Harley-Davidson từng sản xuất xe đạp, được tin dùng bởi quân đội Mỹ

1. Từng sản xuất xe đạp trong thời gian đầu: Money Inc cho biết kế hoạch kinh doanh ban đầu của Harley-Davidson là chế tạo xe đạp cho các cậu nhóc mới lớn trước khi đủ tuổi để sở hữu một chiếc xe máy. Thật không may, ý tưởng này đã ngừng lại sau một vài năm do không đạt được doanh số như kỳ vọng. Ngày nay, những chiếc xe đạp Harley-Davidson là một món hàng được nhiều người săn lùng do số lượng sản xuất cực thấp.

2. Là phương tiện di chuyển phổ biến trong 2 cuộc thế chiến: Quân đội Mỹ đã mua hơn 15.000 chiếc môtô Harley-Davidson cho binh lính của mình trong Thế chiến I. Đây là bước ngoặt của công ty khi mang lại khoản doanh thu khổng lồ cùng với sự công nhận của người dân Mỹ về hãng xe này. Harley Davidson cũng cung cấp xe máy cho quân đội Mỹ vào Thế chiến II, nhưng lần này là 90.000 xe. Hãng xe này đã được Hải quân Mỹ trao 2 giải thưởng xuất sắc trong sản xuất vào năm 1943 và 1945.

3. Harley-Davidson không phát minh ra động cơ V-Twin: Hãng xe Mỹ đã tạo ra 9 mẫu động cơ V-Twin khác nhau, nhưng họ không phải là người phát minh ra nó. Động cơ V-Twin đầu tiên được tạo ra bởi công ty Indian Motorcycle vào năm 1909. Phiên bản động cơ V-Twin mới nhất của Harley-Davidson mang tên Milwaukee Eight Big Twin Engine, nó cung cấp sức mạnh lớn nhưng vẫn cho cảm giác lái thoải mái.

4. Biệt danh “hog” (lợn hơi) của Harley-Davidson xuất phát từ một con lợn: Harley-Davidson từng có một tay đua tên Ray Weishaar vào những năm 20 của thế kỷ trước và ông là chủ sở hữu của một con lợn con. Theo truyền thống, bất kỳ tay đua nào của Harley-Davidson giành được chiến thắng sẽ ôm con lợn này chạy một vòng trường đua như một cách ăn mừng chiến thắng, kể từ đó Harley-Davidson có biệt danh là “hog”. Hãng xe này đã cố gắng dùng thuật ngữ này như một thương hiệu riêng nhưng thất bại.

5. Lần đầu tiên xuất hiện trên truyền hình vào năm 1953: Chiếc môtô của Harley-Davidson xuất hiện lần đầu tiên trong bộ phim The Wild One vào năm 1953. Trong bộ phim, chiếc xe thuộc sở hữu của một thành viên băng đảng xe máy Beetles. Băng đảng này được cho là đã truyền cảm hứng cho tên của một ban nhạc rock nổi tiếng. Nhưng đây không phải là bộ phim khiến cho hãng xe này trở nên nổi tiếng, Harley-Davidson chỉ trở thành điểm thu hút chính vào năm 1969 trong bộ phim Easy Rider.

6. Mất chưa đến 20 năm để Harley-Davidson vượt mặt nhiều đối thủ: Nhiều người cho rằng Honda sở hữu toàn bộ thị trường xe máy, tuy nhiên Harley-Davidson mới chính là hãng nắm giữ hơn 50% doanh số bán ra của những chiếc môtô tại nhiều thị trường trên thế giới. Hiện tại, Harley-Davidson có mặt trên 67 quốc gia khác nhau với hơn 2.000 đại lý lớn, nhỏ.

7. Doanh thu từ phụ kiện chỉ chiếm 5% tổng doanh thu: Hầu hết người sở hữu xe của Harley-Davidson đều có thêm những món phụ kiện như áo khoác, giày,mũ đến từ hãng này. Doanh thu từ những món phụ kiện trên chỉ chiếm 5% tổng doanh thu của Harley-Davidson. Nghe qua có vẻ khá ít nhưng hãy nhìn vào số tiền mà họ kiếm được. Trong năm 2016, hãng xe này đã kiếm được 285 triệu USD từ mảng phụ kiện này, một con số không hề nhỏ nhưng nó chỉ là 5% doanh thu của Harley-Davidson.

8. Chiếc xe đầu tiên được sản xuất trong một nhà máy vỏn vẹn 15 mét vuông: Có rất nhiều công ty khởi đầu vô cùng khiêm tốn và Harley-Davidson là một trong số đó. Money Inc nói rằng Harley-Davidson khởi nghiệp trong một nhà kho bằng gỗ có kích thước 3 x 4,5 m với tên hãng được viết thô sơ trên cửa. Chiếc xe đầu tiên chạy bằng khí gas cùng với một động cơ nhỏ được ra đời vào năm 1903, mẫu xe này tiếp tục được sản xuất cho đến năm 1905.

9. Bộ chế hòa khí của Harley-Davidson được làm từ hộp chứa cà chua: Không có bằng chứng xác thực nào chứng minh cho thực tế này. Hiện vẫn chưa rõ liệu tin đồn này có phải là sự thật hay không, nhưng điều này đã trở thành một trong những điều bí ẩn của Harley-Davidson cho đến tận ngày nay.

10. Xe của Harley-Davidson từng được sản xuất tại Nhật Bản: Harley-Davidson đã có một thời gian ngắn sản xuất xe máy tại Nhật Bản. Nhật Bản là thị trường đầy tiềm năng của hãng xe Mỹ cho đến khi nền kinh tế của quốc gia này bị suy thoái, những người đứng đầu Harley-Davidson đã quyết định xây dựng một nhà máy ở Nhật Bản nhằm giảm chi phí xuất khẩu. Nhưng chiến lược này của Harley-Davidson đã thất bại khi Thế chiến II xảy ra, Nhật Bản quyết định không hợp tác với công ty của Mỹ nữa. Tuy nhiên, nhà máy của Harley-Davidson tại Nhật Bản vẫn mở cửa nhưng chỉ hoạt động với vai trò nhập khẩu xe từ Mỹ.


Nguồn: Báo Zing