Giá vàng lập đỉnh dễ rơi đáy, cảnh báo cẩn trọng
Giới chuyên gia dự báo, giá vàng thế giới có thể tăng lên vượt mức kỷ lục trên 2.000 USD/ounce. Tuy nhiên, nếu nhìn lại lịch sử thị trường vàng hồi tháng 8/2020 thì nhà đầu tư nên cẩn trọng với 'sóng' vàng...
Giá vàng lập đỉnh tạo 'sóng', cảnh báo giới đầu tư cẩn trọng
Mở cửa phiên giao dịch sáng 23/2 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới trên sàn Kitco vẫn ổn định, giao dịch quanh mức 1.900 USD/ounce.
Trong khi đó tại Việt Nam, giá vàng trong nước vẫn có xu hướng tăng, kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua (22/2), giá vàng SJC đứng ở mức 63,00 triệu đồng/lượng (mua vào) và 63,62 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng từ 150.000 – 250.000 đồng/lượng so với phiên trước đó.
Tuy nhiên, mở cửa phiên sáng nay (23/2), giá vàng SJC đã tăng lên mức 63,15 triệu đồng/lượng (mua vào) và 63,77 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 150.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, chiều bán ra tăng 200.000 đồng/lượng.
Chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và giá vàng thế giới rơi khoảng hơn 10 triệu đồng/lượng.
Giới phân tích cho rằng, thị trường vàng thế giới bình lặng là do các nhà đầu tư đang tìm hiểu phản ứng của phương Tây trước việc leo thang căng thẳng giữa Nga và Ukraine.
Tuy nhiên, các nhà phân tích đang dự đoán vàng sẽ tăng thêm khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine gia tăng và các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm kênh đầu tư an toàn, trong đó có vàng.
Nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA, Edward Moya cho biết, vàng có vẻ như đang tạm nghỉ một chút, nhưng với những lo ngại về căng thẳng giữa Nga và Ukraine sẽ thúc đẩy các nhà đầu quay về với vàng để tìm kênh trú ẩn an toàn.
Theo đó, nhà phân tích của OANDA dự đoán, giá vàng có thể sẽ tăng lên mức 1.920 USD/ounce, thậm chí có thể lên mức cao hơn là mức 1.950 UUSD/ounce.
Theo các chuyên gia, căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp diễn có thể đưa giá vàng vượt mức kỷ lục trên 2.000 USD/ounce sau vài tháng nữa, mức giá này đã được thiết lập trê thị trường vào hồi tháng 8/2020.
Trong một báo cáo gần đây của ngân hàng Bank of America cũng dự báo giá vàng sẽ lập thêm đỉnh mới.
Dù căng thẳng giữa Nga và Ukraine sẽ diễn biến thế nào trong thời gian tới, thì trước mắt giá vàng vẫn sẽ được hưởng lợi với tư cách là tài sản trú ẩn an toàn.
Theo đó, giá vàng có thể tăng lên đến khoảng 2.120 USD/ounce trong năm nay, vượt mức kỷ lục trước đó là 2.088 USD/ounce được thiết lập vào tháng 8/2020.
Ông Colin, Chuyên gia ngoại hối độc lập, cũng cho rằng, sự kiện Nga và Ukraine nếu tiếp tục leo thang sẽ tác động mạnh đến thị trường tài chính toàn cầu, trong đó giá vàng sẽ tăng mạnh, không ngoại trừ khả năng lên 2.000USD/ounce.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nếu căng thẳng Nga và Ukraine chấm dứt thì sẽ là cú sốc đối với giá vàng, có thể giá vàng sẽ giảm xuống dưới 1.800USD/ounce.
Đồng tình với ý kiến này, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo rằng, giá vàng nếu tăng cao sẽ lặp lại hiện tượng "sóng" vàng, đó là vào thời điểm tháng 8/2020, lúc giá vàng tăng cao đạt mức kỷ lục ở mức 2.088 USD/ounce, nhưng sau đó bất ngờ điều chỉnh giảm giá mạnh, đưa vàng từ mức cao kỷ lục xuống mức thấp nhất là 1.675 USD/ounce vào tháng 3/2021 khiến giới đầu tư chao đảo.
Chính vì vậy, đợt tăng giá vàng lần này cũng có thể nằm trong chu kỳ của "sóng" vàng, lên rồi quay đầu giảm. Và giới chuyên gia khuyến cáo các nhà đầu tư nên cẩn trọng về sóng lên, xuống lặp lại kịch bản của tháng 8/2020.
Vàng có thể tăng giá lên mức cao là 1.920 USD/ounce và sau đó sẽ đột ngột giảm xuống mức thấp nhất là 1.670 USD/ounce. Giới phân tích cho rằng, điều này rất có thể xảy ra trên thị trường vàng hiện nay.
Bởi lẽ sự tăng giá của vàng ban đầu được tạo ra bởi mức độ lạm phát xoắn ốc đạt mức cao nhất trong 40 năm. Báo cáo chỉ số CPI gần đây nhất chỉ ra rằng lạm phát trong tháng Giêng đã tăng lên 7,5%, mức lạm phát cao nhất kể từ năm 1982. Sự căng thẳng giữa giữa Nga và Ukraine kết hợp với mối lo ngại lạm phát sẽ đẩy giá vàng lên mức cao nhất hiện nay.
Và động thái từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có dấu hiệu sẽ bắt đầu một loạt các đợt tăng lãi suất nhằm ngăn chặn và giảm mức lạm phát hiện tại. Điều này sẽ tạo ra xu hướng giảm giá đối với vàng khi nó phản ứng với mức lãi suất cao hơn.
Trong ngắn hạn, hầu hết nhà phân tích đều nhận định rằng nếu căng thẳng địa chính trị tiếp tục gia tăng, thì giá vàng có khả năng giữ mức tăng trên 1.900 USD. Ngược lại, các nhà phân tích lưu ý rằng nếu căng thẳng bắt đầu hạ nhiệt, giá vàng cũng có thể quay đầu giảm.
Chủ tịch Công ty Adrian Day Asset Management, Adrian Day, cũng cho biết ông sẽ thận trọng khi bán vàng trong môi trường hiện tại.
"Một đợt giảm giá ngắn hạn có thể xảy ra, nhưng các sự kiện ở Ukraine có thể thay đổi mọi thứ một cách đột ngột", ông Day nói.
Nguồn: https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong/tien-cua-toi/hien-tuong-song-vang-nhu-the-nao-ma-gioi-chuyen-gia-canh-bao-nha-dau-tu-can-trong-keo-sap-bay-405201.html