là lúc các em quyết định lựa chọn cho mình một công việc sẽ làm trong tương lai phù hợp với bản thân mình. Để có thể đưa ra một lựa chọn đúng, các thầy chia sẻ những kinh nghiệm dành cho các sinh viên tương lai của trường.
Theo PGS.TS Phạm Hồng Chương (Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân), để quyết định theo học tại trường thì điều quan trọng là các em phải xác định được niềm đam mê của mình, năng lực của mình để lựa chọn được ngành nghề phù hợp nhất, thỏa mãn được đam mê của mình. Trường ĐH Kinh tế Quốc dân có câu nói "Nếu bạn muốn thành người giàu có cả về tinh thần, cả về vật chất, hãy đến với chúng tôi" để dành cho các học sinh có dự định chọn học ở trường ĐH Kinh tế Quốc dân.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn (Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội) thì cho rằng, các em phải giữ được đam mê nhưng cần phải biết rõ sở trường của mình là gì (chẳng hạn, sở trường thuộc về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội hay tri thức công nghệ…), hai cái này phải đi song song với nhau thì các em mới có thể hoàn thành được công việc của mình. Nếu em đã có sự lựa chọn từ lâu rồi thì hãy tin tưởng, trung thành với sự lựa chọn đó.
Thầy cho biết, các em có thể đến với trường ĐH Bách khoa Hà Nội, tự đi xem, tự khám phá, trải nghiệm, tham gia các công việc nghiên cứu… để biết mình có đam mê, có thích hay không, qua đó các em cũng có thể biết được sở trường của mình có phù hợp với các ngành nghề đó hay không.
Thầy Sơn lưu ý các học sinh, nếu chỉ yêu không thì không đủ, đam mê cần phải kết hợp với sở trường thì các em mới có thể thành công được.
Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Hữu Tú (Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội) lưu ý, đã vào học ngành Y thì các em phải có năng lực, phải yêu nghề Y bởi nghề Y là một nghề đặc biệt, môi trường làm việc, cuộc sống, văn hóa rất khác. Các em phải yêu nghề thì mới có thể thành công được.
"Các em cũng cần phải xem mình có thể "vì" người khác được không, vì người bệnh được không, vì cộng đồng được không… thì hãy chọn nghề Y", thầy Tú nhắn nhủ các thí sinh.
Theo thầy Tú, một người muốn theo nghề Y dù có giỏi nhưng không biết vì người bệnh, không sẵn sàng hy sinh vì người bệnh thì cũng không thể thành công được.
Bên cạnh đó, thầy Tú cũng nhắn nhủ các thí sinh cần phải học tốt ngoại ngữ. "Trong thời đại thế giới phẳng, nếu các em không có ngoại ngữ thì có thể coi là mù chữ, chúng ta cần biết ngoại ngữ để giao tiếp. Vì vậy, các em phải có ngoại ngữ để trở thành một công dân toàn cầu", thầy Tú khẳng định.
Học sinh cần phải nắm vững kiến thức cơ bản để giải quyết các thay đổi trong kỳ thi
Năm học 2019-2020 là một năm học nhiều khó khăn đối với các học sinh lớp 12. Các em không chỉ chịu áp lực thi cử mà đối với những em lựa chọn đăng ký vào các trường đại học top đầu cũng lại thêm áp lực.
Để vượt qua những áp lực này, các em cần ôn tập thật tốt và cần phải cố gắng học tập một cách khoa học, để đầu óc được minh mẫn, lựa chọn phương pháp học làm sao để nắm vững được kiến thức cơ bản.
Theo các thầy, trong một bài thi thí sinh không thể biết hết được các câu hỏi nhưng nếu có một kiến thức nền tảng thì các em có thể giải quyết được. Do đó, các em phải nắm vững kiến thức cơ bản và có phương pháp tư duy phù hợp.
Thầy Sơn cho rằng, các em nên học vững kiến thức cơ bản để thích ứng được những sự thay đổi khác nhau. Học sinh nên tập trung vào học sâu, học kỹ, học vững những kiến thức cơ bản, từ đó các em có thể thích ứng được với những dạng bài và yêu cầu cách thức ra đề khác nhau. Các em không nên chạy theo những dạng đề mà nên tập trung vào kiến thức cơ bản.
Thầy Chương khuyên các em nên tự tin vào chính bản thân mình, đó là điều quan trọng nhất. Nên nắm vững kiến thức cơ bản, có một sức khỏe tốt, vững tin vào mình.
Còn thầy Tú thì khuyên các em cần giữ gìn sức khỏe, "đừng ốm". Các em phải lập kế hoạch ôn tập thật khoa học, vừa học vừa giữ sức khỏe để lúc thi có sức khỏe, có được độ minh mẫn vì khi thi cần phải có thêm sự sáng tạo trong lúc thi chứ không chỉ có những gì mình học. Do đó, thí sinh cần minh mẫn, khỏe mạnh để giải quyết các vấn đề.
Nguồn: Báo Tổ Quốc