'Dưới 10 triệu đồng/tháng, lương chưa bằng cái túi xách đã đòi cưới vợ'
Để có cái nhìn đa chiều từ chính độc giả, chúng tôi xin lược đăng (do bài viết khá dài -Tòa soạn) bài viết của bạn Thu Hà để quý độc giả cùng tham khảo.
******
Tôi là Hà, 25 tuổi, tôi tốt nghiệp đại học Ngoại thương, Hà Nội. Hiện nay tôi đang làm cho một công ty của Nhật Bản. Với mức thu nhập khoảng 1.300 USD/tháng hiện nay, tôi đủ trang trải cho bản thân, sở thích du lịch của mình và gửi biếu bố mẹ tôi một phần.
Tôi chưa có đối tượng để kết hôn nhưng tôi chắc chắn rằng, khi lấy chồng thì chồng tôi lương cũng phải tương đương, chứ nhất định không thể nào thấp hơn tôi được. Nếu chồng mà kém cỏi hơn tôi, chắc chắn một điều tôi khó có thể coi anh ấy là chỗ dựa cho mình.
Trước đây, dì tôi làm mối cho tôi một anh, hơn tôi 4 tuổi. Các cụ phụ huynh rất thích, bởi hai tuổi này hợp nhau theo quan niệm "tam hợp" của họ. Anh học đại học Bách Khoa lại cùng quê với tôi. Tuy nhiên, tôi thấy không hợp vì anh hơi mang dáng vẻ khoa học, nghiên cứu, sống tĩnh tại. Với tôi, đàn ông sống tĩnh tại thì tôi không thích.
Đáng chú ý, lương của anh một tháng cũng chỉ tròm trèm khoảng 11 – 12 triệu đồng. Ai cũng vun vén cho chúng tôi vì lý do anh ấy hiền lành. Nhưng với tôi hiền lành thôi chưa đủ. Bởi tôi chứng kiến quá nhiều gia đình vợ không thể tôn trọng chồng, vì người chồng không làm ra tiền.
Tôi từng chứng kiến khu phố tôi ở có cô hàng xóm làm ra rất nhiều tiền. Ngoài lương, khoản lậu của cô ấy cũng khá nhiều. Còn chồng cô ấy chỉ là anh thợ điện. Họ yêu nhau từ sinh viên và ra trường anh ấy vẫn an phận làm kỹ sư điện, với mức lương vài triệu đồng/tháng.
Còn cô ấy, càng ngày lương càng cao (cách đây chục năm lương của cô ấy đã 30 – 40 triệu đồng) và rất tự tin về bản thân. Mặc dù phía gia đình chú rất giàu, anh em chú đều là đại gia. Nhưng cô ấy vẫn coi thường chồng khiến người chồng lao vào rượu chè do bất mãn và cảm thấy yếu kém hơn vợ.
Cuối cùng, họ cũng ly hôn. Chị ấy nhận nuôi hai con, còn anh hàng xóm về ở với mẹ đẻ. Kết thúc cuộc hôn nhân 10 năm với tình yêu đẹp nhưng cũng đành "đường tình đôi ngả" do sau cả trăm lần mâu thuẫn không hòa giải được, cũng chỉ vì chênh lệch thu nhập giữa 2 người.
Quay trở về câu chuyện lương dưới 10 triệu đồng được Infonet đăng tải, theo tôi đây là câu chuyện thực tế về một vấn đề mà xã hội ai cũng thấy nhưng lại ngại mở lời vì sợ người khác cho rằng mình hám tiền, chỉ biết hưởng thụ hoặc có tâm lý ăn bám chồng.
Với tôi, ở nông thôn thì không nói nhưng ở thành phố, tôi chắc chắn rằng đàn ông các anh không nên lấy vợ với thu nhập thấp dưới 10 triệu đồng/tháng trong bối cảnh vật giá leo thang, đồng tiền mất giá như hiện nay. Vì cố lấy sẽ chỉ làm khổ chị em phụ nữ chúng tôi.
Chẳng mơ ước cao xa, nếu bạn gái hay vợ thích một cái túi xách đẹp đẹp cũng 12 – 15 triệu đồng. Chẳng lẽ, chồng đi làm một tháng nhịn ăn, nhịn tiêu cũng không đủ mua cho vợ cái túi xách hàng hiệu.
Tôi không nói chị em phụ nữ dựa dẫm hoàn toàn vào chồng, nhưng đã là trụ cột thì phải kiếm ra tiền, lo được cho vợ con. Dĩ nhiên cái sự "lo được" nó vô cùng và không nên lấy thang giá trị của người này đi so với hoàn cảnh của người khác. Nhưng chí ít, tiền vợ kiếm ra cũng chỉ nên để vợ chi tiêu cho cá nhân như mua sắm, làm đẹp, du lịch - đó là quan niệm của đa phần phụ nữ hiện đại.
Trong khi đó, nhiều chị em lhiện nay ấy chồng không kiếm được tiền nhưng tặc lưỡi çhồng hiền, chồng ngoan. Nhưng thực tế, khi đã lập gia đình mà lại không có tiền để lo cho con cái và sinh hoạt hàng ngày thì chồng hiền, ngoan chả để làm gì? Cuộc sống không có tiền ngột ngạt gấp trăm lần những nhà mà ông chồng dù có chơi bời, nhưng lại kiếm được nhiều tiền đem về.
Có tiền còn lo được cho con cái, lo được cho bố mẹ khi già yếu. Hoặc chí út, còn đưa được cho vợ tiền để vợ con đi chơi, shopping để xả buồn. Không có tiền thì chỉ có chui vào xó nhà mà khóc, mà oán trách số phận ư?
Khi chồng không tự chủ về kinh tế gia đình, cuộc sống vất vả lắm các bạn ạ. Tôi rất ghét bạn nào nói chỉ cần có tình yêu, lương ba cọc, ba đồng vẫn hạnh phúc. Câu chuyện "một túp lều tranh, hai trái tim vàng" đã lùi vào dĩ vãng, chỉ còn là cổ tích chứ thực tế hiện nay thì không bao giờ có nữa!
Nguồn: Báo Infonet