Giáo viên hạnh phúc, học sinh hạnh phúc

Một cô giáo vừa gửi thư đến GD&TĐ, lời đầu tiên chia sẻ: “Là một GV, đôi lúc tôi muốn bỏ nghề bởi những câu chuyện lặp đi lặp lại, rằng ở đâu đó, có clip tung lên mạng, báo chí ầm ĩ, cô giáo/thầy giáo bị tạm đình chỉ… Lúc đó, đứng trên bục giảng, nhìn xuống học trò mà cảm thấy yếm thế, cô đơn khủng khiếp...”.

Trang thư trải đầy kỷ niệm về những học trò nghịch ngợm nhưng rất đáng yêu. Có lúc trò hư, cô bắt viết bản kiểm điểm. Được một thời gian lại đâu vào đấy, cô bực quá đánh cho một thước vào mông. Bố mẹ HS biết chuyện còn cho con thêm mấy roi và đến trường xin lỗi cô giáo. Rồi có buổi lên lớp dạy, cô tá hỏa thấy trong lớp không có một HS nào. Đi hỏi khắp nơi thì biết HS rủ nhau bỏ học đi picnic.

Chiều hôm đó, cô đạp xe đi khắp các điểm vui chơi ở thành phố để tìm trò, lo trò không cẩn thận bị đuối nước, đi đường nhỡ đâu bị tai nạn giao thông… Sau này học trò gặp cô vẫn nhắc về nỗi ân hận của mình, cho dù cô không mắng câu nào nhưng cả lớp lúc đó tự bảo nhau viết bản kiểm điểm hứa không bao giờ tái phạm. Giờ những cô cậu học trò năm ấy người thành đạt, người có cuộc sống bình yên, là những công dân tử tế.

Điều thôi thúc cô giáo chia sẻ nhiều hơn lại là những áp lực dạy học thời @. Chính mắt cô chứng kiến một HS lớp 8 mắc lỗi, đồng nghiệp của cô nhẹ nhàng khuyên bảo. Không ngờ cô bé lại hất mặt thách thức: “Thôi, cô nói nhiều rồi. Cô thích thì cứ phạt đi. Mà phạt thì cô biết sau đó là gì rồi đấy khi bố em làm đơn kiện cô…”. Hay mới đây, thầy giáo lớp bên cạnh phạt HS nói chuyện riêng nhiều lần bằng hình thức trực nhật, HS liền xé vụn vở ném đầy vào lớp. Chuyện chưa hết, hôm sau, họ hàng nhà em đến trường đòi đánh thầy giáo, kệ cho thầy giải thích cứ xấn xổ bạt tai thầy 2 cái trước khi bảo vệ và các GV khác kịp chạy đến can ngăn…

Là GV chân chính, không ai không đồng tình với quan điểm HS hư thì phải đánh, cho đó là cách trị duy nhất. Mỗi tình huống sư phạm, thái độ, tính chất vụ việc lại đòi hỏi những cách thức khác nhau để giải quyết. Nhiều giải pháp “đơn giản” đến không tưởng, nhưng lại đòi hỏi sự tinh tế đến mức “nghệ thuật” của người thầy. Như một nhà báo đã kể lại kinh nghiệm hóa giải tình huống HS ngủ trong giờ của GV “lão làng”. Cô giáo đã nhẹ nhàng gọi cô HS ngủ gật, đưa một tờ giấy gấp 4 và bảo: “Con mang giúp cô thư này xuống tầng hai cho cô B”. Không bị cô trách phạt, lại thoát được khỏi lớp học, HS nữ vội chạy đi đưa thư. Khi quay lại lớp thì em tỉnh ngủ và không bị xấu hổ với các bạn. Cô giáo đã giúp HS tỉnh ngủ bằng là một lá thư để… trắng.

Một chuyên gia Tâm lý GD đã nêu quan điểm rằng không thể tước hết các công cụ GD của GV, đã có thưởng thì cũng cần có phạt. Đừng để mỗi GV khi đứng trên bục giảng, vì sợ những lùm xùm không đáng có mà trở nên bơ vơ, yếm thế, thấy HS hư cũng bó tay bất lực. Nếu cứ như vậy, chính HS là người bị thiệt thòi đầu tiên. Về lâu dài, là tổn thất của toàn xã hội.

Cần luật hoá, quy định các tình huống ứng xử của thầy - trò theo hướng HS phải biết kính trọng lễ phép, các thầy cô gương mẫu, yêu thương và công bằng với HS. Việc trách phạt này cần một quá trình sát sao của hiệu trưởng nói riêng và các thầy, cô giáo cùng gia đình nói chung. Quan trọng hơn cả, trách phạt mà yêu thương, để HS dù lớn hay bé đều “cảm” được những người thầy có tâm, có tầm, thực sự vì HS. Như Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ luôn nhấn mạnh trên các diễn đàn GD: GV hạnh phúc thì HS mới hạnh phúc, trường học hạnh phúc.

Nguồn GDTĐ