Gần tết, thực phẩm bẩn thi nhau 'đầu độc' thị trường

Càng đến gần Tết Nguyên đán, số vụ kinh doanh thực phẩm bẩn, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc bị phát hiện, bắt giữ càng nhiều.

Tết dương lịch đang tới gần và khoảng 1 tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán 2023. Lợi dụng thời điểm này, không ít gian thương đang tìm cách kinh doanh, buôn bán, tiêu thụ thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ để bán cho người tiêu dùng.

Lực lượng chức năng tạm giữ gần 2 tấn nầm lợn và tràng trứng gà

Liên tiếp các vụ việc hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. Điều đó cho thấy nỗi lo về an toàn thực phẩm cuối năm vẫn luôn hiện hữu, đòi hỏi công tác phát hiện, đấu tranh của lực lượng chức năng cần phải triển khai mạnh mẽ hơn nữa.

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tục thu giữ những lô hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc. Mặc dù biết là có hại cho sức khỏe người tiêu dùng nhưng gian thương vẫn cố ý buôn lậu mặt hàng này vì lợi nhuận cao.

Giữa tuần qua, Đội Quản lý thị trường số 9 (Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Cảnh sát môi trường (Công an TP.Hà Nội) kiểm tra xe tải biển số 29H đang dừng đỗ gần tại P.Xuân La, Q.Tây Hồ, Hà Nội.

Phát hiện hơn 7 tấn tràng trứng đông lạnh không rõ nguồn gốc

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện trên thùng xe có chứa 1 tấn nầm lợn và 0,8 tấn tràng trứng gà. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số thực phẩm trên. Đoàn kiểm tra phối hợp với đơn vị thú y, cán bộ thú y xác định số nầm lợn và tràng trứng gà này kém chất lượng và không đảm bảo vệ sinh thú y.

Trước đó, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ 1 tấn ức vịt đông lạnh và 180kg cánh gà đông lạnh tại một hộ kinh doanh trên địa bàn phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Số ức vịt và cánh gà đông lạnh này không có hóa đơn chứng từ, không có căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ hàng hóa, là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái cho biết đơn vị này vừa phát hiện và tạm giữ trên 7 tấn tràng trứng gà non đông lạnh không rõ nguồn gốc. Lô hàng trị giá ước tính hơn 1,1 tỉ đồng.

Toàn bộ số hàng hóa trên không có nhãn, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, không xác định được nguồn gốc, xuất xứ. Một số sản phẩm đã bị biến đổi màu sắc thâm đen không đúng với bản chất tự nhiên của hàng hóa.

Từ các vụ việc trên, có thể thấy vào dịp cuối năm, lợi dụng nhu cầu của người dân đối với mặt hàng thực phẩm, vì lợi nhuận, những gian thương đã đưa ra thị trường tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ hàng hóa. Do đó, mỗi người dân hãy là những người tiêu dùng “thông thái”, sáng suốt, chọn những sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có đơn vị chịu trách nhiệm về sản phẩm...

Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết, vào dịp Tết Nguyên đán, lượng thực phẩm được người tiêu dùng mua và sử dụng tăng cao. Đây cũng là thời điểm trên thị trường xuất hiện các loại thực phẩm của những cơ sở sản xuất kinh doanh theo thời vụ, không chấp hành đầy đủ quy định về điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Họ kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng hoặc quá hạn sử dụng...

"Nhằm qua mắt lực lượng chức năng, người vi phạm thường dùng thủ đoạn chia nhỏ, để cất giấu, trà trộn với hàng hóa hợp pháp, hay vận chuyển qua dịch vụ chuyển phát nhanh; giao dịch qua thương mại điện tử, ứng dụng internet... Có trường hợp họ làm giả giấy tờ kiểm định của cơ quan thú y, gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình ngăn chặn thực phẩm bẩn'', ông Trần Việt Hùng cho hay.

Theo các chuyên gia, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong Tết Nguyên đán sắp tới, bên cạnh sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, còn đòi hỏi các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần tuân thủ nghiêm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyệt đối không sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc, không an toàn; không quảng cáo sai về bản chất, tác dụng của sản phẩm thực phẩm.

Ở chiều ngược lại, người tiêu dùng không nên ham rẻ để sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Chỉ nên mua thực phẩm tại những địa chỉ uy tín, đảm bảo chất lượng, nói "không" với những sản phẩm có tem nhãn in không rõ ràng, để tránh mua hàng giả, hàng nhái, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, hồi giữa tuần qua, cơ quan đã tổ chức hội nghị triển khai công tác quản lý thị trường đợt cao điểm Tết Nguyên đán Quý Mão. Theo đó, tổng cục yêu cầu lực lượng quản lý thị trường các tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chú trọng kiểm tra, xử phạt nghiêm, nhất là đối với các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán, như bánh kẹo, hoa quả, thực phẩm...

Nguồn: 1thegioi.vn