Giữ chỗ học, phụ huynh chủ động ghi danh cho con vào lớp 10 trường tư

Trước khi Sở GD&ĐT Hà Nội công bố điểm thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2022-2023, nhiều gia đình đã kịp ghi danh cho con vào lớp 10 trường tư thục để giữ một chỗ học chắc chắn mà không quá nặng nề hay chịu nhiều áp lực về kết quả thi.

Có 109 trường ngoài công lập để lựa chọn

Tại kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập vừa diễn ra, số liệu thống kê cho thấy có gần 107.000 thí sinh đăng ký dự thi nhưng hơn 1.000 em vắng thi; trong số đó, một phần thí sinh đã đăng ký học các trường THPT tư thục.

Học sinh trường THCS&THPT Ban Mai (Ảnh: FBNT)

Lý do chính để phụ huynh đăng ký cho con học lớp 10 loại hình trường này là bởi sức cạnh tranh mạnh mẽ của kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm nay. Với tổng chỉ tiêu là hơn 69.000, sẽ có khoảng 60% học sinh tốt nghiệp THCS đỗ vào các trường THPT công lập. Để chắc chắn con tiếp tục theo học chương trình lớp 10 THPT chính quy, nhiều cha mẹ đã chủ động tìm hiểu và đăng ký cho con vào lớp 10 trường THPT ngoài công lập.

Năm hộc 2022- 2023, Hà Nội có 109 trường ngoài công lập (9 trường công lập tự chủ tài chính và 100 trường THPT tư thục) tuyển sinh lớp 10. Căn cứ tình hình thực tế, các nhà trường đã xây dựng phương án tuyển sinh lớp 10; trong đó phần lớn đều có áp dụng phương thức xét tuyển học bạ cấp THCS để tuyển sinh; một số trường áp dụng đồng thời cả 2 phương thức (kết quả thi lớp 10 công lập và xét tuyển học bạ). Đối tượng dự tuyển vào loại hình trường này là những học sinh cư trú tại Hà Nội (có xác nhận của địa phương) và không phân biệt khu vực tuyển sinh.

Với những học sinh có học bạ đẹp, lực học tốt, cha mẹ quan tâm các trường THPT ngoài công lập chất lượng tốt như: THPT Phan Huy Chú, THCS & THPT Lương Thế Vinh, THCS &THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, THCS & THPT Tạ Quang Bửu, THPT Archimedes, Tiểu học- THCS & THPT Nguyễn Siêu... Với các trường THPT ngoài công lập khác như: THCS & THPT Ban Mai, THPT FPT, THPT Phenikaa, THPT Marie Curie, THPT Đoàn Thị Điểm, THCS &THPT Newton, THCS & THPT M.V. Lômônôxốp… cũng là những địa chỉ được bố mẹ tin tưởng, đăng ký lựa chọn cho con để theo đuổi chương trình tiếng Anh quốc tế. Nhiều học sinh đã đăng ký vào trường tư đạt được điểm số rất tốt và đỗ vào trường tốp đầu tại kỳ thi vào lớp 10 công lập. Những đối tượng này, phương án vào lớp 10 trường tư chỉ là dự phòng. Ngược lại, không ít phụ huynh đăng ký nguyện vọng chính vào trường tư thục và đã hoàn tất thủ tục nhập học cho con.

Cơ hội luôn mở rộng

Khác với trường THPT công lập, các trường ngoài công lập thường triển khai thu phí ghi danh (giữ chỗ) đối với học sinh. Đây là việc cần thiết để duy trì, giữ ổn định cho công tác tuyển sinh của nhà trường. Thông tin về phí giữ chỗ được thông báo công khai và các trường đều lưu ý phụ huynh cân nhắc kỹ trước khi đóng vì phí này không được hoàn lại trong trường hợp học sinh rút hồ sơ.

Học sinh thi đánh giá năng lực vào trường THCS&THPT Tạ Quang Bửu (Ảnh: FBNT)

Có con học trường THCS Dịch Vọng với lực học trung bình khá, vợ chồng chị Mai Hà, trú tại quận Cầu Giấy đã nộp hồ sơ và cho con kiểm tra năng lực tại trường Tiểu học- THCS- THPT Everest. “Yêu cầu của trường là học sinh tốt nghiệp THCS và kiểm tra năng lực 3 môn Toán- Văn- Ngoại ngữ. Con mình tham gia kiểm tra và gia đình đã vui vẻ ghi danh với phí vài triệu đồng. Cảm giác sau đóng phí và ghi danh cho con là nhẹ nhõm, tâm lý được giải tỏa rất nhiều. Con vẫn tham dự kỳ thi vào lớp 10 của Sở nhưng nếu không đỗ, con đã có một chỗ học chắc chắn ở Everest; tránh việc, nếu trượt cả 3 nguyện vọng công lập lại hụt hẫng với việc chọn trường tư”- chị Mai Hà cho biết.

Đa số phụ huynh có con thi lớp 10 năm nay đều từng tìm hiểu một vài trường THPT tư thục để có các phương án dự phòng cho con. Các trường ngoài công lập thường có thông tin tuyển sinh lớp 10 từ rất sớm, vì vậy nếu phụ huynh không tìm hiểu, nộp hồ sơ, đặt chỗ sớm sẽ làm mất cơ hội của con vì chỉ tiêu được giao với các trường tư thục là có hạn.

“Trước đó tôi có ý định cho con học THPT FPT. Điểm học bạ của con đạt theo yêu cầu của trường nhưng gia đình còn lăn tăn nên không đóng phí giữ chỗ. Giờ tôi tôi rất lo lắng khi biết, trường tuyển 675 chỉ tiêu trong khi có hơn 3.000 hồ sơ nộp vào. Gia đình vừa phải tính toán nộp hồ sơ trường khác, vừa hy vọng FPT được tăng thêm chỉ tiêu”- chị Nguyễn Thị Hạnh, trú tại quận Hà Đông bộc bạch.

Để tăng cơ hội cho học sinh, mới đây Sở GD&ĐT Hà Nội đã có quyết định tăng hơn 1.100 chỉ tiêu lớp 10 cho 13 trường THPT ngoài công lập trên địa bàn. Cụ thể, có 3 trường THPT tuyển mới 11 lớp 10 với 495 học sinh (là các trường: THPT Trần Đại Nghĩa, THCS & THPT Lê Quý Đôn và THPT Nguyễn Du- Mê Linh). Sở GĐ&ĐT cũng cho phép tuyển tăng 10 lớp và 675 chỉ tiêu so với kế hoạch trước đó với 10 trường THPT khác. Việc điều chỉnh này đã mang đến nhiều cơ hội cho học sinh có nguyện vọng theo học lớp 10 tại các trường THPT ngoài công lập.

Như thường lệ, sau khi Hà Nội công bố điểm chuẩn xét tuyển vào các trường THPT công lập, số phụ huynh đăng ký cho con vào lớp 10 trường tư thục tiếp tục tăng. Theo khẳng định của lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, TP bảo đảm 100% học sinh đã tốt nghiệp THCS có nguyện vọng tiếp tục đi học sẽ được tuyển vào các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Do vậy phụ huynh không quá nôn nóng, luôn giữ tinh thần lạc quan để linh hoạt đưa ra những giải pháp tích cực cho tương lai của con dựa trên năng lực, nguyện vọng của con cũng như điều kiện, định hướng của gia đình.

Nguồn: kinhtedothi.vn